Doanh nghiệp

Ngành đường sắt Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Dịp lễ 30/4 năm nay, vợ chồng anh Quang Minh (Hà Nội) mời ông bà nội từ Nghệ An ra thủ đô. Vì bố mẹ lớn tuổi, lại không quen đi xe khách, nên anh chọn mua vé xe lửa giường nằm. Đây cũng là lần đầu anh sử dụng ứng dụng Zalo để mua và nhận vé.

"Tôi vào Zalo của VNR truy cập website để mua và nhận vé điện tử qua thông báo Zalo. Tôi có thể chụp và gửi vé này đến bố mẹ. Trước giờ khởi hành, hệ thống cũng gửi thông báo về giờ tàu, ga đến, vị trí ngồi... Ngoài ra, tôi còn có thể vào Mini App của VNR trên Zalo để tra cứu lịch trình, từ đó bố trí công việc để đưa đón đúng giờ, nỗi lo khi để bố mẹ đi xa được giảm nhiều", anh Minh nói.

Bên trong một khoang ghế ngồi của VNR. Ảnh: VNR

Bên trong một khoang ghế ngồi của VNR. Ảnh: VNR

Sử dụng nền tảng Zalo nhằm rút ngắn thời gian giao dịch của hành khách là một trong những ứng dụng nổi bật của ngành đường sắt thời gian qua. Theo đó, VNR đã ứng dụng Zalo với các giải pháp như Zalo Notification Service (ZNS - gửi thông đến Zalo của người dùng qua số điện thoại), Zalo Official Account (Zalo OA - tài khoản Zalo chính thức của doanh nghiệp) và Zalo Mini App (ứng dụng nhỏ của doanh nghiệp trên nền tảng Zalo).

"VNR đánh giá Zalo là một trong số ứng dụng phổ biến nhất tại Việt Nam với nhiều tiện ích, chức năng phù hợp và có giá thành triển khai hợp lý. Khi triển khai, VNR nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ đội của Zalo Cloud. Điều này đã giúp dự án được tiến hành thuận lợi và nhanh chóng. Với định hướng lấy khách hàng làm trọng tâm của chúng tôi mong muốn mang đến trải nghiệm di chuyển an toàn, tiện lợi và thoải mái nhất cho hành khách", ông Nguyễn Chính Nam - Trưởng ban Kế hoạch Kinh doanh của VNR nói.

Theo dõi giờ tàu trên ứng dụng di động. Ảnh: VNR

Theo dõi giờ tàu trên ứng dụng di động. Ảnh: VNR

Đại diện VNR cũng cho biết, việc xuất hiện với diện mạo mới bằng ZNS và Zalo Mini App, VNR mang đến trải nghiệm đa dạng, liền mạch, tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn, đặc biệt là người trẻ, đồng thời tạo sự hứng thú để người dùng tiếp tục quay lại sử dụng dịch vụ.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số còn khẳng định ngành đường sắt Việt Nam đã bứt khỏi sự trì trệ, từng bước chuyển mình một cách tích cực để cải thiện lợi nhuận, thu hút đầu tư cho những dự án tiềm năng trong tương lai.

Mua vé tàu và thanh toán qua Zalo cũng là cách nhiều bạn trẻ lựa chọn cho các chuyến du lịch. Gần đây, giới trẻ đã lựa chọn đi tàu thay vì các phương tiện di chuyển khác vì vừa có chất hoài cổ, vừa được trải nghiệm nhiều dịch vụ mới mẻ.

Thông báo giờ tàu của VNR tới người dùng. Ảnh: VNR

Thông báo giờ tàu của VNR tới người dùng. Ảnh: VNR

Theo đại diện VNR, khi xảy ra sự cố, khách hàng cũng được gửi thông báo ZNS kịp thời về tình hình, phương án khắc phục và hướng dẫn lịch trình thay thế.

Trong 3 năm trở lại đây, VNR đã áp dụng nhiều phương thức để phát triển ngành đường sắt. Cụ thể, năm 2023, VNR đã nâng cấp tuyến Nha Trang – TP HCM; triển khai liên vận quốc tế tại ga Kép (Bắc Giang); khai trương tàu chuyên tuyến Thạch Gia Trang (TQ) - Yên Viên (VN); ra mắt tàu chất lượng cao Hà Nội - Đà Nẵng (SE19/20); khai thác phòng chờ VIP; cung cấp dịch vụ tổ chức lễ cưới trên tuyến Đà Lạt - Trại Mát...

VNR cũng đặt dấu ấn lên bản đồ du lịch thế giới khi tuyến đường sắt Bắc - Nam xuất hiện trong cuốn Amazing Train Journeys của Lonely Planet - ấn phẩm tập hợp những chuyến tàu hỏa vĩ đại nhất thế giới...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm