*Dưới đây là chia sẻ của một phụ huynh Trung Quốc
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, làm mẹ lại là hành trình nhiều cung bậc cảm xúc đến thế. Từ những ngày đầu làm dâu, tôi đã lường trước những khác biệt về quan điểm sống giữa tôi và mẹ chồng, nhưng tôi vẫn tự nhủ rằng, mọi thứ sẽ ổn nếu tôi đủ kiên nhẫn và thấu hiểu. Tuy nhiên, mọi thứ không phải lúc nào cũng đơn giản như những gì tôi nghĩ.
Tối hôm đó, tôi giật mình tỉnh giấc vì tiếng thì thầm lạ lùng phát ra từ phòng con trai. Lúc đó vào khoảng 8h tối khi cả gia đình ăn cơm xong, tôi vội khoác áo, bước chân nhẹ nhàng đến cửa phòng. Ánh sáng mờ mờ hắt ra từ khe cửa hé mở khiến tim tôi thắt lại. Tôi ghé mắt nhìn vào, và cảnh tượng trước mắt làm tôi chết lặng.
Mẹ chồng tôi đang ngồi trước mặt con trai, tay bà cầm một cây roi nhỏ. Giọng bà nghiêm nghị, đôi khi gằn lên như để nhấn mạnh từng lời: “Con phải nghe lời bà, phải mạnh mẽ, không được khóc. Đàn ông mà khóc thì yếu đuối, sau này không ai tôn trọng”.
Con trai tôi, mới chỉ hơn bốn tuổi, ngồi thu mình, mắt đỏ hoe, bàn tay nhỏ bé nắm chặt góc áo. Tôi thấy môi thằng bé run rẩy như muốn nói gì đó, nhưng nó không dám.
Tôi gần như muốn bước vào ngay lúc đó để “giải cứu” con trai, nhưng chân tôi như đông cứng. Tôi sợ rằng nếu mình mất bình tĩnh, mọi chuyện sẽ tệ hơn. Tôi đứng đó, cảm giác đau lòng, thất vọng và tức giận. Làm sao mẹ chồng tôi có thể dạy cháu như thế? Con trai tôi còn quá nhỏ để hiểu những lời trách móc đó, và hơn hết, nó cần được ôm ấp, vỗ về, chứ không phải bị ép buộc trở thành “người đàn ông mạnh mẽ” theo cách đó.
Sau khi mẹ chồng rời phòng, tôi lặng lẽ bước vào. Con trai tôi giật mình, ánh mắt đầy sợ hãi. Tôi gặng hỏi thì con bảo là do con chơi ném bóng trong nhà nên đã làm hỏng đồ đạc. Tôi ôm con vào lòng, vỗ về: “Không sao đâu, mẹ ở đây rồi. Con cứ khóc nếu con muốn. Khóc không phải là yếu đuối, khóc là cách để con nói với mẹ rằng con cần mẹ”. Tôi ngồi bên con một lúc lâu, cho đến khi thằng bé thiếp đi trong vòng tay tôi.
Sáng hôm sau, tôi quyết định nói chuyện với mẹ chồng. Đó không phải là một cuộc đối thoại dễ dàng. Tôi cố gắng giữ giọng bình tĩnh khi nói: “Mẹ ạ, con rất biết ơn vì mẹ luôn quan tâm và lo lắng cho cháu. Nhưng con nghĩ cách mẹ dạy cháu tối qua hơi nghiêm khắc. Cháu còn nhỏ, những điều mẹ nói có thể khiến cháu cảm thấy sợ hãi thay vì hiểu ý nghĩa sâu xa của lời dạy”.
Mẹ chồng tôi im lặng một lúc, rồi bà đáp: “Con không hiểu đâu. Thời mẹ nuôi các con, nếu không nghiêm khắc thì các con sẽ hư. Bây giờ trẻ con được nuông chiều quá, lớn lên không chịu nổi áp lực”.
Tôi thở dài, biết rằng đây là quan điểm đã ăn sâu vào cách nghĩ của bà. Nhưng tôi không thể để điều đó ảnh hưởng đến con trai mình. Tôi nhẹ nhàng nói tiếp: “Con hiểu mẹ muốn tốt cho cháu, nhưng mỗi thời mỗi khác. Ngày nay, chúng con dạy con bằng cách khuyến khích, giúp con hiểu cảm xúc của mình, thay vì ép buộc. Con trai còn nhỏ, con muốn cháu được lớn lên trong môi trường an toàn và yêu thương, để sau này cháu có thể đối mặt với cuộc sống bằng sự tự tin, chứ không phải bằng nỗi sợ”.
Mẹ chồng nhìn tôi chăm chú, đôi mắt bà thoáng chút mềm lòng. “Mẹ không muốn làm cháu tổn thương, nhưng mẹ cũng sợ cháu không đủ mạnh mẽ theo kiểu cứ hơi tí là khóc thế được”.
Tôi cầm lấy tay bà, nhẹ nhàng: “Cháu mạnh mẽ không có nghĩa là không được khóc hay che giấu cảm xúc, mẹ ạ. Mạnh mẽ là biết mình cần gì, biết đứng lên khi vấp ngã, và biết bày tỏ khi cần sự giúp đỡ”.
Sau hôm đó, mẹ chồng tôi dường như suy nghĩ nhiều hơn. Dù không nói ra, nhưng bà bắt đầu thay đổi cách tiếp cận với cháu, cởi mở hơn khi lắng nghe ý kiến của tôi. Còn tôi, tôi cũng học cách kiên nhẫn hơn, không áp đặt suy nghĩ của mình mà cố gắng tạo sự đồng cảm với bà.
Tôi đã nhận ra rằng, mâu thuẫn trong việc nuôi dạy con cái giữa các thế hệ là điều không thể tránh khỏi, nhưng quan trọng nhất là cách chúng ta giải quyết những khác biệt đó. Sau sự việc hôm ấy, tôi hiểu rằng sự kiên nhẫn, lắng nghe và tôn trọng là chìa khóa để tạo nên sự thấu hiểu.
Thay vì đối đầu hay phê phán mẹ chồng, tôi chọn cách giữ bình tĩnh và lắng nghe quan điểm của bà. Tôi biết rằng mỗi thế hệ có những trải nghiệm và giá trị riêng, và để tạo ra sự đồng thuận, tôi cần giải thích một cách nhẹ nhàng, tôn trọng những nỗ lực của bà trong việc dạy dỗ cháu. Việc tôi chia sẻ quan điểm không nhằm phủ nhận cách làm của bà, mà là để mở ra một hướng tiếp cận mới, phù hợp hơn với con trai trong thời đại ngày nay.
Tôi cũng học được rằng, để giải quyết bất đồng, cần hướng đến mục tiêu chung: hạnh phúc và sự phát triển của đứa trẻ. Khi cả hai bên đều đặt lợi ích của con trai lên hàng đầu, chúng tôi dễ dàng tìm được tiếng nói chung hơn. Điều quan trọng là thay vì áp đặt, tôi đã tìm cách dung hòa, giải thích rằng mạnh mẽ không phải là kìm nén cảm xúc mà là hiểu và làm chủ được cảm xúc của mình.
Cuộc trò chuyện ấy không chỉ giúp mẹ chồng thay đổi cách nhìn mà còn khiến tôi nhận ra rằng, mâu thuẫn không phải là điều xấu. Nó là cơ hội để chúng tôi hiểu nhau hơn, gắn kết hơn, và cùng nhau học cách trở thành những người mẹ tốt nhất cho con trai. Hành trình làm mẹ và làm dâu là một bài học dài, nhưng tôi tin rằng, với tình yêu thương và sự thấu hiểu, mọi khác biệt đều có thể hóa giải.