Từ đầu tháng 5, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã có hàng chục thông báo về việc bán đấu giá tài sản thế chấp để thu hồi nợ với giá trị từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng.
Gần đây nhất, VietinBank thông báo chuyển nhượng toàn bộ khoản nợ (gốc, lãi, phí...) của Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Dầu Khí Đại Lộc tại VietinBank chi nhánh Thủ Đức để xử lý thu hồi nợ vay.
Tổng dư nợ của Công ty Dầu Khí Đại Lộc tại VietinBank Thủ Đức tính đến ngày 13/5/2022 là hơn 119 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là hơn 80,3 tỷ đồng và nợ lãi là hơn 38,6 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ trên bao gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại 336 Nguyễn Chí Thanh, Phường 5, Quận 10, TP HCM. Ngoài ra còn có một xe ô tô Ford Everest, hàng tồn kho luân chuyển và quyền đòi nợ, thụ hưởng số tiền đòi nợ phát sinh từ các hợp đồng kinh tế.
Cũng trong tháng 5, ngân hàng này muốn bán toàn bộ khoản nợ (gốc, lãi, phí...) của Công ty TNHH Hải Phú Ngọc (Công ty Hải Phú Ngọc) tại VietinBank chi nhánh Phúc Yên để thực hiện giải pháp phân luồng xử lý khoản nợ.
Theo thông tin từ ngân hàng, Công ty Hải Phú Ngọc vay vốn tại VietinBank chi nhánh Phúc Yên để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh rượu. Tổng dư nợ tính đến ngày 13/5/2022 là hơn 55,2 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là hơn 24,8 tỷ đồng và nợ lãi là 30,4 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản gắn liền với đất tại tỉnh Vĩnh Phúc do UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp ngày 28/3/2002.
Bên cạnh VietinBank, các ngân hàng khác cũng đẩy mạnh việc đấu giá tài sản để thu hồi nợ với giá khởi điểm còn thấp hơn nhiều so với những lần rao bán trước.
Vietcombank mới đây thông báo bán đấu giá tài sản thế chấp của Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí để thu hồi nợ vay. Tài sản được đấu giá là quyền tài sản tương ứng với 20% phần vốn góp của Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí theo hợp đồng hợp tác kinh doanh năm 2019 và các phụ lục hợp đồng đính kèm để xây dựng cao ốc văn phòng Dragon Tower (nay đổi tên là tòa nhà PVGas Tower) tại TP HCM.
Giá khởi điểm mà Vietcombank đưa ra là 270,6 tỷ đồng. Ngân hàng đã rao bán nhiều lần khoản nợ trên nhưng đều bất thành. Tại lần rao bán vào hồi tháng 2, Vietcombank đưa ra giá khởi điểm là hơn 340 tỷ đồng. Như vậy, giá khởi điểm của đợt chào bán này đã giảm 20% so với trước.
Vietcombank cũng đang bán một khối tài sản khủng khác là tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ nghệ Evergreen Việt Nam với giá khởi điểm gần 1.100 tỷ đồng. Mức giá này đã giảm gần 100 tỷ đồng so với lần rao bán vào tháng 11/2021.
Tài sản trên bao gồm quyền sử dụng các thửa đất có tổng diện tích hơn 30.000 m2, công trình và toàn bộ máy móc của Công ty Evergreen Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP II và quyền sử dụng đất 40.000 m2, công trình và toàn bộ máy móc của công ty này tại Khu công nghiệp VSIP IIA.
Hay tại Agribank, ngân hàng cũng rao bán lô đất ở lâu dài tại đô thị có diện tích hơn 3.071 m2 ở quận Bình Thạnh, TP HCM. Đây không phải lần đầu tiên khối tài sản này được rao bán. Giá khởi điểm cho lần bán này là gần 167 tỷ đồng, giảm hơn 15% so với giá Agribank rao bán hồi tháng 4/2021 là 198 tỷ đồng.
Ngoài các "ông lớn" trong nhóm quốc doanh, các ngân hàng cổ phần cũng rao bán loạt khoản nợ có vấn đề với các tài sản đa dạng từ bất động sản đến các máy móc, thuyền bè,...
Nợ xấu tiếp tục tăng trong các tháng đầu năm
Số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quý I/2022 của 27 ngân hàng cho thấy tổng số dư nợ xấu các nhà băng đến thời điểm 31/3/2022 đã tăng đến 11% so với cuối năm trước với hơn 109.600 tỷ đồng.
Chất lượng tài sản tại hầu hết ngân hàng xấu đi trong quý I nguyên nhân một phần do việc phân loại lại các khoản nợ tái cơ cấu thành nợ nhóm 4 hoặc 5 sau khi hết thời hạn tái cơ cấu. Tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng tương đối mạnh, ngoại trừ tại ACB, HDBank, MSB và Techcombank, theo Chứng khoán Rồng Việt.
Song chuyên gia cho rằng chất lượng tài sản trong quý I ở các ngân hàng chưa phải là vấn đề đáng lo ngại nhưng áp lực trích lập dự phòng vẫn ở mức cao (tăng 18% so với cùng kỳ).
Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên 2022, Thành viên HĐQT VietinBank Lê Thanh Tùng cho biết ngân hàng luôn chú trọng quản lý rủi ro tín dụng, nhận diện sớm các rủi ro tiềm ẩn để có giải pháp kịp thời. Ngân hàng áp dụng mô hình IRB theo chuẩn Basel II, chuyển dịch cơ cấu tín dụng hướng tới khách hàng bán lẻ vừa và nhỏ để tối ưu hóa danh mục.
Trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine và COVID-19 diễn biến phức tạp, VietinBank phấn đấu tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%. Chủ tịch Trần Minh Bình cho rằng thực tế có thể làm tốt hơn mức 1,8% này. Tính đến cuối quý I/2022, VietinBank đã trích lập hơn 4.400 tỷ đồng, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên 197,3%, cao hơn mức 180% vào ngày 31/12/2021.