Tài chính

Doanh nghiệp xây dựng cầu đầu tiên của Việt Nam bị ngân hàng siết nợ: Kinh doanh bết bát sau khi lên sàn chứng khoán, vẫn còn nợ cổ tức từ năm 2016

VietinBank - Chi nhánh Chương Dương mới đây thông báo xử lý khoản nợ/TSBĐ của Công ty Cổ phần Cầu 12 (Cầu 12). Khoản nợ có giá trị tính đến ngày 15/03/2022 là hơn 31 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc gần 20,3 tỷ đồng, nợ lãi 7,5 tỷ đồng và lãi phạt quá hạn 3,3 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm là tài sản gắn liền với đất tại 463 Nguyễn Văn Linh, Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội. Cụ thể là toàn bộ tài sản gắn liền với đất, hạ tầng, công trình kiến trúc gắn liền trên thửa đất có diện tích 4.586 m2 (phần đất nằm ngoài chỉ giới đường quy hoạch) tại địa chỉ trên gồm: Nhà bê tông 4 tầng, diện tích xây dựng 575 m2; Nhà bê tông 3 tầng, diện tích xây dựng 268 m2; Nhà bê tông 2 tầng diện tích xây dựng 85 m2; Nhà cấp 4 diện tích xây dựng 1.206 m2.

Cầu 12 có tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Cầu 12 - Cienco 1 tiền thân là Đội chủ lực Cầu 2, được thành lập tại Mai châu, Hòa Bình ngày 17/08/1952, là đơn vị xây dựng cầu đầu tiên của Việt Nam.

Thời hoàng kim, tên tuổi của Công ty Cổ phần Cầu 12 gắn liền với hàng trăm cây cầu lớn nhỏ trên khắp cả nước và cả nước bạn Lào. Từ các cây cầu thô sơ như: Nà Phặc, Chợ Mới, Việt Trì, Trại Cau đến các cây cầu tầm cỡ, hiện đại và tiên tiến bậc nhất như Cầu quay sông Hàn, Vĩnh Tuy, Mỹ Thuận, Chà Và, Thị Lại, Cao Lãnh...

Cầu 12 có vốn điều lệ 48,5 tỷ đồng, với 3 cổ đông lớn 56,16% vốn gồm Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông nắm 19,6%, CTCP TM Nước giải khát Khánh An nắm 18,56% và CTCP Đầu tư và Vận tải Việt Nam nắm 18%.

Công ty bắt đầu đưa cổ phiếu lên giao dịch đầu tiên trên sàn UPCoM từ ngày 26/12/2016 với mã chứng khoán C12 và giá tham chiếu 20.000 đồng. Ngày 18/5/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã có quyết định tạm dừng giao dịch đối với cổ phiếu C12.

Cầu 12 không công bố báo cáo tài chính từ năm 2019 đến nay. Năm 2018, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 302 tỷ đồng, giảm hơn 70% so với 2017. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 3,4 tỷ đồng, giảm 75%. Đáng chú ý, việc hoạt động xây lắp của Cầu 12 không tạo ra lợi nhuận và phải trông cậy vào hoạt động thanh lý tài sản.

Trước đó, công ty liên tục ghi nhận tăng trưởng doanh thu trong giai đoạn 2015 - 2017 nhưng lợi nhuận bắt đầu giảm từ năm 2017.

Năm 2018, dòng tiền từ HĐKD của Cầu 12 bất ngờ dương 97 tỷ đồng. Tuy vậy, tại thời điểm 31/12/2018, khoản mục tiền và các khoản tương đương với tiền cũng chỉ ghi nhận vỏn vẹn 8,7 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả là 816 tỷ đồng, gấp 10 lần vốn chủ sở hữu.

Vào cuối năm 2018, công ty này ghi nhận nợ vay và thuê tài chính hơn 223 tỷ đồng. Trong đó, nợ VietinBank gần 53 tỷ, BIDV hơn 70 tỷ, nợ MB hơn 100 tỷ

Năm 2019, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 125 tỷ đồng và lãi sau thuế chỉ 2 tỷ đồng, giảm lần lượt 58% và 41% so với 2018. Cầu 12 từng đặt kế hoạch cao hơn với doanh thu 400 tỷ đồng và lãi sau thuế 340 tỷ đồng nhưng đã xin điều chỉnh vào cuối năm 2019.

Thời gian qua, Cầu 12 chứng kiến sự xáo trộn mạnh trong bộ máy lãnh đạo cấp cao khi một loạt thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát xin từ chức. Bên cạnh đó, công ty cũng liên tục vướng vào các lùm xùm về nợ lương người lao động và nợ tiền bảo hiểm xã hội.

Trong một động thái mới nhất, công ty này vừa thông báo tạm hoãn chi trả cổ tức năm 2016. Tại văn bản gửi cổ đông, Cầu 12 cho biết đang khó khăn về tài chính do ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid 19. Để duy trì sản xuất, công ty chưa thể thực hiện chi trả cổ tức năm 2016 cho các cổ đông được. Vì vậy công ty xin điều chỉnh lịch chi trả cổ tức năm 2016 cho các cổ đông từ ngày 29/11/2021 sang ngày 29/11/2023.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm