Chứng khoán

Nghị định 08: Còn nhiều việc phải làm!

Ngày 5/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023 sửa đổi bổ sung Nghị định 65 về phát hành trái phiếu riêng lẻ, trong đó cho phép tổ chức phát hành trái phiếu kéo dài kỳ hạn thêm tối đa 2 năm và thanh toán gốc, lãi bằng tài sản khác ngoài tiền mặt.

Nghị định mới ban hành cũng tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm và thời gian phân phối trái phiếu.

Đa số các chuyên gia tài chính, công ty chứng khoán đều có chung nhận định rằng, Nghị định 08 sẽ tác động tích cực lên tâm lý thị trường, giảm bớt áp lực đáo hạn nợ cho các nhà phát hành trong năm 2023-2024, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, đây chỉ được coi là giải pháp tình thế, kéo dài thời gian để doanh nghiệp có thời gian tái cấu trúc. Số phận các doanh nghiệp ra sao sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự thiện chí của trái chủ và nhà phát hành.

Giải pháp tình thế

Nhận định về tác động của Nghị định 08 lên số trái phiếu đáo hạn năm 2023 và hoạt động phát hành mới, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FiinGroup nhận định, trong hơn 300 nghìn tỷ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2023 thì chủ yếu là trái phiếu bất động sản. Thực tế trong 62 lô trái phiếu chậm thanh toán lãi và gốc thì cũng có tới 70% là trái phiếu bất động sản. Tuy nhiên, với tình trạng thị trường bất động sản như hiện nay, về cơ bản, chất lượng của các lô trái phiếu này là thấp.

Theo đó, Nghị định 08 được kỳ vọng sẽ giúp thực hiện tái cấu trúc nợ. Cụ thể, Nghị định tạo quy định cụ thể để nhà đầu tư và doanh nghiệp có thể đàm phán giãn, hoãn nợ trái phiếu một cách nhanh chóng và quyết liệt hơn tùy vào tình hình cụ thể của từng chủ đầu tư và từng dự án. Đặc biệt trong đó có vấn đề tái tài trợ cho TPDN dựa trên tình trạng pháp lý, tính khả thi về thị trường căn hộ và các điều khoản mới bao gồm cả lãi suất ở mức hợp lý cho cả hai bên.

Nghị định 08: Còn nhiều việc phải làm! - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset. Ảnh: Internet.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Quang Thuân, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định, điểm trọng yếu nhất của Nghị định 08 là tạo điều kiện cho tổ chức phát hành và trái chủ có thể đàm phán để thống nhất gia hạn nợ. Đây là quy định tích cực nhất do hiện nay các doanh nghiệp bất động sản đã và đang bị tắc thanh khoản.

Theo đó, ông Tuấn cho rằng, về tổng quan, Nghị định 08 tạo ra không gian để doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thời gian xoay sở, cấu trúc nợ. Tuy nhiên, tác động tới thị trường trái phiếu là lâu dài do còn phục thuộc vào niềm tin với thị trường. Nhìn chung, Nghị định 08 sẽ hỗ trợ nhóm doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều hơn là hỗ trợ thị trường trái phiếu.

"Nghị định 08 được ban hành là giải pháp tình thế vì hầu hết tài sản của nhóm doanh nghiệp bất động sản nằm trên các dự án dang dở, tồn kho và dòng tiền để hấp thụ những tài sản này lại không có. Từ năm ngoái cho đến nay, tín dụng cho bất động sản gần như chững lại, bên cạnh đó, việc lãi suất cao khiến người dân e ngại việc vay vốn để đầu tư", ông Tuấn nói.

Trong khi đó, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) đánh giá Nghị định 08 được chính thức ban hành sẽ tác động tích cực tới thị trường TPDN theo hướng tạo khuôn khổ pháp lý để tổ chức phát hành, trái chủ có thêm thời gian và thêm lựa chọn mới cho việc đàm phán thanh toán gốc, lãi vay. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nghị định này được ban hành chỉ để bình ổn những vấn đề cấp thiết trong ngắn hạn, chứ không phải là giải pháp để xử lý dứt điểm được vấn đề của thị trường TPDN và những khúc mắc về tình hình tài chính của các tổ chức phát hành lớn, trong đó có nhiều doanh nghiệp bất động sản.

Để Nghị định 08 thực sự tạo ra được những chuyển biến tích cực một cách rõ nét, ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, các tổ chức phát hành TPDN phải thực sự có thiện chí trong việc đàm phán với trái chủ để có được phương án gia hạn nợ hợp lý hoặc hoán đổi tài sản với giá thị trường. Nói cách khác, khi đảm bảo được quyền lợi của trái chủ thì giá trị của Nghị định 08 mới thực sự đi vào cuộc sống.

Còn nhiều việc phải làm!

Về trước mắt, Nghị định 08 được cho là sẽ giúp giải toả tâm lý của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nghi ngại về tác động thực chất của nghị định lên thị trường TPDN.

Cụ thể, với chênh lệch lãi suất tiền gửi và TPDN hiện nay là không lớn, khiến nhà đầu tư thiếu mặn mà với loại hình trái phiếu. Đặc biệt trong bối cảnh niềm tin trên thị trường gần như đã cạn kiệt, "bình đã vỡ, chuột đã chạy" thì tiết kiệm ngân hàng đang chiếm ưu thế.

Dù đã có Nghị định mới nhưng bản chất số phận TPDN vẫn phục thuộc rất lớn vào thiện chí của nhà đầu tư và nhà phát hành. Một số chuyên gia có chung nhận định rằng, đã tới lúc bất động sản phải giảm giá một cách thực chất, khi người mua nhà thấy giá nhà hợp lý, không còn tình trạng đầu cơ, thị trường sẽ có thanh khoản, tạo điều kiện cho các trái chủ đủ niềm tin để quy đổi TPDN ra tài sản. Đây có thể coi là vấn đề căn cơ, điểm gặp nhau giữa nhà phát hành và trái chủ để Nghị quyết 08 phát huy hiệu quả và giải quyết được gốc rễ vấn đề trái phiếu bất động sản.

Nghị định 08: Còn nhiều việc phải làm! - Ảnh 2.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia. Ảnh: Trọng Hiếu.

TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, việc ban hành Nghị định 08 là cần thiết, được thị trường, nhà đầu tư và doanh nghiệp mong đợi. Dù vậy, đây chỉ có thể coi là giải pháp tình thế, kỳ vọng tháo gỡ đa số những vướng mắc liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm nay và năm tới. Tuy nhiến, muốn làm được điều này rất cần tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện cam kết của doanh nghiệp, sự đồng hành, chia sẻ của nhà đầu tư và sự hỗ trợ kịp thời, giải quyết vướng mắc của các cơ quan quản lý. Các bên liên quan cũng cần chuẩn bị hàng trang cho năm tới khi các điều kiện tiêu chuẩn cao hơn (nhà đầu tư chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm, thời gian phân phối trái phiếu…) bắt đầu áp dụng trở lại.

Ngoài ra, ông Lực khuyến nghị, doanh nghiệp nên tiếp tục sẵn sàng bán tài sản với mức chiết khấu có thể lên đến 30-40%; đẩy mạnh cơ cấu lại sản phẩm, hoạt động, tiết giảm chi phí; sớm bắt tay chuẩn bị phát hành mới theo Nghị định 08 để có tiền trả nợ, hoàn thiện các dự án dở dang; đa dạng hóa nguồn vốn và quan tâm hơn đến quản lý rủi ro tài chính (hạn chế dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều, hạn chế đầu tư dàn trải…).

Bộ Tài chính nên xem xét các giải pháp khuyến khích phát hành trái phiếu ra công chúng nhiều hơn, có giải pháp phát triển nhà đầu tư tổ chức, thành lập trung tâm giao dịch trái phiếuthứ cấp (để nắm được hoạt động chuyển nhượng, nhà đầu tư…), thúc đẩy phát triển các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, tăng cường giáo dục tài chính nhằm nâng cao chất lượng nhà đầu tư, hoàn thiện thể chế như đề xuất sửa đổi luật chứng khoán, Luật Doanh nghiệp cho phù hợp….

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nên sớm chủ động phát triển năng lực cung cấp dịch vụ xếp hạng. Các cơ quan quản lý khác như NHNN, Bộ KH&ĐT, Bộ Công An, Bộ Tư pháp…. cũng cần vào cuộc, đồng hành, tất cả là vì sự phát triển chung của thị trường vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset, nhà sáng lập Sáng lập Công ty tư vấn quản lý tài sản FIDT nhấn mạnh, Nghị định 08 sẽ có tác dụng tích cực tới thị trường TPDN, song cũng cần có sự đồng bộ, phối hợp từ hệ thống ngân hàng, bởi không có tín dụng thì thị trường sẽ chững lại. Trong thời gian tới, nên kỳ vọng Bộ tài chính, Ngân hàng nhà nước sẽ có thêm động thái cho phép gia hạn và luân chuyển nhóm nợ đối với một số loại trái phiếu nhất định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm