Thời sự

VCCI: Nên cho phép nộp phí sử dụng đường bộ trực tuyến, người dân nhận tem qua email

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý về dự thảo Nghị định quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ do Bộ Tài chính ban hành.

Một điểm mới trong dự thảo của Bộ Tài chính là việc người dân, doanh nghiệp có thể nộp phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện theo năm hoặc theo tháng đối với doanh nghiệp vận tải có chi phí lớn, thay vì chỉ được phép nộp theo chu kỳ đăng kiểm.

Theo quy định hiện tại, xe ô tô đã sản xuất đến 7 năm thì chu kỳ kiểm định định kỳ là 18 tháng, xe ô tô đã sản xuất trên 7 năm đến 12 năm thì chu kỳ kiểm định định kỳ là 12 tháng, xe ô tô chở đã sản xuất trên 12 năm thì chu kỳ kiểm định định kỳ là 6 tháng. 

VCCI đánh giá sự thay đổi này là rất cần thiết, tuy nhiên theo đơn vị này hiện vẫn còn bất cập trong quy định về hình thức nộp phí sử dụng đường bộ.

Cụ thể, khi cho phép đầu phương tiện nộp phí sử dụng đường bộ theo năm hoặc theo tháng (đối với doanh nghiệp vận tải có chi phí lớn) thì việc dự thảo vẫn quy định hình thức thu phí duy nhất là chủ phương tiện phải đến đơn vị đăng kiểm để nộp tiền và được cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ là bất hợp lý.

Theo VCCI, trước đây người dân phải đến đăng kiểm và kết hợp nộp phí sử dụng đường bộ thì có thể áp dụng duy nhất hình thức nộp trực tiếp.

Tuy nhiên, theo quy định mới, người dân có thể chỉ nộp phí sử dụng đường bộ mà không đăng kiểm, vì vậy, quy định này gây tốn kém thời gian, chi phí cho chủ phương tiện, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhu cầu nộp phí theo năm hoặc theo tháng.

Cũng như tốn kém chi phí hành thu tại các trung tâm đăng kiểm chi phí nhân sự thu, đếm, trả tiền thừa, xuất biên lai, hoá đơn, chi phí sử dụng tiền mặt và nguy cơ sai sót, nhầm lẫn, VCCI cho biết.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang rất nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực công, trong đó có vấn đề thanh toán điện tử đối với các khoản thu nộp ngân sách và dịch vụ hành chính công.

Theo dự thảo Nghị định quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ, mức thu phí áp dụng cho ô tô (trừ xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng) chia làm 8 nhóm theo tải trọng và ghế ngồi của xe: Từ 130.000 đồng/tháng đến 1.430.000 đồng/tháng;

Xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng chia làm 2 nhóm: xe ô tô con mức 1.000.000 đồng/năm; xe tải, xe khách: 1.500.000 đồng/năm (phí sử dụng đường bộ nộp cho xe ô tô của công an, quốc phòng do Ngân sách Nhà nước đảm bảo).

Về cách tính và thu phí: Xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng nộp phí cho toàn bộ xe ô tô mình quản lý 1 lần/năm; xe ô tô còn lại nộp theo: chu kỳ đăng kiểm hoặc theo năm dương lịch. Nộp theo tháng áp dụng đối với doanh nghiệp có số phí phải nộp từ 30 triệu đồng trở lên.

Đề xuất mở cổng thanh toán trực tuyến, nhận tem qua email

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm các hình thức thu phí sử dụng đường bộ không dùng tiền mặt, bên cạnh hình thức thu phí tại các đơn vị đăng kiểm như hiện nay nhằm tạo thêm sự lựa chọn thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Đối với vấn đề thanh toán điện tử, VCCI cũng đề xuất cách làm cụ thể là Cục Đăng kiểm mở cổng thanh toán trực tuyến, cho phép người dân và doanh nghiệp tra cứu và nộp phí sử dụng đường bộ qua cổng này mà không cần phải đến các đơn vị đăng kiểm.

Sau khi chủ phương tiện đã nộp phí, Cổng thanh toán gửi mẫu Tem nộp phí sử dụng đường bộ cho chủ phương tiện qua email. Chủ phương tiện tự in và dán tem lên phương tiện của mình. Trên mỗi tem có mã QR để xác thực khi cần thiết.

Lực lượng Cảnh sát giao thông khi dừng phương tiện để kiểm tra có thể quét mã QR, đối chiếu với cơ sở dữ liệu để xem tem đó là thật hay giả. Đồng thời, bổ sung quy định xử phạt thật nặng trường hợp sử dụng tem giả vào Nghị định xử phạt vi phạm hành chính.

Ngoài ra, một hệ thống như vậy có thể cho phép thực hiện các thủ tục hành chính như xin miễn giảm phí sử dụng đường bộ theo cấp độ 4, tạo sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Cơ quan soạn thảo, hiện nay chi phí hành thu đối với phí sử dụng đường bộ mỗi năm khoảng hơn 120 tỷ đồng và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo. Hệ thống thu phí trực tuyến như trên có thể giúp tiết kiệm một phần chi phí này.

Quan trọng hơn, cơ chế này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và tăng sự lựa chọn cho người dân và doanh nghiệp. 

Đề xuất hàng loạt biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải

Bên cạnh những cải cách về thủ tục hành chính, Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cũng đang đề xuất hàng loạt phương án hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vận tải.

Cụ thể, Cục ĐBVN đã đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Bộ Tài chính giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách; giảm 10% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hàng hoá. Thời gian thực hiện đến hết năm 2022. 

Bên cạnh đó, Cục cũng đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp vận tải,...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm