Tài chính

Nhà đầu tư chứng khoán xếp hàng lên “tàu bay” Vietnam Airlines

Đang trong diện hạn chế giao dịch trên HoSE nhưng cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vẫn "cất cánh" bay cao. Ngay khi bước vào phiên chiều ngày 3/5, cổ phiếu này đã tăng kịch trần lên mức 18.500 đồng/cp, cao nhất trong vòng 23 tháng, kể từ đầu tháng 6/2022. Đáng chú ý, cổ phiếu này còn "trắng bên bán" với dư mua giá trần gần 4,5 triệu đơn vị.

photo-1714722434153

Cổ phiếu HVN bay cao trong bối cảnh tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines đang có những chuyển biến tích cực. Quý 1/2024, hãng hàng không này ghi nhận doanh thu gần 28.270 tỷ đồng, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong một quý kể từ khi Vietnam Airlines chuyển mô hình thành công ty cổ phần từ năm 2015.

Nguồn thu của Vietnam Airlines tăng mạnh trong bối cảnh thị trường hàng không thiếu máy bay, nhu cầu đi lại dịp cao điểm Tết lớn đẩy giá vé máy bay nội địa lên cao. Bamboo Airways - đối thủ cạnh tranh trực tiếp với phân khúc khách hàng ở thị trường trong nước của Vietnam Airlines vài năm gần đây đã phải cắt giảm một loạt đường bay và đội tàu bay giúp công ty có thêm thị phần.

Trong quý đầu năm, giá vốn hàng bán tăng ít hơn doanh thu giúp Vietnam Airlines lãi gộp 4.048 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ 2023. Bên cạnh đó, công ty còn ghi nhận lợi nhuận khác lên đến 3.672 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, hãng hàng không này lãi ròng kỷ lục 4.334 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2023 lỗ 103 tỷ đồng.

Theo giải trình, lợi nhuận quý này của Vietnam Airlines tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do công ty mẹ, Pacific Airlines và các công ty con kinh doanh đều kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, hãng bay có thu nhập khác hợp nhất đột biến do trong quý 1/2024, Pacific Airlines phát sinh thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay (đây là quý đầu tiên sau đại dịch covid Pacific Airlines có kết quả kinh doanh lãi).

photo-1714721316075

photo-1714721330304

Mặc dù tình hình kinh doanh có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn một số tồn đọng. Tại thời điểm 31/3, Vietnam Airlines còn lỗ lũy kế 36.742 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 12.556 tỷ đồng. Điều này khiến cổ phiếu HVN nằm diện kiểm soát, hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch trong phiên chiều) của HoSE và đang đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc.

Về lộ trình khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu rơi vào diện kiểm soát, Vietnam Airlines cho biết đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 và đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Theo đó, Tổng công ty sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như: thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.

Còn về nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc, Vietnam Airlines có lẽ phải trông chờ vào "Trường hợp đặc biệt". Theo dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật Chứng khoán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lấy ý kiến hồi đầu năm, Điều 120 về hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc sẽ được bổ sung thêm Khoản 7 với nội dung "Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định". Nhiều ý kiến cho rằng đây có thể là điều khoản "mở đường" để cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines tiếp tục được duy trì niêm yết trên HoSE.

Trong một diễn biến khác, Vietnam Airlines vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 sau ngày 30/4/2024 và không chậm hơn thời điểm 30/6/2024. Ngày đăng ký cuối cùng tham dự Đại hội dự kiến là 23/5 và thời gian tổ chức Đại hội dự kiến vào ngày 21/6/2024.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm