Tại công văn chỉ đạo mới nhất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu các đơn vị rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tín dụng phối hợp chặt chẽ, tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan sớm trình lại Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.
Trước đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 86 về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Về trái phiếu doanh nghiệp, Nghị quyết đặt ra mục tiêu dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP.
Trong đó có yêu cầu, Bộ Tài chính sớm ban hành Nghị định 153 sửa đổi để nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp góp phần lành mạnh, minh bạch hóa thị trường.
Có thể thấy, không chỉ Chính phủ và Bộ Tài chính "rốt ráo" trong việc ban hành Nghị định 153 sửa đổi mà cả các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng rất mong chờ Nghị định này để làm cơ sở trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian tới.
Tuy nhiên, ở phiên bản dự thảo Nghị định gần nhất mà Bộ Tài chính công bố vẫn còn rất nhiều quy định được đánh giá là không phù hợp với thông lệ quốc tế hay theo hướng "đóng sập thị trường". Vì vậy, các chuyên gia lo ngại, nếu các quy định này không được sửa đổi thị trường vốn cho doanh nghiệp thông qua trái phiếu sẽ chẳng thể "khơi thông" mà thậm chí còn "tắc nghẽn".
Doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng lại đi phát hành TPDN
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả, Bộ Tài Chính, thị trường trái phiếu của Việt Nam hiện không giống với các nền kinh tế khác.
"Có một thực tế ở Việt Nam là nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được vốn tín dụng nên phát hành TPDN để lấy vốn, sau đó đối tượng mua lại chính là các tổ chức tín dụng", TS. Vũ Đình Ánh nêu vấn đề.
Thị trường TPDN được xây dựng không theo chuẩn mực hay thông lệ quốc tế, đến khi phát sinh các vụ việc thì cũng xử lý không dựa trên nguyên tắc thị trường vì vậy phát sinh rất nhiều vấn đề.
Theo TS. Ánh, nền tảng lớn nhất của trái phiếu phải là xếp hạng tín nhiệm. Về mặt nguyên tắc, trái phiếu doanh nghiệp phải đảm bảo xếp hạng tín nhiệm. "Rõ ràng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam không phải thị trường thật sự, phải xây dựng hệ thống giống thông lệ quốc tế, lành mạnh, minh bạch thì mới phát triển được thị trường", chuyên gia nói.
Trái phiếu là một bộ phận của thị trường tài chính cùng với cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, phải làm rõ đối tượng nào được phát hành TPDN và các nhà đầu tư được trao đổi trái phiếu dựa trên nguyên tắc nào hay lấy căn cứ nào để định giá. Đó là những vấn đề cần được làm rõ trong Nghị định 153 sửa đổi, TS. Ánh kiến nghị.
Nhiều quy định theo hướng "đóng cửa thị trường"
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cũng chỉ ra rất nhiều vấn đề của Dự thảo Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi (lần thứ 5) mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi.
Thứ nhất là về quy định "doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu với mục đích góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hay cho doanh nghiệp khác vay vốn". Theo TS. Thịnh, công ty mẹ phát hành trái phiếu, để rồi từ đó lấy tiền phân bổ cho công ty con là bình thường vì vậy nên loại trừ trường hợp này
Tại báo cáo Thị trường trái phiếu doanh nghiệp quý II/2022, VNDirect cũng đánh giá, việc doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu với mục đích góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hay cho doanh nghiệp khác vay vốn sẽ giúp bảo vệ và giảm thiểu gia tăng rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân khỏi việc các công ty sử dụng công ty con để phát hành trái phiếu nhằm cơ cấu tại chính nguồn vốn nợ của mình để đảo nợ. Tuy nhiên, điều này sẽ hạn chế doanh nghiệp phát hành sử dụng nguồn vốn huy động từ TPDN cho các mục đích mua bán & sáp nhập (M&A).
Thứ hai, theo VNDirect, việc các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp chỉ được mua TPDN riêng lẻ (trên thị trường sơ cấp hoặc thứ cấp) do công ty đại chúng phát hành có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán một mặt sẽ giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư các nhân nhưng mặt khác cũng hạn chế nhà đầu tư chuyên nghiệp trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư.
Đặc biệt, quy định này khiến các doanh nghiệp không niêm yết sẽ không thể huy động vốn từ nhà đầu tư cá nhân thông qua phát hành trái phiếu. Từ đó sẽ giảm thiểu mạnh giá trị phát hành TPDN riêng lẻ khi phần lớn trái phiếu được phát hành bởi các công ty chưa niêm yết.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhận định nếu phương án sửa đổi này được thông qua thì phần lớn doanh nghiệp trong nền kinh tế không thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ, không tiếp cận được với nguồn vốn, thiếu vốn, dẫn đến sản xuất kinh doanh đình trệ.
Xếp hạng tín nhiệm, cần tính đến yếu tố đặc thù của Việt Nam
Với quy định phải có xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành trái phiếu Liên quan hiện vẫn còn những luồng ý kiến khác nhau. VNDirect thì cho rằng sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp phát hành song theo các chuyên gia cần tính đến yếu tố đặc thù của Việt Nam.
Nhiều quốc gia trên thế giới không bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đơn vị phát hành tuy nhiên, việc hiệp hội hay tổ chức đứng ra đại diện trái chủ giám sát hoạt động sử dụng vốn của doanh nghiệp sẽ rất tốt. Bản thân công ty xếp hạng tín nhiệm cũng là một bên giám sát tốt bởi họ có nguồn lực và rất nhiều phương thức khác nhau để giám sát doanh nghiệp".
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhấn mạnh rằng, khác với kiểm toán, đơn vị xếp hạng tín nhiệm có trách nhiệm theo dõi liên tục và công bố thông tin về kết quả xếp hạng tới công chúng, kể cả khi doanh nghệp phát hành không đồng ý.
Đây là trách nhiệm nghề nghiệp đã được quy định tại Nghị định 88/2014/NĐ-CP. Quá trình theo dõi doanh nghiệp phát hành là liên tục, doanh nghiệp xấu đi thì bị hạ bậc, tốt thì được nâng bậc, ngay và luôn chứ không phải 6 tháng hay 1 năm kiểm toán một lần.