Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021, Tập đoàn FLC có 24.065 tỷ đồng nợ phải trả, chiếm lần lượt hơn 70% tổng nguồn vốn.
Cơ cấu vốn của FLC qua các thời kỳ (dữ liệu: sstock.vn)
Đa phần nợ của FLC là các khoản người mua trả tiền trước và phải trả ngắn hạn, dài hạn. Đây là các khoản tiền khách hàng mua bất động sản, dịch vụ của FLC đã trả tiền cho doanh nghiệp nhưng chưa nhận hàng.
Nợ vay của FLC theo BCTC hợp nhất quý 4/2021 |
|
Về phía nợ vay ngân hàng, tổng nợ vay khoảng 6.200 tỷ đồng, chiếm gần 26% nợ phải trả. Trong đó, vay ngắn hạn là 2.035 tỷ và 4.170 tỷ đồng dài hạn.
Chủ nợ lớn nhất của FLC tại ngày 31/12/2021 là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) với tổng dư nợ ngắn hạn cũng như dài hạn là hơn 1.840 tỷ đồng. Theo BCTC hợp nhất quý 4/2021 của STB tổng cho vay khách hàng là 381.012 tỷ đồng và vốn chủ là 34.261 tỷ đồng. Khoản nợ này chiếm 0,48% tổng dư nợ và khoảng 5,4% vốn chủ.
Tháng 4/2021, Sacombank và Bamboo Airways cũng đã ký kết hợp tác toàn diện. Sau giai đoạn này, FLC mới bắt đầu phát sinh các giao dịch tín dụng với ngân hàng có trụ sở tại TP.HCM.
Cả Tập đoàn FLC và Bamboo Airways đều do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. FLC từng là công ty mẹ sở hữu 100% vốn của Bamboo Airways và hiện nay vẫn là một cổ đông lớn.
Từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022, vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết đã dùng xấp xỉ 160 triệu cổ phần tại Bamboo Airways để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay của Tập đoàn FLC tại Sacombank.
Chủ nợ lớn thứ 2 là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – BID) cho vay khoảng 1.747 tỷ. Theo BCTC hợp nhất quý 4/2021 mới nhất của BID. Tổng cho vay khách hàng là 1.380.401 tỷ đồng và vốn chủ là 86.366 tỷ đồng. Khoản nợ này chỉ chiếm 0,12% tổng dư nợ và khoảng 2% vốn chủ.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đứng thứ 3 khi cho FLC vay gần 1.400 tỷ đồng. Tập đoàn FLC và ngân hàng OCB cũng từng ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược vào ngày 19/1/2019, hoạt động tín dụng giữa hai bên tăng lên nhanh chóng sau đó.
Năm 2021, chi phí lãi vay của FLC là 375 tỷ đồng, giảm 33% so với năm trước và tương đương 91% lợi nhuận gộp của tập đoàn.
Các ngân hàng chịu ảnh hưởng ra sao?
Ông Huỳnh Minh Tuấn, sáng lập Công ty quản lý tài sản FIDT nhận định, sau việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, ảnh hưởng (nếu có) của hệ sinh thái FLC đến nền kinh tế, ở mức độ thấp, không đáng kể vì quy mô kinh doanh của nhóm này rất bé, ngoại trừ BVA (Bamboo Airways) chưa có số liệu cụ thể (vì không phải công ty đại chúng).
"Tổng doanh thu hệ sinh thái tập đoàn này vào khoảng 13.000 tỷ tương đương với hơn 500 triệu USD và chỉ bằng khoản 0.014% GDP Việt Nam. Về nợ bao gồm cả ngắn và dài hạn chưa tính BVA vào khoảng 8.400 tỷ tức tương đương với khoảng 360 triệu USD và quá bé so với quy mô nợ hơn 11 triệu tỷ đồng của nền kinh tế Việt", ông Tuấn phân tích.
Về Bamboo Airways, hiện tại chưa đầy đủ số liệu để đánh giá về dư nợ và quy mô vốn. Tuy nhiên Bamboo Airways sẽ có liên đới tới các ngân hàng cho vay cầm cố bổ sung tài sản đảm bảo là cổ phần BVA, như STB (18.40 tỷ) , OCB (1.400 tỷ).
Các nhà băng này sẽ phải trích lập theo chuẩn quản trị rủi ro của từng ngân hàng, trong các trường hợp khẩn cấp như CEO hay Chủ tịch bị vướng vòng lao lý và đánh giá lại toàn bộ các khoản vay này và yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo để nâng hệ số an toàn.
Về máy bay, ông Tuấn thông tin, hầu hết máy bay Bamboo Airways đang vận hành là thuê. Các hợp đồng đặt mua từ trước tới giờ chưa được ghi nhận, vì vậy các tài sản này không thuộc về Bamboo Airways và không phát sinh dư nợ với hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Theo đó, tổng thể bóc tách dư nợ toàn bộ hệ thống tập đoàn FLC khoảng gần 1 tỷ USD, trong đó hơn 60% được đánh giá là an toàn bởi sự vận hành của Bamboo Airways là khá hiệu quả.
Ông Tuấn cho rằng, những ảnh hưởng về dư nợ, chất lượng tài sản và tín nhiệm sẽ được các nhà băng rà soát lại và đi kèm kế hoạch dự phóng gồm trích lập, yêu cầu bổ sung tài sản là tất yếu.