"Rõ ràng, việc từ chối dầu của Nga sẽ dẫn đến những hậu quả thảm khốc đối với thị trường toàn cầu. Việc tăng giá là không thể đoán trước với giá có thể lên tới 300 USD/thùng nếu không muốn nói là hơn", Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm 7/3.
Ông Novak cũng chỉ trích quyết định của Đức vào tháng trước khi nước này ngừng cấp giấy chứng nhận cho đường ống dẫn khí Nord Stream 2 nối với Nga. "Chúng tôi có mọi quyền để đưa ra quyết định phù hợp và áp đặt lệnh cấm vận đối với hoạt động bơm khí đốt qua đường ống Nord Stream 1", ông Novak nói.
Tuy nhiên, vị Phó Thủ tướng Nga vẫn nhấn mạnh Moscow chưa đưa ra các quyết định như vậy nhưng "các chính trị gia châu Âu, với những tuyên bố và cáo buộc chống lại Nga, đã thúc đẩy chúng tôi hướng tới quyết định đó".
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak.
Tuyên bố của Nga được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang xem xét áp đặt lệnh cấm xuất khẩu nhằm vào dầu và khí đốt của Nga để trừng phạt chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine. Các chuyên gia phân tích trong lĩnh vực năng lượng đã cảnh báo lệnh cấm vận đối với dầu và khí đốt Nga sẽ tác động "địa chấn" đối với thị trường năng lượng và nền kinh tế toàn cầu.
Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Ả rập Xê út đồng thời cũng là nhà xuất khẩu khí đốt hàng đầu. 40% nhu cầu khí đốt của liên minh châu Âu (EU) do Nga cung cấp. Một trong số các đường ống dẫn của Nga đi qua lãnh thổ Ukraine.
"Các chính trị gia châu Âu cần học cách trung thực trong việc cảnh báo công dân và người tiêu dùng của họ về những gì sẽ xảy ra. Nếu các vị muốn từ chối nguồn cung năng lượng từ Nga thì cứ tiếp tục. Chúng tôi sẵn sàng cho điều đó. Chúng tôi biết nơi mà dầu và khí đốt của chúng tôi có thể chuyển hướng tới", ông Novak nói thêm.
Hôm 7/3, giá dầu đã tăng lên mức cao nhất 14 năm khi các nhà đầu tư lo sợ Mỹ và phương Tây sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên xuất khẩu năng lượng của Nga. Tuy nhiên, giá dầu đã rời đỉnh 140 USD/thùng và hiện chỉ còn khoảng 125 USD/thùng.
Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang chịu áp lực rất lớn trong việc chấm dứt nhanh chóng sự phụ thuộc của họ vào nhiên liệu hóa thạch Nga. Tuy nhiên, việc tìm kiếm được một nguồn cung thay thế là không hề dễ dàng và nó có thể khiến cho giá dầu và khí đốt tăng phi mã.
Ở chiều ngược lại, dầu và khí đốt đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế Nga khi nó chiếm 43% ngân sách liên bang từ năm 2011 đến 2020. Hiện tại, dầu của Nga vẫn đang rẻ hơn so với dầu của các nước khác khi người mua lo ngại bị liên đới trước các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow.
Trong khi đó, hôm 7/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã bác bỏ lời kêu gọi cấm vận dầu và khí đốt của Nga khi cho rằng động thái như vậy sẽ đe dọa an ninh năng lượng châu Âu cũng như tác động nghiêm trọng tới cuộc sống hàng ngày của người dân. Bản thân Thủ tướng Anh Boris Johnson dường như cũng đồng tình với ông Scholz trong việc lùi lại kế hoạch áp đặt lệnh cấm vận lên dầu của Nga. Thay vào đó, châu Âu muốn một lộ trình chậm rãi hơn.