Tài chính

Ngân hàng mẹ bơm bao nhiêu vốn cho Mcredit, HDSaison, FE Credit?

Mcredit vừa thông báo tăng vốn điều lệ thành công từ 800 tỷ lên 1.300 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng mẹ MB đã góp thêm 150 tỷ để duy trì tỷ lệ sở hữu ở mức 50%, đồng thời đưa tổng mức vốn góp tại công ty tài chính này lên mức 650 tỷ đồng.

Mcredit tiền thân là Công ty Tài chính TNHH MTV MB thành lập vào đầu năm 2016 với vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ do MB sở hữu 100%.

Đến ngày 21/11/2016, MB kí kết Hợp đồng liên doanh và Hợp đồng chuyển nhượng 49% cổ phần tại Mcredit với đối tác Shinsei Bank; 1% vốn còn lại do Công ty TNHH đầu tư xây dựng và phát triển Xuân Thành sở hữu. Đồng thời, vốn điều lệ Mcredit được tăng từ 500 tỷ lên 800 tỷ đồng.

Bên cạnh lượng vốn góp, Mcredit cũng được ngân hàng mẹ hỗ trợ tích cực về mặt nhân sự, khách hàng cũng như thanh khoản hoạt động.

Số liệu từ báo cáo tài chính quí III cho thấy, MB có khoản tiền gửi lên tới 5.000 tỷ đồng tại Mcredit vào thời điểm 30/9, tăng 210 tỷ so với cuối năm trước. Ở phía ngược lại, nhà băng này cũng có khoản phải trả gần 1.927 tỷ đồng đối với Mcredit.

 Ngân hàng mẹ bơm bao nhiêu vốn cho Mcredit, HDSaison, FE Credit?  - Ảnh 1.

Nguồn: BCTC riêng lẻ MB quý III.

Tương tự, HDBank vừa thông báo về việc phê duyệt bổ sung phần vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH HD Saison.

Theo đó, HDBank dự kiến rót thêm 175 tỷ đồng vào HD Saison, nâng tổng giá trị vốn góp vào công ty tài chính này lên 1.175 tỷ đồng nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu ở mức 50%.

HD Saison hiện có mức vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng. Trong đó, HDBank nắm giữ 50% vốn, Credit Saison (Nhật Bản) nắm giữ 49% vốn và Công ty Cổ phần Chứng khoán TP. HCM (HSC) nắm giữ 1% vốn.

Ngoài lượng vốn góp trên, HDBank còn cho các công ty con gồm HDBank AMC và HDSaison vay 845 tỷ tại thời điểm cuối quý III.

Tính đến cuối tháng 9, FE Credit là công ty tài chính sở hữu vốn điều lệ lớn nhất hệ thống với 10.928 tỷ đồng; trong đó, VPBank là cổ đông duy nhất đóng góp 100% vốn.

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quí III, tại thời điểm 30/9, giá trị gốc của khoản đầu tư vào FE Credit của VPBank là hơn 11.152 tỷ đồng, cao hơn 224 tỷ đồng so với vốn điều lệ công bố.

Vào cuối tháng 10 vừa qua, VPBank đã thông báo hoàn tất bán 49% vốn tại FE Credit cho SMBC và 1% cho Chứng khoán Bản Việt. Thương vụ này được kỳ vọng sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn cho VPBank nhưng cũng kéo tỷ lệ sở hữu tại FE Credit xuống chỉ còn 50%.

Bên cạnh khoản vốn góp trên, VPBank cũng tích cực hỗ trợ vốn lưu động cho FE Credit thông qua hoạt động cho vay và gửi tiền tại đây. Số liệu đến cuối tháng 9 cho thấy, VPBank gửi 4.500 tỷ đồng tiền gửi có kì hạn tại công ty tài chính này.

 Ngân hàng mẹ bơm bao nhiêu vốn cho Mcredit, HDSaison, FE Credit?  - Ảnh 2.

Nguồn: BCTC riêng lẻ VPBank quý III.

Một công ty tài chính khác cũng nhận khoản góp vốn nghìn tỷ từ ngân hàng mẹ là SHB Finance. Vào cuối quí III, SHB sở hữu 100% vốn tại đây với giá trị thực góp là 1.000 tỷ đồng. Cũng giống như các công ty tài chính trên, SHB cho SHB Finance vay 555 tỷ tại thời điểm 30/6/2021.

Mặc dù khá kín tiếng trên thị trường nhưng Công ty tài chính bưu điện (PTF) là công ty con nhận nhiều vốn nhất của SeABank với 1.260 tỷ đồng. PTF có vốn điều lệ 1.050 tỷ đồng do SeABank sở hữu 100% sau khi nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn góp từ Tập đoàn VNPT vào năm 2018.

MSB cũng đang sở hữu 100% vốn tại FCCOM với số vốn thực góp hơn 697 tỷ đồng. Đây là công ty tài chính được MSB mua lại từ Tập đoàn dệt may Việt Nam từ năm 2015. Hiện nay, FCCOM có vốn điều lệ đăng kí là 500 tỷ đồng và quy mô nhân sự khoảng 1.000 người.

Trong báo cáo tài chính quí III, MSB không ghi nhận các khoản tiền gửi và cho vay đối với FCCOM, ngược lại ngân hàng đang nhận khoản tiền gửi gần 250 tỷ đồng từ công ty tài chính này.

Ban lãnh đạo MSB cho biết ngân hàng đang tiếp xúc với 2-3 nhà đầu tư và đang tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng trong tháng 11/2021.

‘’Nếu đạt kỳ vọng và không có gì thay đổi, ngân hàng sẽ hoàn tất chuyển nhượng trong năm sau và ghi nhận lợi nhuận", Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB chia sẻ. Giá trị thương vụ ước tính không thấp hơn 100 triệu USD và MSB có thể thu về 1.800-2.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022.

Theo công bố thông tin của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9, trên thị trường Việt Nam có 16 công ty tài chính hoạt động với tổng mức vốn điều lệ đăng kí đạt hơn 29.365 tỷ đồng.

Trong đó có 6 đơn vị là thành viên của các ngân hàng lớn trong nước gồm Công ty tài chính tiêu dùng (FE Credit) của VPBank, HD Saison của HDBank, SHB Finance của SHB, Mcredit của MB, PTF của SeABank và FCCOM của MSB.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm