01
Cách đây vài ngày, một bài đăng được chia sẻ trên mạng xã hội khiến dư luận phẫn nộ.
Người đăng là một cô gái, cũng là người con duy nhất trong nhà. Cha cô bị ung thư bàng quang, vừa trải qua một cuộc phẫu thuật và đang chờ hồi phục trong bệnh viện.
Cô chỉ ở bên bố đúng hai ngày ông phải phẫu thuật. Thời gian còn lại chỉ có mẹ và họ hàng chăm sóc bố.
Vậy cô con gái đang làm gì? Cô đi lặn ở quần đảo Raja Ampat (Indonesia). Cô đã lên kế hoạch đi lặn trước khi biết tin cha bị bệnh. Sau đó, bố cô bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư bàng quang, và đã quá muộn để cô đổi vé cho chuyến du lịch.
Giữa việc ở lại chăm sóc người cha ốm yếu và chuẩn bị hành lý đi lặn, cô dứt khoát chọn vế sau.
Cô bày tỏ, chăm sóc bản thân còn quan trọng hơn nhiều so với việc ở bên cha và làm tròn lòng đạo hiếu. Sau khi chồng cô biết chuyện, anh giận dữ, chỉ trích hành vi của vợ là quá ích kỷ, mắng cô bất hiếu và thiếu hiểu biết.
Nhưng cô không cảm thấy hành vi của mình không phù hợp. Cô nghĩ bản thân không phải là bác sĩ, do đó ở lại bên bố thì cũng không giúp được gì nhiều.
Thấy bất bình trước hành động của chồng, cô đã đăng tải câu chuyện để tìm kiếm sự an ủi từ cư dân mạng. Nhưng cô không ngờ bản thân đã bị mắng đến mức phải xoá bài.
Giáo sư Tiền Lý ở ĐH Bắc Kinh từng nói: "Khi đang cố gắng hết sức để giúp con leo lên một nấc thang cao hơn, điều chúng ta phải cảnh giác là không để trẻ trở thành cá nhân chỉ biết tư lợi, sống ích kỷ và có chỉ số IQ cao".
Ngoài đời có rất nhiều người có hành vi bất hiếu giống như cô gái trên. Họ không có ý thức về đạo đức hay biết cách phân biết đúng sai. Họ luôn cho rằng mình là trung tâm, có khả năng đồng cảm với người xung quanh thấp. Họ không biết suy nghĩ từ góc độ người khác, lại càng luôn đặt nhu cầu cá nhân lên hàng đầu.
02
Giáo sư Tiền Chí đến từ Đại học Bắc Kinh, từng nói: "Khi cha mẹ lấy con làm trung tâm, đứa trẻ tự nhiên sẽ nghĩ rằng mình là người duy nhất trong gia đình, và cha mẹ phải đáp ứng mọi yêu cầu của chúng. Thời gian trôi qua, chúng chỉ quan tâm đến những gì chúng muốn, sống ích kỷ và thờ ơ với thế giới xung quanh".
Một người đàn ông 29 tuổi tên Khuông Chính Hiên từng mạnh bạo nói rằng anh rất mong đất nước sẽ đưa ra luật: "Cha mẹ không cần phải ngừng nuôi con khi con đủ 18 tuổi. Nếu con chưa đủ năng lực thì cha mẹ nên tiếp tục nuôi con".
Ở độ tuổi đáng lẽ ra đã có sự nghiệp ổn định và tự lo được cho bản thân, Khuông Chính Hiên lại sống ở nhà, ngày ngày xin tiền bố mẹ. Khi bố mẹ không chịu chu cấp, anh đã kiện họ ra tòa với lý lẽ: "Bố mẹ rõ ràng có năng lực hơn tôi, tại sao họ không thể chu cấp cho tôi?".
Về phần bố mẹ "có năng lực", thực tế bố Khuông Chính Hiên chỉ là công nhân còn mẹ nằm liệt giường và cần người chăm sóc. Gia đình họ sống trong căn nhà nhỏ cũ nát, không có lấy một đồ đạc tươm tất.
Một người con bất hiếu như Khuông Chính Hiên được bố mẹ nuôi dạy như thế nào?
Trong quá khứ, cha mẹ của Khuông Chính Hiên luôn nuông chiều và sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của con trai. Hàng xóm cho biết, Khuông Chính Hiên luôn có đủ cơm ăn, áo mặc từ nhỏ. Khuông Chính Hiên lớn lên trong môi trường như vậy dần dần hình thành tính cách xấu là lười biếng và ích kỷ.
Cha mẹ càng vị tha thì con cái càng ích kỷ. Nếu cha mẹ cho con quá nhiều tình tình yêu thương sẽ tước đi khả năng quan tâm đến người khác của trẻ.
Đằng sau mỗi đứa trẻ ích kỷ là một cặp cha mẹ cung phụng con như người hầu.
Nếu cha mẹ vẫn còn giữ 1 cách dạy con sai lầm, đó là nuông chiều và dung túng cho mọi lỗi sai của đứa trẻ thì tương lai con trở thành một đứa con bất hiếu sẽ không xa.
Là cha mẹ, đừng khắt khe với con. Nhưng cũng không nên trao con quá nhiều sự vị tha và dễ dàng đáp ứng mọi yêu cầu của con. Nếu bạn thực sự yêu con mình thì đừng đối xử quá tốt với chúng.
Chỉ bằng cách này, đứa trẻ mới hiểu được các quy tắc xã hội, tôn trọng cha mẹ và những người xung quanh, thay vì suy nghĩ thiển cận, chỉ biết giành cái lợi cho riêng mình.
03
Đến đây, nhiều bậc phụ huynh có thể đặt câu hỏi, nuôi dạy đứa trẻ như thế nào thì mới được coi là thành công trong việc giáo dục của gia đình?
Tôi nghĩ có 2 điểm.
Đầu tiên, nuôi dạy được đứa con sống ấm áp, biết yêu thương là thành công lớn nhất của cha mẹ.
Một bà mẹ đã chia sẻ trên trang cá nhân về cậu con trai học rất giỏi môn tiếng Anh. Một ngày nọ, con trai buồn bã phàn nàn với cô: "Giáo viên chủ nhiệm luôn yêu cầu con giảng bài tiếng Anh cho các bạn cùng lớp. Điều này không chỉ làm chậm trễ thời gian học của con, mà còn cho thấy giáo viên đang nghĩ rằng: 'Con giỏi hơn, nên con phải dạy các bạn'".
Nghe vậy, người mẹ đột nhiên bị sốc. Cô chợt nhận từ trước đến nay, cô chỉ dạy con cách học mà quên dạy đứa trẻ cách học cùng mọi người.
Trong tương lai, con cần kết nối với những người xung quanh, đồng thời cần hiểu rằng "đôi bên cùng có lợi" là quy luật sinh tồn của thế giới.
Vì vậy, người mẹ này đã làm một việc khiến nhiều người ngạc nhiên, đó là đưa con đi dạy kèm tiếng Anh cho những trẻ em nông thôn có nền tảng ngoại ngữ yếu. Cô còn muốn con đến các trường tiểu học ở vùng nông thôn để tự mình kiểm chứng rằng: "Không phải ai cũng được như con, đủ ăn đủ mặc từ khi sinh ra. Ở những vùng quê xa xôi, có biết bao đứa trẻ bằng tuổi con cũng muốn học giỏi tiếng Anh nhưng ở đó không có giáo viên dạy ngoại ngữ chuyên nghiệp".
Sau đó, khi người mẹ hỏi con lớn lên muốn làm gì, cậu con trai đáp: "Con muốn giỏi tiếng Anh và trở thành nhà ngoại giao. Con cũng mong muốn có thêm nhiều trẻ em ở nông thôn học tốt tiếng Anh như con và có cơ hội thực hiện ước mơ của mình".
Mục tiêu cuối cùng của giáo dục không phải là nuôi dưỡng một hòn đảo biệt lập. Con cái chúng ta không chỉ là con của chúng ta mà còn là một cá thể của xã hội.
Để yêu thương một đứa trẻ đúng nghĩa, chúng ta phải để con học cách yêu thương những người khác. Nuôi dạy một đứa trẻ có "tình thương" quan trọng không kém gì việc dạy bảo một đứa trẻ có thành tích học tập tốt.
Thứ hai, nuôi dạy con cái biết ơn là điều may mắn lớn nhất của gia đình.
Năm 2017, chàng trai 18 tuổi Bàng Chúng Vọng đã được truyền thông săn đón khi đỗ Thủ khoa Đại học Thanh Hoa - đại học top đầu của Trung Quốc và châu Á. Điều đặc biệt ở chàng trai này là khi phóng viên tìm đến nhà thì phát hiện hoàn cảnh gia đình anh chàng rất khó khăn. Mẹ Bàng Chúng Vọng ngồi xe lăn còn bố mắc bệnh tâm thần.
Nhưng đối với gia đình mình, Bàng Chúng Vọng chưa bao giờ phàn nàn. Anh nhìn thấy sự vất vả của cha mẹ nên muốn dùng nỗ lực của bản thân để chăm chỉ học tập, gây dựng sự nghiệp nhằm báo đáp công ơn nuôi dưỡng của đấng sinh thành.
Cha mẹ Bàng Chúng Vọng không thể làm những công việc nặng nhọc nên mỗi sáng chàng trai dậy sớm để làm việc, chuẩn bị bữa ăn cho mẹ rồi mới đến trường. Ở cái tuổi mà những đứa trẻ khác còn ham chơi, anh đã một mình gánh vác cả gia đình.
Bàng Chúng Vọng từng nói trong một cuộc phỏng vấn: "Tôi không nghĩ gia đình mình có gì đáng để bàn luận. Mẹ tôi rất tốt, ông bà của tôi rất tốt và mọi thành viên trong gia đình tôi đều tốt như vậy. Tôi cảm thấy những người khác nên ghen tị với gia đình tôi".
Nuôi dạy con cái biết biết ơn là điều hạnh phúc sâu sắc nhất của một gia đình.
Có được một ngôi nhà sang trọng hay chiếc xe hơi đắt tiền không bằng việc bạn nuôi dạy con biết trân trọng lòng tốt và báo đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ.
Những gì con cái chúng ta nên được dạy không chỉ là kiến thức, kỹ năng sống mà quan trọng hơn là một nhân cách trong sáng và tấm lòng biết ơn. Đừng nuôi dạy những đứa trẻ ích kỷ và bất hiếu khi trưởng thành.