Tỷ lệ sinh ở Đức đạt mức thấp nhất trong một thập kỷ, vì số lượng các cặp đôi kết hôn cũng gần chạm đáy kỷ lục. Điều này làm gia tăng thách thức về nhân khẩu học mà nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phải đối mặt.
Các chuyên gia cho biết nền kinh tế Đức đang trong giai đoạn khó, kết hợp với việc chính phủ thắt chặt ngân sách đã khiến tỷ lệ sinh nước này giảm.
Theo số liệu công bố ngày 3/5 của văn phòng thống kê liên bang Destatis, năm 2023 có 693.000 trẻ sơ sinh chào đời ở Đức, mức thấp nhất kể từ năm 2013 đến nay và giảm 6,2% so với năm 2022.
Tỷ lệ sinh giảm, xã hội già hoá và lực lượng lao động hạn hẹp là một trong những vấn đề lớn nhất đối với các nhà hoạch định chính sách trên khắp châu Âu. Những vấn đề này gây thêm áp lực cho tài chính công và làm suy giảm tốc độ tăng trưởng vốn đã ảm đạm.
Khó khăn trong việc giải quyết dân số già ở Đức thể hiện rõ hơn qua số lượng các cặp đôi kết hôn ở nước này giảm 7,6%, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1950 (ngoại trừ năm 2021 khi lệnh phong toả khiến các đám cưới phải trì hoãn).
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng nếu tỷ lệ sinh ở Đức tiếp tục giảm, lực lượng lao động cũng sẽ giảm sút và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, thế hệ “baby boomer” đông đảo sinh trong khoảng năm 1950 và 1960 đã bước vào tuổi nghỉ hưu.
Giáo sư xã hội học Michaela Kreyenfeld tại trường Hertie School ở Berlin cho biết: “Giống như ở các nước châu Âu khác, tỷ lệ sinh ở Đức giảm do hậu quả của đại dịch và cuộc khủng hoảng chồng chéo là xung đột Ukraine và lạm phát cao. Điều đó đã tạo ra môi trường không thuận lợi cho việc sinh con”.
Những cải cách năm 2005 và 2007 đã mở rộng cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ ban ngày và tăng thu nhập cho những phụ nữ nghỉ thai sản đã giúp nâng cao tỷ lệ phụ nữ có việc làm. Nhưng giáo sư Kreyenfeld cho biết tình hình đã xấu đi trong những năm gần đây. Do thiếu lao động, các trung tâm chăm sóc trẻ giảm giờ mở cửa. Việc thắt chặt ngân sách chính phủ đã hạn chế thời gian nghỉ phép đối với những phụ huynh thu nhập thấp.
Bảng xếp hạng của Unicef năm 2021 về chính sách chăm sóc trẻ em ở 41 quốc gia giàu có cho thấy Đức đứng thứ 5, vượt xa các nước lớn khác trong EU. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng hệ thống thuế và giờ học ở Đức vẫn không khuyến khích phụ nữ đi làm.
Tỷ lệ sinh của Đức vào năm 2022 là 1,46, tương đương với mức trung bình của EU. Destatis cho biết tỷ lệ sinh giảm mạnh hơn ở phía đông. Ở khu vực này, trừ Berlin, tỷ lệ sinh đã giảm 9,2% so với năm trước, trong khi ở phía tây giảm 5,9%.
Tình trạng hôn nhân cũng diễn ra tương tự, giảm 9% ở miền Đông nước Đức và 7,4% ở miền Tây.
Dân số Đức trì trệ ở mức 83,2 triệu người vào năm 2020 và 2021. Nhưng dân số đã bắt đầu tăng trở lại vào năm 2022 do làn sóng 1,1 triệu người nhập cư. Năm ngoái, Destatis ước tính dân số Đức tăng 0,3% lên 84,7 triệu.
Cơ quan việc làm cảnh báo rằng để giữ cho lực lượng lao động không bị thu hẹp, đất nước cần thu hút 400.000 người nhập cư mỗi năm. Chính phủ vào năm ngoái đã đưa ra các chương trình visa mới nhằm thu hút nhiều lao động có trình độ.
Dữ liệu riêng từ Destatis hôm thứ 2/5 cho thấy số lượng visa tạm thời được cấp cho những người từ các quốc gia ngoài EU để làm việc ở Đức vào năm 2023 đạt 68.000, cao hơn gấp 3 lần so với mức của năm 2021.
Nghiên cứu gần đây của các chuyên gia kinh tế và nhà cố vấn cảnh báo rằng lực lượng lao động thu hẹp và dân số già sẽ khiến tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của nền kinh tế Đức giảm tốc từ 1,4% trong thập kỷ trước xuống chỉ còn 0,4% trong thập kỷ này.
Theo FT