Tương tự như năm 2023, tín dụng những tháng đầu năm 2024 có tốc độ tăng trưởng tương đối chậm và chỉ thực sự bứt tốc vào cuối quý II. Theo dữ liệu từ Tổng Cục Thống kê, tính đến ngày 24/6, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng trưởng 4,45% so với cuối năm 2023, nhỉnh hơn so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cộng, từ đầu năm đến gần cuối tháng 6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm hơn 600.000 tỷ đồng. Trước đó,tín dụng tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm và bắt đầu dương vào cuối tháng 3.
Trao đổi với chúng tôi, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Trường Kinh doanh UEH, cho rằng mặc dù tăng trưởng tín dụng chậm trong nửa đầu năm, nhưng "không nên quá tập trung vào số lượng mà phải tập trung vào chất lượng tín dụng".
"Những năm mà tăng trưởng tín dụng nóng, mới đầu năm hết room (hạn mức tín dụng) thì đó là những năm mà BĐS bùng nổ và vốn chủ yếu chạy vào lĩnh vực này. Tất nhiên vẫn có tác dụng tăng trưởng kinh tế nhưng có thể không bền vững và gây ra bong bóng tài sản tài chính, nguy cơ đổ vỡ", ông nói.
Theo ông Huân, tín dụng cao chưa chắc đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế tốt và ngược lại. Chẳng hạn, trong năm nay, tín dụng đến nửa năm vẫn thấp nhưng tăng trưởng quý II đã là 6,93% rồi.
"Năm nay, tín dụng chủ yếu chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chất lượng sẽ tốt hơn nhiều vào kênh như đầu cơ BĐS. Năm nay kể cả tín dụng chỉ tăng trưởng 10% nhưng tăng trưởng kinh tế chắc chắn phải hơn 6%", ông nhận định.
Về triển vọng nửa cuối năm, ông Huân cho rằng động lực với tín dụng có thể đến từ lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu và khu vực tiêu dùng nội địa. Theo đó, tín dụng bán lẻ sẽ tăng tốc vào nửa cuối năm nhờ việc tăng lương từ ngày 1/7: "Khi tăng lương thì sức cầu cũng tăng theo". Bên cạnh đó, lĩnh vực BĐS cũng được kỳ vọng là yếu tố thúc đẩy tín dụng trong phần còn lại của 2024.
Nói về câu chuyện tăng trưởng tín dụng, trong báo cáo chiến lược ngành ngân hàng, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cũng cho rằng việc hoạt động kinh tế sôi nổi trở lại sẽ hỗ trợ thu nhập của người dân và từ đó tạo tiền để cho nhu cầu tín dụng và khả năng chi trả lãi vay.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất cho vay giảm sâu cũng sẽ giúp thúc đẩy tăng tín dụng.
VDSC kỳ vọng rằng tín dụng doanh nghiệp sẽ dẫn dắt tăng trưởng và phụ thuộc đáng kể và lĩnh vực kinh doanh BĐS. Tuy nhiên, sức hấp thụ vốn của nhóm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối năm.
Về tín dụng bán lẻ, mặt bằng lãi suất cho vay thấp sẽ là xúc tác cho nhu cầu tín dụng cá nhân năm 2024. Do nhu cầu mua nhà để ở vẫn rất cao, sản phẩm cho vay mua BĐS nhiều khả năng vẫn sẽ dẫn dắt tăng trưởng tín dụng bán lẻ trong 2024,VDSC dự báo.
Lãi cho vay khó giảm thêm
Nửa đầu năm, lãi suất huy động và lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Trong đó, lãi suất huy động đã chạm đáy vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, còn lãi suất cho vay bình quân vẫn tiếp đà giảm tại một số ngân hàng.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, các ngân hàng cần tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất từ 1 - 2 điểm %, điều này có thể gây áp lực lên biên lãi thuần (NIM) và lợi nhuận ngành. Dự báo về lãi suất cho vay trong nửa cuối năm, ông Huân cho rằng các ngân hàng chắc chắn phải nâng lãi suất đầu ra để bảo vệ lợi nhuận của mình.
"NIM có thể giảm một chút (so với nửa đầu), nhưng sẽ không nhiều. Đứng trước việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đang gặp khó khăn thì ngân hàng càng phải duy trì NIM để bảo vệ lợi nhuận. Tăng trưởng đã thấp mà NIM cũng kém thì lấy đâu ra lợi nhuận để báo cáo với cổ đông", ông nói.
Ngoài ra, ông cho biết nợ xấu vẫn tiếp tục tăng cao khiến ngân hàng phải chừa lại một phần lợi nhuận để xử lý. Do đó nếu NIM có giảm thì cũng chỉ ít thôi, không thể quá nhiều.
VDSC cho rằng vùng đáy của NIM đã được xác lập trong quý III/2023 và trong năm 2024, NIM bình quân của các ngân hàng sẽ nhích nhẹ thêm khoảng 0,17 điểm %. Tuy nhiên, triển vọng NIM cũng đối mặt với một số rủi ro như lãi suất huy động tăng trở lại trước sức ép tỷ giá và nhu cầu tín dụng cuối năm; sự rút ngắn kỳ hạn cho vay bình quân và nợ xấu ảnh hưởng tới quy mô tài sản sinh lãi.
Thu nhập ngoài lãi đi ngang
Theo báo cáo tài chính quý I/2024, thu nhập ngoài lãi của ngành ngân hàng không có sự tăng trưởng quá bứt phá. Trong khi thu nhập lãi thuần tăng 8,2% so với cùng kỳ, thu nhập ngoài lãi chỉ tiến thêm 6,6% trong bối cảnh thị trường bảo hiểm, tài chính tiêu dùng,... vẫn còn nhiều khó khăn.
Chuyên gia Nguyễn Hữu Huân cho rằng trừ trường hợp ngân hàng xử lý kỹ thuật để đảm bảo lợi nhuận, hoặc bán cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu hay M&A thì thu nhập ngoài lãi vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong nửa cuối năm 2024.
Những kênh chính về thu nhập ngoài lãi như bancas hay trái phiếu thì vẫn đang gặp nhiều thách thức, trong khi tốc độ xử lý tài sản (ảnh hưởng tới thu nhập khác) vẫn không khác nhiều, ông nói. Chuyên gia cho rằng cần phải chờ các thông tư, nghị định hướng dẫn cụ thể thì mới có thể biết được liệu hoạt động xử lý nợ xấu của ngân hàng có thể tăng tốc hay không.
Đồng quan điểm này, VDSC cho rằng tăng trưởng thu nhập phí năm 2024 ước tính đạt 6,5%, được dẫn dắt bởi dịch vụ thanh toán. Trong khi đó, thu nhập phí từ bancas nhiều khả năng vẫn chưa quay lại chu kỳ tăng trưởng khi những quy định mới hạn chế khả năng bán bảo hiểm của ngân hàng.
Tương tự, thị trường phát hành TPDN riêng lẻ sẽ cần thời gian để làm quen với các quy định chặt chẽ hơn về NĐT cá nhân chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm.
Nợ xấu đạt đỉnh vào quý III
Thống kê cho thấy tỷ lệ nợ xấu của 28 ngân hàng có công bố BCTC quý I/2024 đã tăng từ 1,94% vào đầu năm 2023 lên 2,18%. Trước đó, tỷ lệ nợ xấu từng giảm trong quý IV/2023.
Theo nhận định của VDSC, nguyên nhân khiến nợ xấu tăng trở lại phần nhiều liên quan đến cho vay lĩnh vực BĐS, gồm cả nhóm khách hàng doanh nghiệp và nhóm khách hàng cá nhân. Trong quý I/2024, một số ngân hàng đã bị phân loại lại nhóm nợ theo CIC, dẫn đến nợ xấu gia tăng.
Dự báo về chất lượng tài sản ngân hàng, ông Huân cho rằng nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào quý III năm nay, hoặc chậm nhất là quý IV. "Sau khi tăng trưởng phục hồi, doanh nghiệp hồi phục thì nợ xấu sẽ đạt đỉnh", ông nói.
VDSC đánh giá nợ xấu dự kiến vẫn duy trì ở mức cao trong vài quý tới do thị trường BĐS còn nhiều khó khăn do các nút thắt chưa hoàn toàn được tháo gỡ.
Các chuyên viên phân tích cũng kỳ vọng bức tranh nợ xấu sẽ có tín hiệu khả quan từ quý cuối năm nhờ hoạt động kinh tế khởi sắc và thị trường BĐS phục hồi dần cũng như chính sách tín dụng thận trọng hơn.