VN-Index đóng cửa tháng 3 tại 1.284,09 điểm, tăng 31,36 điểm tương đương 2,5% so với tháng trước, với thanh khoản duy trì tăng mạnh. Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường đạt 27.268 tỷ đồng, tăng 28% so với mức bình quân tháng 2.
Nhóm vốn hóa vừa thu hút dòng tiền trong khi tỷ trọng phân bổ dòng tiền giảm mạnh ở nhóm vốn hóa lớn rổ VN30.
Tỷ trọng phân bổ dòng tiền chạm đỉnh 10 tuần ở nhóm bán lẻ, thực phẩm, nhựa cao su & sợi, hàng cá nhân trong khi chạm đáy ở xây dựng, điện, hàng không. Tỷ trọng này tiếp tục hồi phục từ đáy ở nhóm bất động sản, dầu khí, vật liệu xây dựng, bảo hiểm.
Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực trong tháng 3 có sự góp mặt của nhiều nhóm ngành. Trong đó nhóm ngân hàng với ba đại diện là TCB, MBB, VIB giúp VN-Index có thêm gần 8,7 điểm, trong đó góp công lớn nhất là TCB với 5 điểm. Đứng ở vị trí thứ hai và ba là bộ đôi GVR, VIC đóng góp lần lượt là 3,5 điểm và 2,7 điểm cho VN-Index. Chiều ngược lại, VCB là gánh nặng lớn nhất đến thị trường chung với mức ảnh hưởng giảm 3,23 điểm.
Trái với diễn biến tích cực của VN-Index, khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng với tổng quy mô hơn 11.274 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó hoạt động rút ròng ghi nhận trên hai sàn HOSE và thị trường UPCoM.
Trên HOSE, NĐT nước ngoài đẩy mạnh xả ròng 11.279 tỷ, tính riêng giao dịch khớp lệnh, những nhà đầu tư này bán ròng 9.076 tỷ đồng. Thống kê cho thấy khối ngoại bán ròng mạnh nhất chứng chỉ quỹ FUEVFVND với quy mô 2.346 tỷ đồng.
Kế đó, cổ phiếu VNM đứng ở vị trí thứ hai trong top bán ròng với 2.187 tỷ đồng. Việc khối ngoại xả ròng cổ phiếu của Vinamilk đã kéo dài trong 6 tháng qua. Dưới sức ép rút ròng của khối ngoại, VNM có nhịp giảm gần 7% về 67.600 đồng/cp.
Cùng chiều, khối ngoại cũng bán ròng nhiều cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn và trung bình như VHM (2.160 tỷ đồng), MSN (1.957 tỷ đồng), HPG (879 tỷ đồng), VND (747 tỷ đồng), PVD (512 tỷ đồng), SAB (447 tỷ đồng), VPB (428 tỷ đồng) và BID (271 tỷ đồng).
Ở phía đối diện, cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP dẫn đầu danh mục top 10 mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mã này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 466 tỷ đồng trong tháng.
Một số cổ phiếu ngân hàng cũng nằm trong danh mục rót ròng của khối ngoại như STB (442 tỷ đồng) và FPT (357 tỷ đồng). Bên cạnh đó, dòng tiền nước ngoài còn tìm đến mã PDR (322 tỷ đồng), KDH (313 tỷ đồng), EIB (261 tỷ đồng), MWG (256 tỷ đồng), SSI (243 tỷ đồng), NLG (242 tỷ đồng), FTS (183 tỷ đồng).
Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng gần 76 tỷ đồng. Cụ thể, nhóm này rót ròng hơn 148,4 tỷ đồng gom cổ phiếu IDC của Tổng Công ty IDICO. Cùng chiều, SHS cũng được mua ròng với quy mô gần 81,9 tỷ đồng. Danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của DTD, TNG, GKM ... với giá trị 12,4 – 32,6 tỷ đồng.
Ở phía đối diện, khối ngoại tập trung bán ròng 120,1 tỷ đồng ở cổ phiếu PVS, theo sau là 63,2 tỷ đồng mã CEO. Ngoài ra, nước ngoài cũng rút ròng các cổ phiếu như NRC, TA9, VGS, ... với giá trị dưới 15 tỷ đồng.
Tại thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng hơn 71 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất 79,8 tỷ đồng ở cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn. Theo sau là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu VEA (41,4 tỷ đồng), ACV (22,4 tỷ đồng), QNS (14,7 tỷ đồng) và GDA (11,8 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu DDV của DAP – Vinachem dẫn đầu với quy mô hơn 67,8 tỷ đồng. Cùng chiều, nhà đầu tư nước ngoài cũng gom ròng 38,2 tỷ đồng mã VGT và các giao dịch tương tự với quy mô thấp hơn như AAS, SGP, VGG.