Tuần qua, Nvidia trình làng chip mới cho xe tự lái có tên Drive Thor. Theo thông tin mà hãng bán dẫn Mỹ công bố, chip này có khả năng cung cấp khả năng tự lái cấp độ bốn. Hiện tại, hầu hết xe tự lái trên thị trường mới chỉ đạt ở cấp độ hai và cấp độ ba, nghĩa là những ôtô trang bị Drive Thor có thể tự vận hành trong một số trường hợp mà không cần đến con người.
Nhưng điểm thú vị tại sự kiện là danh sách khách hàng của chip mới. Theo Nvidia, một trong những khách đầu tiên của Drive Thor là Zeekr - thương hiệu xe điện cao cấp của nhà sản xuất ôtô hàng đầu Trung Quốc Geely.
Sau khi Drive Thor ra mắt, không chỉ Zeekr mà nhiều CEO của các hãng sản xuất xe điện khác ở Trung Quốc đã lên tiếng khen ngợi chip mới. Một số thậm chí đánh giá khả năng AI trên chip là "chưa từng có".
Theo FT, sự đón nhận nhiệt tình với Drive Thor cho thấy sự khao khát của Trung Quốc trong việc tiếp tục sử dụng chip tiên tiến của Mỹ trong ôtô tự lái và các sản phẩm liên quan đến AI. Dù vậy, việc họ không thể tiếp tục hợp tác với doanh nghiệp chip Mỹ đang hiện rõ sau hạn chế của Washington đầu tháng này.
Huawei tiếp tục 'chiến đấu'
Theo giới chuyên gia, không có công ty nào nếm trải nỗi đau bị Mỹ cấm vận nhiều hơn Huawei. Thời gian qua, hãng đã đẩy mạnh mảng R&D, trong đó có nghiên cứu chip để không còn phụ thuộc vào các sản phẩm mang công nghệ Mỹ.
Ngày 22/9, đại diện Huawei cho biết sau thời gian gián đoạn, công ty sẽ tiếp tục phát triển chip của riêng mình, sớm nhất là cuối năm nay, đầu tiên cho các thiết bị viễn thông. Hãng đã hợp tác với nhiều nhà sản xuất trên khắp Trung Quốc, chủ yếu với các doanh nghiệp cũng đang bị Mỹ cấm vận.
Để tăng tốc mảng bán dẫn, Huawei thậm chí đã thiết kế lại các chip lõi của mình. Dù chỉ sản xuất với tiến trình 28 nanomet cũ, việc này là cần thiết bởi quá trình tạo chip dễ dàng hơn và có thể tìm các đối tác trong nước.
Huawei cũng cố gắng thu hút đồng minh quốc tế hoặc những ai đang trên hành trình tách khỏi sự phụ thuộc phương Tây. Tuần này, hãng đã chuyển sự kiện thường niên Huawei Connect qua Thái Lan thay vì tổ chức tại Trung Quốc. Sự kiện được chào đón bởi các quan chức từ Thái Lan, Indonesia, Philippines và Bangladesh - những nơi hiện dùng hạ tầng viễn thông 5G của Huawei.
Mảng chip Trung Quốc hạ nhiệt vì thiếu nhân tài
"Lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc hiện đối mặt với sự trì trệ nguồn vốn trong ngành công nghiệp bị chuyển hướng. Họ cũng đang phải thu hẹp quy mô và kế hoạch tuyển dụng ở mảng này, bất chấp sự thiếu hụt nhân tài", FT bình luận.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã cố gắng đẩy nhanh sự phát triển của lĩnh vực chip sản xuất trong nước để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ bên ngoài. Tuy nhiên, nhân sự ngành bán dẫn đang là nỗi lo lớn, dù chính phủ chi nhiều tiền lẫn ưu đãi để thu hút. Theo Hiệp hội Chất bán dẫn Trung Quốc, sự thiếu hụt về nhân công mảng chip sẽ vượt 250.000 người trong năm nay và lên 300.000 người vào năm 2025.
Theo Nikkei Asia, mảng chip được thúc đẩy với sự hỗ trợ nhiều phía từ Bắc Kinh thời gian qua. Các công ty chip của Trung Quốc đã thuê một lượng nhân công lớn. Tuy vậy, họ dường như nhanh chóng nhận thấy rằng, hầu hết trong đó có trình độ chưa cao.
Giờ đây, các công ty đã tuyển dụng rầm rộ thời gian qua lại đang cắt giảm nhân sự nhiều nhất hoặc thậm chí là phá sản, nhất là các startup. Theo số liệu thống kê từ nền tảng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Qichacha, có 3.470 công ty liên quan đến chip đã hủy đăng ký kinh doanh trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8. Con số này đã vượt qua 3.420 công ty đã đóng cửa vào năm 2021 và 1.397 công ty vào năm 2020.
Theo Zhong Lin, người sáng lập công ty thiết kế chip GSR Electronics ở tỉnh Phúc Kiến, làn sóng khởi nghiệp chip Trung Quốc đã "kết thúc". Zhong chỉ ra rằng nhiều công ty khởi nghiệp chip sẽ bị phá sản khi nguồn vốn của nhà đầu tư cạn kiệt do thiếu triển vọng lợi nhuận.
Vị thế của Việt Nam
Việt Nam hiện là một trong những điểm đến đầy hứa hẹn nếu các công ty công nghệ Mỹ rút các hoạt động sản xuất và kinh doanh khỏi Trung Quốc. Các công ty lớn như Apple hiện có hơn 20 nhà cung cấp đang đặt nhà máy tại Việt Nam, chủ yếu sản xuất AirPods và Apple Watch. Samsung cũng đặt nhiều nhà máy, sản xuất lượng lớn thiết bị cung cấp cho toàn cầu.
Dù vậy, theo FT, thế khó của Việt Nam là thiếu đi các công ty đóng vai trò là đối tác lớn trong chuỗi cung ứng. Thực tế, trong số các nhà cung cấp của Apple đã nêu, không có một cơ sở nào là của người Việt.
Việt Nam vẫn được đánh giá có tiềm năng để thay thế một phần trong làn sóng các nhà máy rời Trung Quốc. "Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có thể phát huy tiềm năng của chính mình hay không, hay chỉ như một 'nền tảng lắp ráp' được coi trọng chủ yếu nhờ lao động giá rẻ", FT bình luận.