Trước những thông tin tiêu cực về nền kinh tế thế giới và sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed thông báo về việc tăng lãi suất, VN Index ghi nhận 1 tuần giảm điểm mạnh lui về khu vực 1.200 - 1.210. Về diễn biến cụ thể, VN-Index mở cửa phiên đầu tuần giảm điểm mạnh, chạm vùng hỗ trợ cứng 1.200 và sau đó giao dịch giằng co với biên độ 20 điểm quanh khu vực 1.200 - 1.220.
Trong tuần vừa qua, hầu hết tất cả các nhóm ngành đều chịu áp lực bán mạnh và chỉ có duy nhất nhóm bảo hiểm là giữ được sắc xanh với mức tăng gần 4%. Sau phiên giảm điểm đầu tuần, thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh cho thấy tâm lý nhà đầu tư tỏ ra lo lắng trước rủi ro ngắn hạn của thị trường và trước những thông tin tiêu cực của nền kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, dòng tiền khối ngoại cũng tỏ ra khá bi quan khi liên tục bán ròng trong những phiên cuối tuần. Tuy nhiên vùng điểm 1.200 vẫn được giữ vững sau khi kết thúc phiên giao dịch cuối cùng cho thấy đây vẫn là ngưỡng hỗ trợ tâm lý cứng trong ngắn hạn. Kết tuần, VN-Index giảm 30,75 điểm tương đương với 2,49% so với tuần trước xuống 1.203,28.
Trong tuần VN-Index giao dịch ảm đạm, nhà đầu tư cá nhân là bên duy nhất xuống tiền nâng đỡ thị trường. Về giá trị cụ thể, họ mua ròng 1.067 tỷ đồng trên HOSE, tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 852 tỷ đồng.
Dòng vốn cá nhân tiếp tục tìm đến nhóm BĐS, ngân hàng, chứng khoán
Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch khá cân bằng với tỷ lệ ngành được mua ròng/bán ròng là 10/8. Trong đó, cổ phiếu nhóm bất động sản được mua gom nhiều nhất với giá trị lên tới 578 tỷ đồng. Có thể thấy nhóm này vẫn là một trong những tâm điểm thu hút dòng tiền như tuần trước đó.
Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân của nhà đầu tư cá nhân cũng được đẩy mạnh ở nhóm ngân hàng (343 tỷ đồng). Tuần qua, cổ phiếu ngân hàng có tuần giao dịch ảm đạm với chỉ số giá ngành giảm 3,85%, là nhóm giảm mạnh thứ hai chỉ sau ngành hóa chất. Đáng chú ý, sau thông tin Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành 1% và chiếm 5/10 vị trí trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index.
Ngoài ra, dòng tiền cá nhân nội cũng được duy trì ở các một số nhóm cổ phiếu như dịch vụ tài chính (332 tỷ đồng), dầu khí (120 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (70 tỷ đồng),...
Tuần qua, nhóm cổ phiếu xây dựng và vật liệu có tuần giao dịch sôi động hơn với tỷ trọng giá trị giao dịch đã được cải thiện lên 10,27% toàn thị trường, cao nhất trong 10 tuần liên tiếp, chỉ số giá ngành giảm 1,42%. Trong tuần, nhóm xây dựng và vật liệu có những biến động mạnh, cả bên mua và bên bán cùng tích cực tham gia, nhiều cổ phiếu liên quan đến đầu tư công tăng điểm, tuy nhiên áp lực chốt lời xuất hiện trong phiên cuối tuần khiến nhóm này giảm điểm.
Tính từ đầu năm, xây dựng và vật liệu vẫn giảm 28,28%. Dòng tiền tập trung vào các mã VCG, CII, HHV, FCN, LCG, HBC, SCG, VGC, PC1, HUT, trong đó 5/10 mã giảm điểm trong tuần. Tuy nhiên, nhóm tăng điểm tăng mạnh hơn cho thấy có sự phân hóa trong nhóm ngành này.
Chỉ số dòng tiền tiền tích lũy vào nhóm xây dựng và vật liệu giảm nhẹ trong tuần và vẫn đang ở trong vùng thấp của 1 năm, điều này cho thấy nhóm ngành này bắt đầu có dòng tiền rút ra trong khi chỉ số giá giảm nhẹ. Chỉ số dòng tiền trong mối tương quan với thị trường tăng từ đáy 1 năm ngày 5/9, cho thấy dòng tiền giao dịch tại nhóm này tiếp tục mạnh hơn thị trường chung mặc dù tiền bị rút ra.
Ở chiều ngược lại, hoạt động rút vốn ròng diễn ra mạnh mẽ nhất ở nhóm cổ phiếu tài nguyên cơ bản với quy mô gần 282 tỷ đồng, gấp gần 3,8 lần đồng tuần trước đó. Có thể thấy NĐT cá nhân chưa ngừng chốt lời khi ngành này dù đây không khải là một trong những nhóm ngành diễn biến tiêu cực nhất trong tuần qua.
Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là thực phẩm & đồ uống (235 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (47 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (31 tỷ đồng), du lịch & giải trí (17 tỷ đồng), y tế (11 tỷ đồng),...
Tập trung gom VND, NLG, KDH
Dẫn đầu danh mục bán ròng là cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát với 277,8 tỷ đồng. Hoạt động chốt lời diễn ra trong bối cảnh HPG không có nhiều điểm nhấn, tuần qua mã này giảm gần 2,37% so với tuần trước đó. Trái ngược với các cá nhân, cổ phiếu của ông lớn ngành thép lại được cả khối ngoại và các tổ chức nội mua ròng đối ứng qua kênh khớp lệnh.
Kế đó, cá nhân trong nước cũng bán ròng 155,1 tỷ đồng cổ phiếu VNM của Vinamilk, trước khi bán ròng nhẹ hơn ở một số cổ phiếu như DGC (94,4 tỷ đồng), VIC (58,1 tỷ đồng), REE (52,8 tỷ đồng), GAS (35,6 tỷ đồng), PNJ (35,4 tỷ đồng), SAB (34,9 tỷ đồng). Hai mã cuối cùng trong Top rút ròng là VRE (33,9 tỷ đồng) và BSI (29,8 tỷ đồng).
Ở chiều mua vào, giao dịch rót vốn ròng tập trung ở cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect giá trị lên đến 234,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dòng vốn cá nhân còn tìm nhiều cổ phiếu tài chính, ngân hàng như TCB (93,5 tỷ đồng), VPB (83,6 tỷ đồng) và VCI (65 tỷ đồng).
Theo sau, lực cầu cũng được ghi nhận tại các đại diện thuộc nhóm bất động sản như NLG (229,9 tỷ đồng), KDH (182,6 tỷ đồng), CII (91,5 tỷ đồng), VHM (71,1 tỷ đồng). Hai cổ phiếu ghi nhận giao dịch cùng chiều còn có PLX (107,7 tỷ đồng) và HAH (67,7 tỷ đồng).