Thời sự

Nam Định đặt mục tiêu GRDP bình quân tăng 9,5%/năm, cần 775.000 tỷ đồng để thực hiện

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 816 ngày 9/8 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để xây dựng lộ trình tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Quy hoạch tỉnh.

Với các các dự án đầu tư công, Nam Định ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng.

Đặc biệt, tỉnh sẽ chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng cấp điện, nước; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại bốn trung tâm đô thị lớn được xác định trong Quy hoạch tỉnh, huy động nguồn lực tập trung xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Ninh Cơ theo quy hoạch chung.

TP Nam Định, tỉnh Nam Định (Ảnh: Cục Thống kê tỉnh Nam Định).

Các ngành, lĩnh vực tỉnh sẽ ưu tiên thu hút đầu tư gồm: Xây dựng các công trình cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa, hạ tầng logistics, cảng cạn; Xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Các dự án đầu tư phát triển vùng kinh tế biển, ven biển; Xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Các dự án xây dựng hạ tầng thương mại - dịch vụ hiện đại...

Trong đó, Nam Định chú trọng ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao; dự án sử dụng lao động trình độ cao; dự án tạo nguồn thu ngân sách lớn và ổn định.

Bên cạnh đó, khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu quốc gia và toàn cầu, có năng lực tài chính mạnh, có khả năng đầu tư lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ. 

Để thu hút đầu tư phát triển, tỉnh này sẽ chú trọng việc thông qua các doanh nghiệp FDI đã đầu tư thành công trên địa bàn tỉnh để quảng bá về tiềm năng và cơ hội đầu tư tới cộng đồng doanh nghiệp nước sở tại, xây dựng được thương hiệu đầu tư vào Nam Định trong cộng đồng doanh nghiệp FDI.

Song song với đó, tiếp tục kêu gọi thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, điện tử, chế biến nông sản, cơ khí chế tạo; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các khu du lịch, khu, cụm công nghiệp...

Cần 775.000 tỷ đồng để thực hiện Quy hoạch

Ngày 28/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, tỉnh này đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 9,5%/năm, GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 160 - 180 triệu đồng. Để thực hiện điều này, Nam Định dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 775.000 tỷ đồng. 

Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025 cần 266.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn khu vực nhà nước khoảng 58.000 tỷ đồng, vốn khu vực ngoài nhà nước khoảng 192.000 tỷ đồng và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 16.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 2026 - 2030 cần 509.000 tỷ đồng, gồm vốn khu vực nhà nước khoảng 81.000 tỷ đồng, vốn khu vực ngoài nhà nước khoảng 361.000 tỷ đồng và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 66.000 tỷ đồng

(Nguồn: Cổng TTĐT Chính phủ).

Theo Quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trung tâm phát triển quan trọng của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng.

Các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh được tổ chức theo mô hình "ba vùng động lực, 4 cực tăng trưởng, 5 hành lang kinh tế" nhằm thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phát huy đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh, phát triển đột phá khu vực kinh tế biển và ven biển, đưa khu vực ven biển trở thành một trọng tâm phát triển của tỉnh.

Trong đó, ba vùng kinh tế động lực gồm: Vùng đô thị TP Nam Định mở rộng; Vùng nông nghiệp - nông thôn (các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh); Vùng kinh tế biển (các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường).

4 trung tâm đô thị động lực là: Đô thị trung tâm với thành phố Nam Định mở rộng là hạt nhân và các đô thị đối trọng, vệ tinh (thị trấn Nam Giang và đô thị Cao Bồ); Trung tâm đô thị Thịnh Long - Rạng Đông (thị trấn Rạng Đông, thị trấn Quỹ Nhất, thị trấn Thịnh Long và khu kinh tế Ninh Cơ); Trung tâm đô thị Cao Bồ (gồm thị trấn Lâm, đô thị 4 xã và thị trấn Bo thuộc huyện Ý Yên); Trung tâm đô thị Giao Thủy (thị trấn Quất Lâm, thị trấn Giao Thủy, đô thị Đại Đồng).

5 hành lang kinh tế là: Hành lang quốc lộ 10 (TP Nam Định - Cao Bồ); Hành lang cao tốc Bắc Nam nối dài (Hà Nội - Cao Bồ - Rạng Đông); Hành lang kinh tế ven biển (Nghĩa Hưng - Hải Hậu - Giao Thủy); Hành lang quốc lộ 21 và tuyến đường từ TP Nam Định - Xuân Trường - Giao Thủy; Hành lang tuyến cao tốc CT.08 (Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng).

Tầm nhìn đến 2050, Nam Định trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng, có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm