Công nghệ

NASA chụp được bề mặt "hành tinh thứ chín" đầy núi lửa băng

Theo Sci-News, núi lửa băng là dạng núi lửa có cấu trúc giống như núi lửa bình thường trên Trái Đất nhưng thay vì hình thành từ đá nóng chảy, chúng được tạo ra bởi các chất lỏng đóng băng như amoniac là nước.

NASA chụp được bề mặt "hành tinh thứ chín" đầy núi lửa băng - 1

Hệ thống Wright Mons có thể là một hệ thống núi lửa băng cực lớn, hoạt động gần đây

Các cấu trúc "không thể tin nổi" đã được ghi lại rõ nét bởi tàu New Horizons của NASA, cho thấy các lớp địa hình ở khu vực phá Tây Nam tảng băng hình trái tim Sputnik Planitia trên Sao Diêm Vương trải qua nhiều độ tuổi khác nhau: có các khu vực tương đối cổ xưa, nhưng cũng có khu vực mang những lớp bề mặt rất trẻ.

Hình ảnh tàu vũ trụ đưa về dễ dàng cho thấy đây là khu vực có rất ít hố va chạm, tức ít bị chi phối bởi các tác động từ bên ngoài.

Những cấu trúc trẻ của nó đều do bản thân Sao Diêm Vương tự tạo nên. Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Kelsi Singer từ Viện nghiên cứu Tây Nam (SwRI - Mỹ) đã phân tích và kết luận rằng địa hình này phải được tạo nên bởi thuyết "núi lửa băng", vốn có từ lâu trong khoa học hành tinh.

Từ trước đến nay, đây là những núi lửa băng đầu tiên được chính thức xác định trong thực tế và có lẽ Sao Diêm Vương cũng là nơi duy nhất trong hệ Mặt Trời sở hữu nó.

"Thể tích tính toán được của một cấu trúc lớn được gọi là Wright Mons tương tự như thể tích của Manua Loa ở Hawaii, một trong những hệ thống núi lửa lớn nhất Trái Đất" - nhóm nghiên cứu viết trong bài công bố trên Nature Communications.

Việc tạo ra địa hình hiện tại sẽ đòi hỏi một số địa điểm phun trào và một khối lượng lớn vật chất để tạo ra một hệ thống núi lửa băng vĩ đại. Hoạt động của núi lửa băng trong khu vực này phải tương đối gần đây và chỉ ra rằng cấu trúc bên trong của Sao Diêm Vương có nhiệt dư hoặc nhiệt nhiều hơn dự đoán trước đây để thúc đẩy hoạt động núi lửa.

Phân tích này có lẽ sẽ là tin vui của NASA, bởi hoạt động địa chất là một trong những yếu tố quan trọng để một hành tinh có thể có sự sống. Trong hệ Mặt Trời, chỉ có Trái Đất và mặt trăng Io của Sao Mộc được xác nhận có hoạt động địa chất.

Trong khi đó, NASA là một trong những cơ quan luôn đấu tranh để khôi phục trạng thái "hành tinh thứ chín" cho Sao Diêm Vương, cho rằng nó có thể sở hữu đại dương ngầm dưới tảng băng hình tim danh tiếng, thậm chí là một dạng sống đặc biệt. Hành tinh lùn này từng được coi là hành tinh thứ chín cho đến khi Liên minh Thiên văn Quốc tế (IAU) "giáng cấp" nó vào năm 2006.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm