Hiệu suất đầu tư bất động sản bỏ xa vàng, chứng khoán trong dài hạn
Chia sẻ tại Talkshow "Xu thế quản lý gia sản tại Việt Nam" mới đây, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa dẫn thống kê từ nhóm nghiên cứu của ông cho biết, từ năm 1990 đến nay, giá vàng trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã tăng khoảng 30 lần.
Cùng thời gian trên, giá bất động sản tăng thấp nhất ở các tỉnh xa, tỉnh nghèo cũng đạt 100 lần, còn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lên tới 400 lần. Trong khi đó, từ năm 2000 tới nay, chứng khoán của Việt Nam tăng được 12,5 lần, VN-Index chỉ mới tăng từ 100 lên 1.200 điểm, tức là đà tăng thấp hơn giá vàng.
Vị chuyên gia này nhận định, nếu Việt Nam có được một nền tảng pháp lý và có các định chế xây dựng thị trường tốt như của các nước phát triển thì thị trường tài chính Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ và vững chắc hơn nhiều.
"Tôi nghĩ người Việt Nam mình nói chung có khuynh hướng thích đầu tư và cũng thích mạo hiểm. Đây là tiềm năng rất lớn về có thể phát triển một thị trường quản lý gia sản mạnh mẽ trong tương lai", ông Nghĩa nhận định.
Những con số cho thấy tốc độ tăng của vàng và chứng khoán Việt Nam không đuổi kịp tốc độ tăng giá của bất động sản. Do đó, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa dự báo giá bất động sản Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng do nguồn cung hạn chế, dự án ngày một ít đi. Điều đáng nói là hiện vẫn chưa có cách nào để tháo gỡ được hàng nghìn các dự án đang “đắp chiếu” nhiều năm ở TP HCM và Hà Nội.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, so sánh trên không hoàn toàn công bằng vì trên thị trường chứng khoán, tốc độ tăng giá luôn luôn được bình quân hóa, sẽ có những cổ phiếu tăng rất nhanh, rồi biến mất khỏi thị trường. Nên khi bình quân lại, tốc độ tăng của thị trường chung chỉ ở mức như vậy.
Chứng khoán, vàng đang “ghi điểm”
Bối cảnh 2 - 3 năm trở lại đây khiến nhà đầu tư không khỏi thận trọng nếu quyết định đầu tư bất động sản, khi thanh khoản thị trường đang thấp, nhiều thời điểm gần như đóng băng. Qua năm 2024, thị trường bất động sản có ấm lên, song chứng khoán (phạm vi bài viết đề cập đến cổ phiếu) và vàng đang là những tài sản "ghi điểm" trong mắt nhà đầu tư hơn.
Dữ liệu của nhóm phân tích FIDT cho thấy giá vàng SJC trong nước đang ở mức khoảng 90 triệu đồng/lượng. Nếu so với cuối năm 2023, người mua vàng đang lãi khoảng 13,5 triệu đồng/lượng tức là khoảng 18%.
Trong các chu kỳ tăng giá tài sản trước đây, thông thường, tăng trưởng hàng năm của giá vàng chỉ quanh mức 3 - 5%/năm. Tuy nhiên, năm nay chủ yếu do thị trường đang kỳ vọng lãi suất Fed sẽ hạ, lạm phát có thể quay trở lại, nên giá vàng thế giới đã tăng vọt. Qua đó, thị trường trong nước bị ảnh hưởng không ít. Biên động thị trường trong nước còn do vấn đề cung cầu, nên giá còn bị đội lên đáng kể.
Với chứng khoán, VN-Index tính từ đầu năm đến 16/5 đã tăng khoảng 11%. Sau phiên điều chỉnh hồi cuối tháng 4, thị trường đang chứng kiến sự phục hồi mạnh. Thanh khoản bình quân từ đầu tháng 5 khoảng 18.500 tỷ đồng/phiên, thấp hơn 15% so với tháng trước, cao hơn 11% so với đầu năm.
Đối với thị trường bất động sản, phân khúc chung cư, căn hộ được giao dịch khá phổ biến hiện nay, giá đã tăng khoảng 7 - 10% so với đầu năm, đồng thời chứng kiến sự phân hóa cao giữa các phân khúc sản phẩm. Giai đoạn này và thời gian tới thực sự cần phải “đãi vàng trong cát” để tìm ra cơ hội đầu tư thích hợp.
Tiết kiệm vẫn đang giữ ở nền lãi suất thấp quanh 5 - 6% với kỳ hạn 12 tháng. Nhích nhẹ so với cùng kỳ năm trước, dưới nỗi lo Ngân hàng Nhà nước có hành động với lãi suất để bảo vệ tỷ giá, nhưng tình hình nhìn chung không quá đáng lo ngại bởi chỉ số DXY hiện tại đã giảm điểm.
Lựa chọn loại tài sản và chiến lược đầu tư phù hợp
Tài sản đầu tư tài chính được chia ra thành nhiều nhóm, mỗi nhóm đầu tư có các đặc điểm giống nhau và tuân theo các luật và quy định giống nhau. Do đó, các lớp tài sản được tạo thành từ các công cụ thường hoạt động tương tự với nhau trên các thị trường.
Có loại tài sản mang tính chất phòng vệ như vàng, tiền, bất động sản để ở hoặc tài sản đầu tư tăng trưởng, có tính biến động cao như cổ phiếu, tiền điện tử (như Bitcoin), bất động sản (đầu tư).
Mỗi loại tài sản đầu tư sẽ có tiềm năng lợi nhuận cũng như mức độ rủi ro nhất định. Các nhà tư vấn tài chính thường khuyên nhà đầu tư cần đa dạng hóa danh mục đầu tư theo các lớp tài sản đầu tư, tùy theo tình hình thị trường để có sự điều chỉnh cơ cấu phù hợp nhằm tăng xác suất thu lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro.
Ông Phạm Hoàng Anh Kiệt, Phó phòng Phân tích của FIDT nêu quan điểm, mỗi nhà đầu tư cần có sự cân nhắc riêng về khẩu vị rủi ro, các yếu tố nhân khẩu học của bản thân cũng như thời điểm, chu kỳ của tài sản để có sự lựa chọn phù hợp. Không có công thức chung cho vấn đề đầu tư. Do đó, nhà đầu tư nên tham vấn ý kiến chuyên gia trước khi hành động.
Với riêng cổ phiếu, chuyên gia của FIDT nhận định trong ngắn hạn, thị trường chưa quá thuận lợi để có có những vị thế mua tốt, ít rủi ro. Nhà đầu tư nên chờ đợi cơ hội tại những nhịp điều chỉnh để tối ưu vùng giá mua và vị thế an toàn trong cả trung và dài hạn.
Tại sự kiện mới đây do Công ty Quản lý quỹ Thành Công (TCAM) tổ chức, ông Võ Trung Cương, Giám đốc Quản lý Quỹ của TCAM cho rằng các lớp tài sản khác nhau có sự bù trừ lẫn nhau về đặc tính.
Như bất động sản là một lớp tài sản rất được nhà đầu tư Việt Nam yêu thích, để càng lâu càng lãi, song đòi hỏi lượng vốn lớn, thanh khoản ngắn hạn thấp, có tính chu kỳ cao, có thể tính bằng năm. Nhưng bất động sản lại có tính ổn định, đem lại sự ưa thích.
Trong các năm gần đây, cổ phiếu nổi lên là kênh được nhiều nhà đầu tư yêu thích, bao gồm các chủ doanh nghiệp am hiểu về kinh tế - tài chính, các nhà đầu tư trẻ gen Z. Ưu điểm của cổ phiếu là tính thanh khoản, tức tốc độ thành tiền rất cao.