Tài chính

Ngân hàng nhiều tiền gửi nhất Việt Nam báo lãi trước thuế hơn 27.500 tỷ đồng trong năm 2024

Ngân hàng nhiều tiền gửi nhất Việt Nam báo lãi trước thuế hơn 27.500 tỷ đồng trong năm 2024- Ảnh 1.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) vừa công bố sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2024.

Ngân hàng cho biết đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh được Ngân hàng Nhà nước giao. Cụ thể, đến 31/12/2024, tổng tài sản của Agribank đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, tăng 200.000 tỷ đồng (tăng 10%); Huy động vốn vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng trên 140.000 tỷ đồng (tăng 7,5%); Dư nợ tín dụng đạt trên 1,72 triệu tỷ đồng, tăng trên 170.000 tỷ đồng (tăng 11%). Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,56%. Lợi nhuận trước thuế tăng trên 8%. Vốn chủ sở hữu đạt 126.000 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ đạt 51.600 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2023, Agribank ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 25.525 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 25.859 tỷ đồng.

Như vậy, ước tính, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ ngân hàng năm 2024 đạt 27.567 tỷ đồng.

Agribank cho biết đã tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm về nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng năng lực tài chính, cơ cấu lại tài sản Nợ - tài sản Có; xử lý, thu hồi nợ xấu; cơ cấu, sắp xếp mạng lưới hoạt động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin; nâng cao hiệu quả quản trị điều hành, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát nội bộ, đảm bảo tiến độ thực hiện của Phương án cơ cấu lại (trong đó 4 chỉ tiêu chủ yếu: tăng trưởng nguồn vốn, dư nợ, thu nợ đã xử lý rủi ro, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đã "về đích" trước hạn).

Trong năm 2024, Agribank hoàn thành sắp xếp lại 21 Chi nhánh trên địa bàn Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; Xử lý được gần 138.000 tỷ đồng nợ xấu giai đoạn 2021-2024, phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2025 xuống dưới 1% và hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý về dưới mức 3% vào cuối năm 2025.

Ngân hàng đã tăng tính chủ động đối với Chi nhánh, phát huy vai trò định hướng, chỉ đạo điều hành từ Trụ sở chính thông qua công tác cân đối vốn, lãi suất, phí mua/bán vốn nội bộ, giao kế hoạch kinh doanh gắn với Bảng cân đối tài sản mục tiêu quý/năm để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng lực tài chính. Công tác huy động, cân đối vốn được điều hành phù hợp với tăng trưởng tín dụng, tăng hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời tuân thủ quy định của NHNN, góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng kết quả tài chính theo kế hoạch được giao.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm