Kỹ năng sống

Đấu giá bộ sưu tập của hoàng hậu Nam Phương: Một chiếc bát được "chốt" tới 20,7 tỷ đồng

Vào ngày 17/6/2022, tại Paris (Pháp), nhà đấu giá Drouot đã tổ chức phiên đấu giá " Bộ sưu tập của Nam Phương - hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam - Mỹ thuật châu Á". Phiên đấu giá đã diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Trong đó, có một cổ vật mang dấu triện của vua Tự Đức được đánh giá là món đồ "khơi dậy lòng thèm muốn" của nhiều người quan tâm tới buổi đấu giá. Đó chính là chiếc bát ngọc của vua Tự Đức. Chiếc bát này nằm trong bộ sưu tập của hoàng hậu Nam Phương do bà sưu tầm lúc sinh thời. Sau đó, bộ sưu tập của hoàng hậu đã được truyền lại cho công chúa Phương Mai, con gái của bà.

Đấu giá bộ sưu tập của hoàng hậu Nam Phương: Một chiếc bát được chốt tới 20,7 tỷ đồng - Ảnh 1.

Chiếc bát ngọc của vua Tự Đức, nằm trong bộ sưu tập của Hoàng hậu Nam Phương. (Ảnh: Gazette Drouot)


Hoàng hậu Nam Phương là hoàng hậu của hoàng đế Bảo Đại thuộc triều nhà Nguyễn. Bà cũng là hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến trong lịch sử Việt Nam. Việc được tấn phong làm hoàng hậu ngay sau ngày cưới khiến bà trở thành một trong ba vị hoàng hậu nhà Nguyễn mang tước vị hoàng hậu ngay khi còn sống.

Theo sách Souverains et notabilites d'Indochine do chính quyền Đông Dương soạn và sách Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc biên soạn, hoàng hậu Nam Phương tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, mỹ nhân tài sắc vẹn toàn của vùng đất Gò Công, Tiền Giang. Bà được vua Bảo Đại tấn phong ngôi hoàng hậu triều Nguyễn vào năm 1934. Bà có tất cả 5 người con. Năm 1947, bà cùng các con sang Pháp và sống ở đây đến cuối đời.

Đấu giá bộ sưu tập của hoàng hậu Nam Phương: Một chiếc bát được chốt tới 20,7 tỷ đồng - Ảnh 2.

Chiếc bát có khắc nổi hình 2 con rồng với viền bằng vàng. (Ảnh: Gazette Drouot)

Theo những thông tin được chia sẻ trên website của Drouot, chiếc bát ngọc của vua Tự Đức được làm bằng ngọc bích, đường kính 14,5 cm; cao 6,2 cm. Trên thân bát khắc nổi 2 con rồng đang bay lượn với xung quanh là mây, viền bát làm bằng vàng. Đáy của bát có khắc dấu chữ triện với nội dung là "Tự Đức niên tạo".

Đấu giá bộ sưu tập của hoàng hậu Nam Phương: Một chiếc bát được chốt tới 20,7 tỷ đồng - Ảnh 3.

Chữ khắc dưới đáy bát có nội dung là "Tự Đức niên tạo. (Ảnh: Gazette Drouot)

Ban đầu, nhà đấu giá Drouot đưa ra dự đoán rằng bát ngọc của vua Tự Đức sẽ bán được với mức giá 30.000 – 50.000 Euro (Khoảng 735 triệu tới 1,2 tỷ VND).

Tuy nhiên, sau nhiều lần trả giá, tác phẩm này đã được 1 nhà sưu tập mua với giá lên tới 845.000 Euro (khoảng 20,7 tỷ VND). Mức giá này đã khiến cho nhiều chuyên gia cũng như người tham gia đấu giá cảm thấy bất ngờ.

Nhiều vật phẩm quý giá

Bộ sưu tập của hoàng hậu Nam Phương còn có những món đồ đặc biệt khác được trả giá rất cao.

Vật phẩm đạt mức giá bán cao thứ hai sau bát ngọc bích là một chiếc nghiên mực của vua Khải Định . Chiếc nghiên này có xuất xứ từ cung An Định ở Huế. Thông tin từ nhà đấu giá Drouot cho biết nghiên mực này được làm bằng ngọc thạch trắng tinh khiết. Phần nắp của nghiên mực được chạm trổ hình lá và hoa súng và khắc chữ "Bảo vật của học giả triều đinh".

Phần nghiên đựng có một phần lõm xuống được dùng để đựng mực. Chiếc nghiên đặt trên một chiếc đế có chạm trổ nhiều bông hoa sen. Phía dưới đáy nghiên được khắc dòng chữ "Vào năm Khải Định thứ tư (1916 – 1925), Tuyên Hoàng đã bán một nghiên ngọc thạch trắng với giá 120 lạng bạc. Nó được đặt trong phủ cung An Định". Chiếc nghiên được bán với giá 286.000 Euro (khoảng hơn 7 tỷ VND).

Đấu giá bộ sưu tập của hoàng hậu Nam Phương: Một chiếc bát được chốt tới 20,7 tỷ đồng - Ảnh 4.

Chiếc nghiên mực làm từ ngọc thạch trắng được bán với giá hơn 7 tỷ đồng. (Ảnh:Gazette Drouot)

Ngoài ra, một cặp hộp làm từ ngọc bích có hình động vật với đôi mắt khảm bằng đá màu đen đã được bán với mức giá 221.000 Euro. Người đại diện của nhà đấu giá cho biết cặp hộp ngọc bích này là cổ vật thuộc thế kỷ 18,19.

Đấu giá bộ sưu tập của hoàng hậu Nam Phương: Một chiếc bát được chốt tới 20,7 tỷ đồng - Ảnh 5.

Cặp hộp đựng từ ngọc bích được bán với giá 221.000 Euro. (Ảnh:Gazette Drouot)

Bên cạnh đó, những vật phẩm được đấu giá thành công còn có hai tách trà men xanh lam với hình ảnh 2 con rồng 5 móng bay trên mây cùng với họa tiết tổ ong. Hai món cổ vật này có từ thời vua Thiệu Trị (1841 – 1847) này được bán ở mức giá 104.000 Euro (khoảng 2,6 tỷ đồng).

Và, sáu chiếc bát sứ hình tròn được trang trí bằng hình rồng vẽ men màu lam. Những chiếc bát này cũng thuộc thời vua Thiệu Trị. Chúng được một nhà sưu tập mua với giá 91.000 Euro (khoảng 2,2 tỷ đồng).

Cặp vật phẩm cũng bằng men lam khác là hai bát sứ hình tròn với hoa văn hình rồng năm ngón và mây. Dưới đáy bát có viết chữ "nhật" có nghĩa là đồ thường dùng trong hoàng cung. Được biết, hai chiếc bát này thuộc thời vua Minh Mạng (1783 – 1868) và được bán với giá 78.000 Euro (1,9 tỷ VND).

Đấu giá bộ sưu tập của hoàng hậu Nam Phương: Một chiếc bát được chốt tới 20,7 tỷ đồng - Ảnh 6.

Hình ảnh cận cảnh của 2 bát trà men lam. (Ảnh:Gazette Drouot)


Đấu giá bộ sưu tập của hoàng hậu Nam Phương: Một chiếc bát được chốt tới 20,7 tỷ đồng - Ảnh 7.

Sáu chiếc bát sứ tròn men lam. (Ảnh:Gazette Drouot)


Đấu giá bộ sưu tập của hoàng hậu Nam Phương: Một chiếc bát được chốt tới 20,7 tỷ đồng - Ảnh 8.

Hai bát sứ men lam hình tròn với hoa văn hình rồng năm ngón và mây. (Ảnh: Gazette Drouot)

Bộ 4 chiếc bình pha lê đựng nước hiệu Baccarat. Đây là món quà của chính phủ Pháp đặt làm quà tặng cho đám cưới của vua Bảo Đại và Hoàng Hậu Nam Phương vào năm 1934. 4 chiếc bình này nằm trong bộ sưu tập của công chúa Phương Mai, kế thừa lại từ Hoàng Hậu Nam Phương. Một nhà sưu tập đã mua 4 chiếc bình pha lê này với giá 26.000 Euro (khoảng 650 triệu đồng).

Đấu giá bộ sưu tập của hoàng hậu Nam Phương: Một chiếc bát được chốt tới 20,7 tỷ đồng - Ảnh 9.

4 bình nước pha lê đựng nước hiệu Baccarat. (Ảnh: Gazette Drouot)

Không chỉ có cổ vật, phiên đấu giá còn có một số tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Trong đó, bức "Cảnh chợ Đông Dương" với nguồn gốc từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương những năm 1930-1940 được bán với giá 88.4000 Euro (khoảng 2,17 tỷ đồng). Bức tranh này được vẽ bằng chất liệu bột màu trên lụa với kích thước 78x99 cm.

Đấu giá bộ sưu tập của hoàng hậu Nam Phương: Một chiếc bát được chốt tới 20,7 tỷ đồng - Ảnh 10.

Bức tranh "Cảnh chợ Đông Dương" được đấu giá với mức 2,17 tỷ đồng. (Ảnh: Gazette Drouot)

Được biệt, nhà đấu giá Drouot được thành lập từ năm 1852 và là một trong những nhà đấu giá lớn ở Paris (Pháp). Nhà đấu giá chuyên đấu giá các đồ mỹ nghệ, cổ vật và tác phẩm nghệ thuật. Hiện Drouot có tới 15 văn phòng đấu giá cùng với nền tảng trực tuyến, chào bán hàng triệu vật phẩm, thu hút khoảng 3.000 người tham gia mỗi ngày. Các thông tin về các phiên đấu giá sẽ được đăng trên Gazette Drouot - tạp chí về thị trường nghệ thuật và di sản của Drouot trên cả bản giấy và online.

*Bài viết được tổng hợp từ Gazette Drouot, Newsbeezer.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm