Điện sinh hoạt vẫn gánh điện sản xuất
Theo Quyết định 1279 của Bộ Công thương có hiệu lực từ ngày 10.5 vừa qua, giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn được tính theo 6 bậc, giá bán lẻ điện bình quân là hơn 2.204 đồng/kWh và người dùng điện sinh hoạt từ bậc 3 (kWh 101 - 200) phải trả 2.380 đồng/kWh, nghĩa là cao hơn giá bình quân. Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho biết nhóm khách hàng dùng điện ở mức 100 - 200 kWh/tháng đang là nhóm khách hàng lớn nhất của ngành điện, chiếm 32,79% tổng số hộ dùng điện. Đây cũng chính là nhóm khách hàng phải trả tiền điện theo cơ chế bù chéo đã tồn tại hơn 10 năm qua. Cụ thể, vào giờ thấp điểm, điện bán cho sản xuất chỉ bằng khoảng 52% giá bình quân, còn giá đối với hộ nghèo chính sách, ưu đãi lớn nhất cũng bằng 90% giá bình quân.

Cơ chế giá điện bù chéo đang làm "méo mó" thị trường
ẢNH: H.H
Một báo cáo năm 2020 của ngành điện VN cho thấy sản lượng điện tiêu thụ trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ lệ lớn nhất là 55,3%; điện tiêu dùng dân cư chiếm 33,3%; dịch vụ thương mại chiếm 5,8%; nông, lâm, thủy sản chiếm 1,7% và các hoạt động khác chiếm 4%. Thống kê này cho thấy một nghịch lý: ngành công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ lệ sử dụng điện cao nhất nhưng giá bán lẻ điện hiện nay cho nhóm này trong giờ thấp điểm chỉ bằng 52-67%, giờ bình thường bằng 78-90% và giờ cao điểm bằng 139-165% giá bán lẻ điện bình quân. "Điều này có nghĩa là nhóm khách hàng tiêu dùng dân cư chiếm 33,3% đang phải bù chéo giá cho nhóm công nghiệp, xây dựng và dịch vụ thương mại chiếm tổng cộng 61,1%. Rõ ràng cơ chế giá điện hiện nay chưa hợp lý, điện sinh hoạt không chỉ bù chéo cho giữa các vùng miền, người dùng nhiều bù cho người dùng ít mà đáng nói, người dân phải bù giá cho doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài… Chính sách giá này chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc ít tiêu hao năng lượng", báo cáo nhận xét.
Thực tế nhiều năm qua, cơ chế này đã lộ rõ bất cập và đã được các chuyên gia, đại biểu Quốc hội… kiến nghị xóa bỏ. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị ban hành năm 2020 cũng nêu rõ "giá điện không được dùng bù chéo". Năm 2024, góp ý cho dự thảo luật Điện lực sửa đổi, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng yêu cầu luật sửa đổi cần có quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về xóa bỏ bù giá chéo giữa các nhóm khách hàng, đảm bảo bình đẳng xã hội và đảm bảo nguyên tắc thị trường, khuyến khích tiết kiệm điện trong ngành sản xuất. Trước đó, Bộ Công thương cũng thừa nhận có sự tồn tại bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện ở các mức độ khác nhau.
Tuy vậy, tại luật Điện lực sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm nay chỉ quy định "giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện".
Bù chéo đến bao giờ?
Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hiệp hội thẩm định giá VN, nhấn mạnh cần có sự cải cách mạnh mẽ về giá điện để phù hợp hơn với thực tiễn. Điều quan trọng là phải triển khai đúng tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về giá năng lượng với nhiều nội dung cốt lõi đã nêu rõ về cơ chế giá năng lượng. Chẳng hạn, cho đến nay, tình trạng bù chéo trong giá điện vẫn tiếp tục đi ngược lại nguyên tắc thị trường và làm méo mó cạnh tranh.
Chuyên gia năng lượng, TS Nguyễn Huy Hoạch (Hiệp hội Năng lượng VN) và Hội đồng khoa học của Hiệp hội Năng lượng VN cũng nhiều lần có kiến nghị về vấn đề này trên cơ sở khoa học, hợp lý và phù hợp thực tiễn hơn.
TS Nguyễn Huy Hoạch nhấn mạnh: Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện không được lấy giá điện sinh hoạt để bù cho giá điện sản xuất và dịch vụ, cũng không được yêu cầu khách hàng sử dụng nhiều điện phải bù chéo giá điện cho khách hàng dùng điện ít hơn. Giá điện phải đảm bảo được khâu sản xuất điện, còn phần hỗ trợ của nhà nước cho các đối tượng yếu thế trong xã hội cần tách riêng vào phần an sinh xã hội, chứ không thể hạch toán vào giá điện như hiện nay. Bởi chung quy thì cơ chế bao cấp sẽ làm hỏng cơ chế thị trường và đã đến lúc chúng ta phải xác lập nguyên tắc thị trường để hạch toán, tính toán giá điện cho đúng và đủ. Các chính sách khi xây dựng phải thúc đẩy hành vi của người tiêu dùng là tiết kiệm điện và hiệu quả.
Trước mắt, cần đẩy nhanh cơ chế giá bán điện 2 thành phần theo công suất và điện năng đã được EVN đề xuất thí điểm từ cuối năm ngoái; tăng cường nhận thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả… đúng với tinh thần Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị.
Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa nhận xét: Các chính sách liên quan ngành điện đang được triển khai khá quyết liệt. Mục đích lớn hơn là phải đủ điện để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay và tăng trưởng 2 con số trong các năm tiếp theo. Muốn bảo đảm đủ điện thì ngoài yếu tố kỹ thuật, tài chính là yếu tố rất quan trọng, cụ thể là vấn đề giá điện. "Theo tôi, cần có cơ chế điều hành giá điện phù hợp với thị trường, nhất quyết phải theo xu hướng thị trường, không nên kéo dài bao cấp. Phải tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản để xây dựng một cơ chế giá minh bạch, phản ánh đúng chi phí. Bên cạnh đó, chi phí bao nhiêu thì công bố bấy nhiêu. Giá điện bảo đảm tính công bằng và để tránh gây sốc cho nền kinh tế khi điều chỉnh tăng thì vai trò điều tiết là của nhà nước bằng công cụ tài chính, tiền tệ. Nghị quyết 55 cũng đã nêu rõ có thể dùng quỹ, phí để điều tiết, tránh gây biến động lớn khi thực hiện cơ chế thị trường. Riêng việc bù chéo như chúng ta bàn lâu nay là cần thay đổi sớm", ông Thỏa nêu quan điểm.
Ngành điện đang có vai trò quan trọng trong mục tiêu tăng trưởng bền vững, xanh hóa nền kinh tế. Trách nhiệm của ngành khá nặng nề, vừa đầu tư, bảo đảm nguồn điện ổn định, an toàn, nhưng giá phải bảo đảm an sinh xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài… Vấn đề bù chéo trong giá điện cũng nằm trong những nhiệm vụ trên. Theo tôi, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào ngành điện là cực kỳ quan trọng, giải pháp tăng giá điện vừa rồi được coi như tín hiệu cho nhà đầu tư, song về lâu dài giá điện cần sự minh bạch, công bằng. Phải đẩy nhanh cơ chế giá điện 2 thành phần, mua bán trực tiếp có hiệu quả hơn. Thực tế, cơ chế bán lẻ điện trực tiếp cần tách bạch nguồn điện sản xuất trong khu công nghiệp với nguồn điện bán cho người dân, bỏ hẳn bù chéo giá bán điện là đã khuyến khích nhà đầu tư rồi.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Quốc Việt