Lữ hành Saigontourist trực thuộc Saigontourist Group là một trong những đơn vị làm dịch vụ lữ hành không chỉ top đầu thị trường miền Nam mà còn cả nước. Ngoài lịch sử lâu đời – thành lập năm 1975, quy mô doanh nghiệp cũng đứng đầu cả nước – doanh thu trung bình trước dịch khoảng 5.000 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, cũng như rất nhiều doanh nghiệp làm trong ngành du lịch – đặc biệt là mảng lữ hành, Lữ hành Saigontourist vẫn bị dịch Covid-19 tàn phá nghiêm trọng. Theo lời của ông Nguyễn Hữu Y Yên - Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, thì trong 2 năm vừa qua, tổng cộng doanh nghiệp của ông hoạt động hiệu quả khoảng 6 tháng.
Nhờ hoạt động lâu năm trong ngành, đồng thời có ‘của ăn, của để’, khiến Lữ hành Saigontourist vẫn giữ được lực lượng nhân sự cốt lõi và cơ sở vật chất cơ bản của mình. Vậy nên, ngay sau khi TP.HCM và các địa phương nới lỏng giãn cách, họ đã sẵn sàng giáo mác quay trở lại ‘chiến trường’ với đầy đủ nhân lực, dịch vụ và sản phẩm như trước Covid-19.
Dù thế, thực tế cho thấy, thị trường, du khách và đối tác cung ứng dịch vụ vẫn chưa sẵn sàng; nên ngành du lịch vẫn còn khá ảm đạm. Theo suy đoán của ông Y Yên, thì phải tới tháng 6/2022, nếu mọi chuyện phát triển theo chiều hướng tốt đồng nghĩa với du lịch inbound và outbound được mở lại bình thường, thì thị trường du lịch mới ấm lại.
Tức là, dù muốn dù không, các doanh nghiệp lữ hành cũng phải ‘cắn răng’ tiếp tục chịu đựng thêm khoảng hơn nửa năm nữa.
LỮ HÀNH SAIGONTOURIST ĐÃ TRẢI QUA GẦN 2 NĂM ĐEN TỐI NHƯ THẾ NÀO?
"Trước Covid-19, ví dụ như trong năm 2019, chúng tôi kiếm khoảng 400 - 500 tỷ đồng tháng; doanh thu mỗi năm khoảng 5.000 tỷ đồng. Chúng tôi phục vụ dịch vụ lữ hành trong nước, inbound – đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam và outbound – đưa khách Việt Nam sang tham quan ở nước ngoài.
Còn trong năm 2020, cuối tháng 2, mảng outbound dừng lại, đến 14/3 thì mảng inbound cũng không thể tiếp tục hoạt động. Nếu tính cả năm 2020, chúng tôi chỉ hoạt động hiệu quả khoảng 4 đến 5 tháng, mang về trên dưới 1.300 tỷ đồng – chỉ bằng 25% doanh thu năm 2019.
Đến năm 2021, mọi chuyện còn tồi tệ hơn, chúng tôi chỉ hoạt động tốt trong khoảng 2 tháng, dự kiến doanh thu năm 2021 chỉ bằng 10% so với năm 2019", ông Nguyễn Hữu Y Yên kể về khoảng thời gian đen tối vừa qua.
Về mặt nhân sự: tháng 1/2020, Lữ hành Saigontourist có khoảng 1.200 cán bộ công nhân viên với 23 văn phòng cùng 18 chi nhánh hoạt động trên khắp cả nước.
Như đã nói ở trên, Lữ hành Saigontourist chỉ hoạt động hiệu quả khoảng 6 đến 7 tháng trong 2 năm vừa qua. Nên mặc dù là doanh nghiệp đầu ngành song với số lượng nhân sự như thế, Lữ hành Saigontourist không thể trả lương như bình thường. Từ trả đầy đủ lương, theo thời gian dịch càng kéo dài, thì khả năng chi trả của họ giảm dần và tới lúc chỉ còn khoảng vài chục phần trăm.
Theo đó, dù muốn hay không, ông Ý Yên và lãnh đạo doanh nghiệp này cũng phải truyền thông đến tất cả nhân sự tình hình tài chính của doanh nghiệp. Thay vì giấu giếm, chính bởi sự cởi mở của Ban lãnh đạo về tình hình công ty đã khiến khả năng cảm thông của nhân sự với khó khăn của doanh nghiệp cao hơn.
"Chúng tôi đã rất cởi mở với các nhân sự của mình trong suốt thời gian khó vừa qua. Chúng tôi thường xuyên truyền thông đến cán bộ công nhân viên tình hình thực tế của doanh nghiệp và nói với họ là chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện để họ chuyển đổi ngành hoặc làm thêm gì đó. Thậm chí, các nhân viên trong công ty còn lập một group để buôn bán đồ ăn và các sản phẩm khác, giúp nhau cùng vượt qua thời điểm khó khăn.
Ngoài ra, vì hầu hết nhân sự của Lữ hành Saigontourist có thâm niên lâu trong nghề, gắn bó lâu với công ty và có một khoảng tích cóp nhất định, nên hầu hết nhân sự chủ chốt vẫn trụ lại cùng Công ty. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mất khoảng 30% nhân sự - đa số trong đó là những nhân sự trẻ mới ra trường; hiện tại Lữ hành Saigontourist còn khoảng 890 cán bộ công nhân viên", Tổng Giám đốc của Lữ hành Saigontourist cho biết.
Dù Lữ hành Saigontourist là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, song về cơ bản, họ vẫn phải tự hoạch toán thu chi, ‘lời ăn lỗ chịu’. Dù thế, xét tổng thể, họ vẫn bảo tồn được những giá trị cốt lõi sau gần 2 năm bị Covid-19 tàn phá.
ĐIỂM SÁNG NHẤT TRONG ĐÊM TỐI – CHUYỂN ĐỔI SỐ TOÀN DIỆN HỆ THỐNG
Với ông Nguyễn Hữu Y Yên, thì trong suốt thời gian 2 năm vừa qua, ông và Ban lãnh đạo đã tranh thủ thời gian quý báu này để tiến hành chuyển đổi số toàn diện hệ thống phần mềm bán tour – điều hành tour – quản lý của mình.
Phòng công nghệ thông tin của Lữ hành Saigontourist có khoảng 10 nhân sự lập trình và trong suốt gần 2 năm vừa qua, họ là những người bận rộn nhất. Trước Covid-19, doanh nghiệp này vẫn dùng 3 hệ thống bán tour – điều hành tour – quản lý độc lập với nhau, giờ họ đã tích hợp lại để thành một hệ thống lớn và tập trung.
Bây giờ, Lữ hành Saigontourist có thể phục vụ khách hàng của mình cũng như quản lý – vận hành hoàn toàn trên kênh online. Khách hàng mua tour trên các kênh online như Fanpage, Website, App và bên thứ ba các sàn thương mại điện tử như Tiki, Sendo... Thanh toán và feedback sau tour cũng online – ví dụ như quét QR Code để nhận xét về tour và về hướng dẫn viên.
"Với cách truyền thống, như gửi cho du khách các tờ giấy để ghi lại nhận xét của du khách sau mỗi tour, có thể công ty chỉ nhận được những feedback tốt, còn xấu thì có thể bị giấu đi và phải tốn nguồn lực lớn để nhập dữ liệu và phân tích dữ liệu.
Nhưng với cách thức feedback online như quét QR Code và có phần mềm xử lý thì công ty kịp thời nhận được phản hồi của du khách, nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng dịch vụ", ông Y Yên nêu ví dụ.
Ngoài công nghệ, thì Covid-19 cũng khiến quá trình đổi mới – sáng tạo trong dịch vụ và sản phẩm của Lữ Hành Saigontourist đi nhanh hơn.
Cũng như nhiều công ty lữ hành khác, khách hàng của Lữ hành Saigontourist cũng ngày càng trẻ và họ có những thói quen tiêu dùng hay gu mua sắm không còn giống anh chị và cha mẹ trước đây. Việc thương hiệu Lữ hành Saigontourist quyết liệt trong chuyển đổi số cũng là để phục vụ tốt hơn lượng khách hàng trẻ ngày càng đông đảo của mình.
"Khác với các startup trong ngành du lịch, Lữ hành Saigontourist chủ yếu phục vụ khách mass. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi thờ ơ với những xu hướng tiêu dùng mới của thị trường, vậy nên, trong vài năm gần đây, chúng tôi cũng đã có những sản phẩm – dịch vụ mới đi vào các thị trường ngách để đa dạng hóa danh mục cũng như có thể phục vụ tất cả nhu cầu khách hàng đưa ra.
Ví dụ: chúng tôi có tour Biệt Động Sài Gòn dành cho nhóm du khách trẻ tìm hiểu về lịch sử, tour Nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao, hay tour Khám phá những quán cafe, điểm checkin nổi tiếng ở Đà Lạt dành cho giới trẻ... Hoặc mở những tour mới theo yêu cầu của khách. Do Covid-19, mảng tour theo yêu cầu của du khách được chúng tôi phát triển khá nhanh.
Hiện tại, với Lữ hành Saigontourist, khách đặt tour theo yêu cầu khá nhiều và đây được xem là mảng vô cùng quan trọng của chúng tôi, vì mang về nhiều doanh thu và lợi nhuận. Chính Covid-19 đã khiến mảng này của chúng tôi được nhiều người biết hơn, ngược lại, chúng tôi cũng thu hút được nhiều khách hàng hơn cũng như kiện toàn được dịch vụ hơn", Tổng Giám đốc Lữ hành Saigontourist tiết lộ.
SAIGONTOURIST ĐÃ SẴN SÀNG PHỤC VỤ, NHƯNG CŨNG PHẢI ĐỢI DU KHÁCH – THỊ TRƯỜNG – ĐỐI TÁC CUNG ỨNG DỊCH VỤ CÙNG SẴN SÀNG
Vào cuối tháng 9 vừa qua, sau gần 6 tháng đứng im cùng cả nước cùng chống dịch, Lữ hành Saigontourist đã trở lại với tâm thế hào hứng và ‘lợi hại hơn xưa’. Tuy nhiên, thực tế thị trường và nhu cầu du khách lại không cùng nhịp điệu.
Đầu tiên, nhiều tỉnh thành có chính sách kiểm dịch khác nhau phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh ở địa phương, nên gây khó khăn cho các công ty lữ hành khi tổ chức tour.
Thứ hai, hiện đang có rất nhiều tỉnh thành đang đứng trước nguy cơ bùng dịch và tình hình có thể trở nên nghiêm trọng vào bất cứ lúc nào. Vậy nên, câu chuyện kiểu như tỉnh này hôm nay vẫn bình thường – vẫn vui vẻ đón chào du khách, nhưng chỉ ngày mai đã thông báo sẽ ‘đóng cửa’ miễn tiếp du khách là hết sức bình thường.
Cuối cùng, các hàng quán bia rượu và ăn uống phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực – vui chơi giải trí của du khách vẫn chưa được thoải mái mở lại, cũng đang làm khó các doanh nghiệp lữ hành. Và không chỉ ngành F&B, mà đối tác ở nhiều mảng miếng khác liên quan đến du lịch vẫn chưa hoạt động trở lại, khiến thương hiệu đầu ngành này cũng gặp nhiều trở ngại, khi quay lại thị trường.
Tóm lại, hiện tại, mặc dù người dân Việt Nam đã tiêm đủ 2 mũi cộng với làn sóng Covid-19 đã dịu đi ở nhiều nơi, song họ vẫn chưa sẵn sàng cho việc đi du lịch. Ngoài lo lắng vì dịch bệnh, còn việc nhiều địa phương có chính sách kiểm soát dịch khác nhau và nhiều dịch vụ trong ngành du lịch vẫn chưa xôm tụ như trước kia.
Lữ hành Saigontourist đã khởi động tour đi Cần Giờ vào cuối tháng 10/2021.
"Kể từ khi quay trở lại, Lữ hành Saigontourist chủ yếu phục vụ khách công ty và đoàn thể ở các tour ngắn ngày như về Củ Chi hoặc Cần Giờ. Chúng tôi đã phục vụ được khoảng trên 1.000 lượt du khách trong 1 tháng trở lại đây.
Ngược lại, lượng khách đặt các tour đi các tỉnh thành gần như Đà Lạt, Nha Trang hoặc Phú Quốc hay miền Trung và Bắc rất ít; bởi nhiều nguyên nhân như tôi đã nói ở trên.
Nên tâm thế hiện tại của Lữ hành Saigontourist là: du lịch phải an toàn, an toàn mới du lịch. Lữ hành Saigontourist là công ty du lịch đầu tiên ở Việt Nam tặng gói bảo hiểm du lịch, bao gồm bảo hiểm Covid-19 cho du khách. Chúng tôi có du khách nào thì phục vụ du khách đó và sẵn sàng biến chuyển khi xảy ra vấn đề gì liên quan đến dịch bệnh, khiến du khách hoãn tour hoặc tour không thể thực hiện.
Bình thường, nhân sự trong ngành du lịch đã phải rất linh động và sáng tạo, trong Covid-19 chúng tôi càng phải linh động – sáng tạo hơn để có thể phục vụ tốt du khách của mình trong thời buổi phải sống chung với dịch. Bây giờ, không chỉ Lữ hành Saigontourist quen với việc tour có thể bị hủy vì điều kiện ngoại cảnh vào phút chót và du khách cũng thế, nên họ đã không còn cảm thấy khó chịu như trong giai đoạn đầu dịch.
Theo suy đoán của tôi, thì phải đến 6/2022, khi du lịch inbound và outbound được phép mở lại bình thường, thì ngành du lịch mới bắt đầu khởi sắc. Tức là, Lữ hành Saigontourist phải tiếp tục 'cắn răng' để sống sót đến thời điểm ‘vàng’ đó", ông Nguyễn Hữu Y Yên dự đoán.