Tài chính

Ngân hàng Credit Suisse vừa đón ‘hung tin’, nhưng thực chất đã rơi vào "biển rắc rối’ trước cả khi SVB sụp đổ

Dưới đây là một cái nhìn sâu xa hơn về những vấn đề của Credit Suisse và lý do tại sao ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ này lại trốn tránh những câu hỏi về sự ổn định của chính mình.

Hàng loạt bê bối liên tiếp xảy ra

Đây là tóm tắt nhanh về những tranh cãi đã gây khó khăn cho Credit Suisse trong những năm gần đây.

Ngân hàng này đã từng thuê thám tử tư theo dõi các cựu giám đốc, dẫn đến việc CEO khi đó từ chức và ra đi vào tháng 2/2020.

Credit Suisse cũng từng đánh mất gần 6 tỷ USD, sau khi quỹ đầu tư Archegos Capital Management của Mỹ vỡ nợ vào tháng 3/2021.

Cũng trong năm 2021, Credit Suisse phải nỗ lực thu hồi khoảng 2 tỷ USD trong số 10 tỷ USD bị ràng buộc ở các quỹ liên quan đến Greensill. Greensill Capital đã sụp đổ hồi tháng 3/2021 và trở thành một trong những bê bối lớn nhất của ngành tài chính trong những năm gần đây.

Sau đó, ngân hàng của Thụy Sĩ này đã bị phạt vì qua mặt các nhà đầu tư trong vụ bê bối "trái phiếu cá ngừ" của Mozambique suốt từ năm 2012 đến năm 2016.

Sang đến tháng 1/2022, Chủ tịch Antonio Horta-Osorio của Credit Suisse buộc phải từ chức vì vi phạm các quy định cách ly phòng dịch Covid-19 để tham dự Wimbledon. Ít lâu sau, vào tháng 7/2022, CEO của Credit Suisse từ chức vì lý do cá nhân và sức khỏe.

Một cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng trên thế giới sắp xuất hiện?

Nguyên nhân cổ phiếu Credit Suisse lao dốc có thể một phần là do các sự kiện gần đây trong ngành ngân hàng Mỹ.

Silvergate, ngân hàng thân thiện với lĩnh vực tiền số, đã thông báo ngừng hoạt động và thanh lý tài sản vào ngày 8/3.

Ngân hàng Thung lũng Silicon, một ngân hàng trụ cột cho các công ty khởi nghiệp, đã bị chao đảo bởi làn sóng rút tiền ồ ạt. Sau đó, Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã tiếp quản ngân hàng này vào ngày 10/3.

Chưa dừng lại ở đó, đến ngày 13/3, FDIC cho biết họ cũng đã nắm quyền kiểm soát ngân hàng Signature Bank. Cơ quan này còn đưa ra một thông báo ngoại lệ rằng họ sẽ đảm bảo cho tất cả khoản tiền gửi tại cả hai ngân hàng SVB và Signature Bank, kể cả những khoản tiền vượt mức được bảo hiểm là 250.000 USD.

SVB gặp rắc rối vì đã dùng hàng tỷ USD tiền gửi để đầu tư vào trái phiếu dài hạn. Loại tài sản này đã giảm giá khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất từ gần 0 lên tới 4,5% nhằm đối phó với lạm phát leo thang.

Cuối cùng, SVB đã bán danh mục trái phiếu với khoản lỗ gần 2 tỷ USD vào tuần trước và tiến hành huy động vốn để củng cố tài chính. Động thái đó làm dấy lên lo ngại về sự ổn định của SVB, tạo ra cuộc tháo chạy khỏi ngân hàng và buộc FDIC phải can thiệp.

Sự sụp đổ của SVB làm dấy lên lo ngại rằng danh mục đầu tư trái phiếu của các ngân hàng khác cũng đang lỗ nặng, trong bối cảnh lãi suất tại Mỹ và châu Âu đều tăng cao.

Các nhà đầu tư cũng có thể đang chuẩn bị tinh thần cho những đợt bank run (tức khách hàng ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng) tiếp theo. Điều đó có thể lật đổ các ngân hàng, đặc biệt là khi lạm phát cao ngất ngưởng và lãi suất cao siết chặt người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp. Các công ty thì đang chuẩn bị cho một cuộc suy thoái toàn cầu tiềm tàng.

Ngân hàng Credit Suisse vừa đón ‘hung tin’, nhưng thực chất đã rơi vào biển rắc rối’ trước cả khi SVB sụp đổ - Ảnh 1.

Vì sao Credit Suisse lao đao?

Cổ đông lớn nhất của Credit Suisse là Ngân hàng Quốc gia Saudi đã cảnh báo rằng họ sẽ không thể đầu tư thêm tiền mặt, nếu không tăng tỷ lệ sở hữu lên trên mức giới hạn quy định là 10%. Cổ phiếu của Credit Suisse ngay lập tức chìm trong sắc đỏ.

Chủ tịch SNB, Ammar al-Khudairy, nói với hãng tin Reuters rằng đó không phải là vấn đề. “Tôi không nghĩ rằng họ sẽ cần thêm tiền. Nếu nhìn vào tỷ lệ sở hữu, bạn sẽ thấy họ vẫn ổn”, ông nói.

Tuy nhiên, thông tin không nhận được tiền đầu tư từ Ngân hàng Quốc gia Saudi dường như đã tác động lớn đến cổ phiếu của Credit Suisse. Các ngân hàng khác như Deutsche Bank, UBS và các ngân hàng châu Âu ngồi im cũng chịu trận.

Giám đốc điều hành Credit Suisse Ulrich Koerner cũng phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi về kế hoạch cắt giảm chi phí, khắc phục thua lỗ và xoay chuyển tình thế của công ty.

Dường như ngày càng có nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng Credit Suisse sẽ vỡ nợ. Lý do là vì giá các hợp đồng hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDS) kỳ hạn 1 năm tăng lên tới 1.200 điểm cơ bản vào ngày 15/3. Theo Bloomberg, mức này khiến chúng đắt hơn nhiều lần so với CDS của các ngân hàng khác.

Cả huyền thoại đầu tư Michael Burry của "The Big Short" và nhà đầu tư tỷ phú John Paulson đều sử dụng CDS để bán khống bong bóng nhà đất vào giữa những năm 2000, trước cuộc khủng hoảng tài chính. Thêm nữa, khi bắt đầu cuộc Đại Suy thoái, một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất của nước Mỹ là Lehman Brothers đã sụp đổ.

Chưa có căn cứ rõ ràng nào để tin rằng Credit Suisse có nguy cơ sụp đổ. Nhưng cổ phiếu lao dốc, giá CDS tăng vọt, chuỗi ngân hàng phá sản gần đây và các trường hợp ngân hàng phá sản trước đây kéo theo những hệ lụy lớn chính là những khó khăn Credit Suisse phải đối mặt, khiến một số nhà đầu tư đứng ngồi không yên.

Theo BI

Cùng chuyên mục

Đọc thêm