Đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2023 với những kết quả bất ngờ, tổng mức lợi nhuận của các ngân hàng lên tới hàng tỉ USD.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết nhờ đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, kiểm soát tốt chi phí và hiệu quả hoạt động đưa tỉ lệ chi phí trên doanh thu (CIR) xuống mức 32%. Yếu tố này góp phần giúp lợi nhuận trước thuế toàn tập đoàn là 5.156 tỉ đồng, tăng mạnh 25% so với cùng kỳ. Trong quý đầu năm, ACB đã triển khai gói cho vay lãi suất ưu đãi 3%, quy mô 20.000 tỉ đồng cũng như giảm lãi suất 1-2% cho các khoản vay hiện hữu đến kỳ thay đổi lãi suất có giao dịch chính tại ngân hàng.
Nhiều "ông lớn" ngân hàng khác công bố kết quả kinh doanh quý I khả quan. Dẫn đầu bảng xếp hạng lợi nhuận trong quý I đến thời điểm hiện tại vẫn là Vietcombank với hơn 11.220 tỉ đồng, tăng hơn 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập lãi thuần của ngân hàng này tăng mạnh lên hơn 14.200 tỉ đồng.
Vietcombank dẫn đầu trong bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng Quý I/2023
Kế đến là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố đạt lợi nhuận trước thuế hơn 6.900 tỉ đồng, tăng mạnh hơn 53% so với cùng kỳ. Trong khi Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) báo lãi trước thuế 5.980 tỉ đồng.
Một ngân hàng khác cũng báo lãi vượt 5.000 tỉ đồng là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nma (Techcombank). Báo cáo kết quả kinh doanh Quý I/2023 cho thấy Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế 5.600 tỉ đồng trong bối cảnh ngân hàng cho biết dành ưu tiên hỗ trợ khách hàng, bảo đảm cân đối dòng tiền trong hoạt động kinh doanh sản xuất, cùng với chi phí vốn tăng cao.
"Dù trong ngắn hạn tình hình kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh tiếp tục đối diện nhiều thách thức nhưng Techcombank vẫn bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu kinh doanh đề ra và có thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi nền kinh tế và một số thị trường cụ thể như bất động sản, trái phiếu phục hồi mạnh mẽ" - Tổng giám đốc Techcombank Jens Lottner cho hay.
Tại đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) mới đây, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc, cho biết trong quý I/2023 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 2.300 tỉ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ.
Ngân hàng Quốc Tế (VIB) cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 2.700 tỉ đồng trong quý đầu năm tăng 18% so với cùng kỳ. VIB duy trì biên lãi ròng (NIM) hiệu quả cao ở mức 4,6% trong bối cảnh cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay có nhiều biến động. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt giúp lợi nhuận trước dự phòng của ngân hàng đạt hơn 3.360 tỉ đồng.
"Với bối cảnh thị trường chung, phân khúc khách hàng bán lẻ của nền kinh tế nói chung và VIB nói riêng gặp khó khăn nên tỉ lệ nợ xấu của VIB tạm thời tăng từ 1,8% lên 2,6% vào cuối tháng 3-2023. Ngân hàng đã gia tăng bộ đệm phòng ngừa rủi ro với mức trích lập dự phòng rủi ro là 668 tỉ trong quý đầu năm, tăng gần 70% so với cùng kỳ" – đại diện VIB giải thích.
Trong báo cáo chiến lược ngành ngân hàng mới đây, các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank (MSVN) duy trì quan điểm tích cực đối với ngành ngân hàng của Việt Nam. Cụ thể, MSVN đánh giá lợi nhuận của hầu hết ngân hàng Việt Nam sẽ tăng chậm lại đáng kể trước những khó khăn trong năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng phần lớn vẫn hấp dẫn với trung bình là 18,5%.
"Các ngân hàng Việt Nam sẽ không rơi vào khủng hoảng nợ xấu như 10 năm trước machỉ cần tối đa 1,5 năm để xử lý nợ xấu theo kịch bản "xấu" của chúng tôi. Do đó, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và chu kỳ sinh lời của các ngân hàng Việt Nam trong 3 - 4 năm tới sẽ không bị gián đoạn, dù trong trung hạn có thể khó khăn do nhu cầu tín dụng và thu nhập từ phí chậm lại, cũng như áp lực lên biên lợi nhuận ròng và trích lập dự phòng" - các chuyên gia của MSVN nói.