Bất động sản

Nam Long ghi nhận hai dự án, huy động hơn nghìn tỷ từ khách hàng trong nửa đầu năm

Doanh thu trên 1.200 tỷ, ghi nhận hai dự án Akari và Southgate

CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Theo thông tin từ doanh nghiệp, kết quả này được đóng góp từ hai dự án Akari và Southgate.

BCTC hợp nhất quý II/2022 của doanh nghiệp cho thấy, doanh thu thuần gấp 3,1 lần cùng kỳ, đạt gần 1.241 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động bán đất, căn hộ, nhà phố và biệt thự đóng góp gần 1.700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp ghi nhận gần 50 tỷ đồng lãi tiền gửi và lãi cho vay, con số này ở cùng kỳ chưa đến 17 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6/2022, Nam Long có khoảng 3.940 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng (chiếm tỷ trọng 79%).

Chi phí bán hàng của doanh nghiệp tăng mạnh từ 16,3 tỷ đồng ở cùng kỳ lên 158,2 tỷ đồng. Ở cùng kỳ năm ngoái, các hoạt động bán hàng của doanh nghiệp bất động sản nói chung đều trì hoãn do giãn cách xã hội. Sau khi bước vào giai đoạn bình thường mới, các doanh nghiệp, trong đó có Nam Long đã đẩy mạnh hoạt động mở bán trở lại.

Doanh số bán hàng của Nam Long đạt 8.410 tỷ đồng trong 2 quý đầu năm, tăng 87% so với cùng kỳ, đến từ 5 dự án gồm Mizuki Park (TP HCM), Izumi City (Đồng Nai), Akari City (TP HCM), Southgate (Long An) và Cần Thơ.

Lãi ròng trong quý II của Nam Long đạt gần 111 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ. Lũy kế nửa đầu năm, Nam Long đạt hơn 1.828 tỷ đồng doanh thu thuần, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ. Lãi ròng 6 tháng đạt hơn 111 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ do không có khoản thu nhập khác đột biến như cùng kỳ và quý đầu năm nay doanh nghiệp chỉ ghi nhận lãi ròng hơn 630 triệu đồng.

Giải thích thêm về kết quả kinh doanh thấp trong quý đầu năm, ban lãnh đạo Nam Long cho biết ban đầu doanh nghiệp dự tính lãi 200 tỷ đồng, trong đó có phần từ bán cổ phần Paragon.

Hai bên đã ký hợp đồng và đối tác đã chuyển tiền vào tài khoản phong tỏa của Nam Long. Tuy nhiên, thủ tục chuyển tên và cập nhật giấy chứng nhận đầu tư chậm hơn dự kiến nên doanh nghiệp chưa kịp ghi nhận trong quý I. 350 tỷ đồng lợi nhuận từ việc chuyển nhượng cổ phần này sẽ dời lại và được ghi nhận trong năm 2022.

Với kết quả kinh doanh nói trên, Nam Long đã thực hiện được 17,4% kế hoạch doanh thu và 9,2%% kế hoạch lợi nhuận năm.

 (Nguồn: BCTC hợp nhất quý II/2022 của Nam Long).

Huy động thêm nghìn tỷ từ khách hàng trong nửa đầu năm

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Nam Long có sự cải thiện so với giai đoạn quý II năm ngoái nhờ hoạt động kinh doanh chính lãi hơn 300 tỷ (quý II/2021 lỗ hơn 84 tỷ).

Hoạt động đầu tư cũng tích cực hơn khi dòng tiền ghi nhận trên 362 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm hơn 11 tỷ đồng).

Tính đến hết tháng 6, tổng tài sản của Nam Long trên 24.842 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với thời điểm đầu năm, chủ yếu tăng phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho nhưng không đáng kể. các khoản phải thu lớn của Nam Long hiện tại nằm ở khách hàng, đặt cọc ký quỹ và tạm ứng cho nhân viên phục vụ công tác đền bù đất.

Còn tồn kho lớn tại các dự án như Izumi (7.315 tỷ), Southgate (3.865 tỷ), Paragon Đại Phước (1.975 tỷ), Waterpoint (1.406 tỷ),…

Nợ phải trả của doanh nghiệp trên 12.070 tỷ đồng, tăng 19,6% so với đầu năm. Dư nợ vay chiếm 36,8% tổng nợ phải trả, tương đương hơn 4.440 tỷ đồng và tăng 23%. Trong đó có hơn 2.500 tỷ đồng là trái phiếu dài hạn. Trong kỳ, Nam Long đi vay hơn 2.000 tỷ và trả nợ gốc 1.232 tỷ.

 

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm