Kỹ năng sống

Hà Nội ô nhiễm không khí thứ 3 thế giới, "1 buổi sáng ở ngoài hít thở tương đương hút 2 bao thuốc"

Hà Nội ô nhiễm không khí xếp thứ 3 thế giới

Theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, sáng 4/1/2025, Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí thứ 3 thế giới với chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức 246, Vietnamplus đưa tin. Theo thang đo của IQAir, chỉ số AQI của Hà Nội ở mức màu tím - "mức rất không tốt cho sức khỏe”.

Hà Nội cũng là thành phố ô nhiễm nhất trong cả nước. Đứng thứ 2 về mức độ ô nhiễm, sau Hà Nội là tỉnh Hưng Yên, với chỉ số AQI ở mức 259, đứng thứ ba cả nước là Thái Bình ở mức 252.

AQI là chỉ số theo dõi chất lượng không khí dao động từ 0-500, chỉ số càng cao thể hiện mức độ ô nhiễm và tác động đến sức khỏe càng cao.

Hà Nội ô nhiễm không khí thứ 3 thế giới, "1 buổi sáng ở ngoài hít thở tương đương hút 2 bao thuốc"- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Chuyên gia cảnh báo tác hại của ô nhiễm không khí

Ths.BS Đoàn Dư Mạnh, Thành viên Hội mạch máu Việt Nam, cho biết khi chất lượng không khí tại Hà Nội đang ô nhiễm ở mức nguy hiểm, cơ quan chịu ảnh hưởng đâu tiên là mắt. Một số người có thể cảm nhận mắt cay xè do bụi bẩn. Một số bệnh lý dễ bị mắc do bụi bẩn trong không khí là viêm kết mạc, tổn thương giác mạc gây ảnh hưởng thị lực.

Không chỉ mắt, đường hô hấp cũng rất nhạy cảm với không khí ô nhiễm. Bác sĩ Mạnh cho biết thường xuyên hít phải không khí ô nhiễm sẽ dẫn tới viêm đường hô hấp trên, viêm xoang liên tục tái đi tái lại, viêm họng, viêm phế quản, bệnh phổi…

Ngoài ra, hệ tim mạch cũng có thể chịu nhiều hệ luỵ. Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, tắc mạch, đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Hội tim mạch quốc tế xếp ô nhiễm không khí ngang với hút thuốc lá về độ nguy hiểm. Chất lượng ô nhiễm nặng như ở Hà Nội, chỉ cần 1 buổi sáng ở ngoài đường hít thở tương đương hút 2 bao thuốc lá”, bác sĩ Mạnh nói.

Làm gì khi không khí ô nhiễm?

Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (201-300), đối với người bình thường, cần tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao. Nếu phải hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao, người dân nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.

Đồng thời, người dân cần hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Bác sĩ Mạnh khuyến cáo thêm những điểm sau:

- Che chắn kỹ, đeo kính bảo vệ, đeo khẩu trang lọc bụi mịn khi ra đường.

- Rửa mặt sạch sau khi đi từ ngoài về.

- Hạn chế tập thể thao ngoài trời như chạy bộ, đạp xe vì khi tập, cơ thể tăng hô hấp sẽ hít nhiều không khí ô nhiễm hơn, nên tập các môn thể thao trong nhà.

- Nên đi khám nếu có các tình trạng bệnh như viêm da kéo dài, đau mắt viêm kết mạc, viêm hô hấp xoang kéo dài, ho, khó thở, mệt mỏi và đau ngực nhiều.

Bác sĩ Mạnh lưu ý hai nhóm người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ô nhiễm không khí là trẻ con và người cao tuổi. Những đối tượng này không nên đi ra ngoài nếu thấy không cần thiết.


 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm