Công nghệ

Nghịch lý iPhone ở Ấn Độ

Báo cáo tài chính của Apple cho thấy doanh thu iPhone trong ba tháng đầu năm đạt 51,3 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, doanh số của smartphone toàn cầu giảm 13%.

Economic Times dẫn lời CEO Apple Tim Cook rằng những thị trường mới nổi như Ấn Độ giúp công ty lôi kéo được lượng lớn người dùng Android. Ông đặt cược vào Ấn Độ khi nơi đây có dân số trẻ, số người sở hữu iPhone còn ít. "Tầng lớp trung lưu Ấn Độ đang tăng mạnh. Tôi cảm nhận được giai đoạn bùng phát sẽ đến sớm, thật tuyệt khi ở đây đúng lúc. Ấn Độ sẽ là trọng tâm lớn nhất của Apple", Cook nói.

Với Apple, việc bán iPhone tại một thị trường mới nổi không đơn thuần là bán thiết bị, mà còn là cơ hội thu hút người dùng đến với hệ sinh thái. Những khách hàng bắt đầu dùng iPhone thường mua thêm Apple Watch hoặc AirPods, cộng dịch vụ đăng ký trả phí.

Tuy nhiên, theo thống kê của Counterpoint năm 2022, Apple chỉ chiếm 5% thị phần smartphone tại Ấn Độ, không có tên trong top 5. Trong khi đó, có đến 11% smartphone cũ được bán ở đây là iPhone, tăng 8% so với cùng kỳ 2021.

Theo Reuters, iPhone đã qua sử dụng tạo tiền đề quan trọng giúp Apple đánh chiếm thị trường mới nổi Ấn Độ, nhưng cũng chính những người kinh doanh máy cũ lại ngáng đường Apple trong tham vọng chinh phục thị trường.

Rest of World gọi việc mở cửa hàng Apple Store ở Bumbai và Delhi là một canh bạc lớn. Tim Cook báo cáo với cổ đông về hình ảnh tấp nập trong cửa hàng và những kỷ lục ở ngày đầu khai trương. Nhưng đây chỉ là góc nhỏ trong bức tranh mua sắm điện thoại ở Ấn Độ, nơi người dân thường mua điện thoại không hào nhoáng như những gì Apple đang công phu bày trí.

Lựa chọn của người dùng Ấn Độ

Chợ Gaffar cách cửa hàng sang trọng của Apple ở New Delhi khoảng một giờ đi xe là một trong những trung tâm bán iPhone cũ lớn nhất thủ đô. Hàng chục quầy hàng trải dài không trưng bày gì ngoài iPhone đã qua sử dụng. Các báo cáo kinh tế cho thấy thu nhập trung bình của người dân Ấn Độ đang tăng lên, nhưng đối với họ, điện thoại Apple vẫn là món hàng xa xỉ. Do đó, họ thường tìm iPhone cũ ở chợ thay vì đến Apple Store mua những model mới ra mắt.

Đến nay, Apple Store ở Delhi gần như không ảnh hưởng gì đến việc kinh doanh iPhone cũ ở Gaffa. "Đơn giản Apple không thể cạnh tranh về giá. Chúng tôi có điện thoại mới 99% với giá thấp đáng kể so với máy mới của Apple. Khách hàng của chúng tôi thừa biết iPhone mới ra mắt sẽ có mặt ở chợ Gaffa chỉ sau 10-15 ngày", Vijay, chủ một cửa hàng nói.

Những chiếc iPhone ở chợ Gaffa, Ấn Độ. Minh họa: Indiatimes

Những chiếc iPhone ở chợ Gaffa, Ấn Độ. Ảnh: Indiatimes

Một rắc rối khác của Apple tại đây là chính sách thương mại. Ở nhiều quốc gia, hãng bán iPhone tân trang qua các kênh bán lẻ. Nhưng từ 2012, chính phủ Ấn Độ gần như chặn nhập khẩu iPhone cũ do lo ngại rác thải điện tử và tác động tiêu cực đến ngành sản xuất trong nước. Apple nhiều lần tìm cách xoay chuyển tình thế nhưng không thành công.

Apple không đưa iPhone cũ vào Ấn Độ theo đường chính ngạch nhưng nhu cầu của người dùng vẫn tăng lên hàng ngày. Đó cũng là lý do vì sao chợ Gaffa luôn tấp nập người mua bán.

Trận chiến của Apple và người bán iPhone cũ

Tarun Pathak, chuyên gia phân tích tại Counterpoint, nói: "Ấn Độ là một trong những thị trường quan trọng nhất của iPhone đã qua sử dụng, nhưng Apple vẫn bị 'trói tay' bởi các chính sách. Bất kỳ ai nắm trong tay nguồn cung iPhone cũ đều thu được lợi nhuận lớn. Đó mới là người chiến thắng chứ không phải người bán iPhone mới".

Pathak nhận định Apple là thương hiệu nhiều người dùng Ấn Độ khao khát. Tuy nhiên, thói quen tiêu dùng sẽ dẫn đường họ đến những khu chợ thay vì Apple Store. Ông dự đoán với chính sách bảo hành và chất lượng sản phẩm, ngày càng nhiều người tìm mua iPhone cũ hơn. Khi muốn bán lại thiết bị, họ cũng sẽ tìm đến cửa hàng nhỏ. Chu trình khép kín này khiến thị trường iPhone cũ phình to và khó bị phá vỡ.

Manmeet Singh, chủ một cửa hàng bán iPhone ở Gaffa, nói với Rest of World: "Bạn cứ đi bất kỳ khu chợ nào, bảng giá iPhone ở Gaffi luôn là mốc chuẩn. Ở đây chúng tôi có cả những iPhone còn bảo hành. Khách hàng tin tưởng chúng tôi. Điểm yếu là chúng tôi không có nguồn tiền mặt lớn".

Một chủ cửa hàng khác cho hay: "Trận chiến duy nhất của chúng tôi với Apple là tiền. Dù mua iPhone ngoài chợ, thi thoảng vẫn có khách hỏi về việc trả góp. Nếu áp dụng hình thức mua bán này, chúng tôi sẽ thua lỗ. Đây là lợi thế của các cửa hàng Apple nhưng chúng tôi sẽ chiến thắng".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm