Theo kế hoạch, số tiền thu về từ đấu giá đất sẽ được đầu tư cho các công trình dự án hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do một số vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy hoạch chi tiết 1/500, định giá tài sản trên đất, khó tìm đơn vị tư vấn giá đất khởi điểm… đã khiến nhiều khu đất không thể đưa ra đấu giá đúng theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, hơn 3 năm qua, thị trường bất động sản tại địa phương “đóng băng” khiến cho việc đấu giá đất cũng gặp khó khăn. Cụ thể, có một số khu đất thông báo đấu giá đến lần thứ 3 nhưng không tìm được người mua. Vì vậy, trong năm 2021 và 2022, nguồn thu từ đấu giá đất của tỉnh chỉ được 5.600 tỷ đồng. Năm 2023 thì không có khu đất nào đấu giá thành công.
Như vậy, thời gian còn lại chỉ còn hơn 15 tháng, nếu muốn hoàn thành kế hoạch đấu giá đất của giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đồng Nai phải đấu giá được 39.400 tỷ đồng.
Được biết, Đồng Nai sở hữu nhiều “siêu” dự án quốc gia và đang trở thành trung tâm giao thông của vùng nên thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. Do đó, muốn sớm đấu giá được những khu “đất vàng”, tỉnh cần phải nhanh chóng hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan để có đất sạch mời các doanh nghiệp tham gia đấu giá.
Theo nội dung quy hoạch, thời kỳ 2021-2030, hệ thống cảng hàng không được quy hoạch với hai đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực TP.HCM, hình thành 30 cảng hàng không. Trong đó, tỉnh Đồng Nai có 2 cảng hàng không là Long Thành (cảng hàng không quốc tế) và Biên Hòa (cảng hàng không quốc nội) được quy hoạch thành cảng hàng không để khai thác lưỡng dụng. Tầm nhìn đến năm 2050 cả nước hình thành 33 cảng hàng không.