Công nghệ

Mỹ cấm vận nhà sản xuất máy chủ AI lớn nhất Trung Quốc

Công ty này cùng với đơn vị nghiên cứu di truyền học BGI và nhà phát triển chip Loongson là ba trong số những cái tên gây chú ý nhất bị liệt vào danh sách đen tuần này với lý do "đi ngược lại với lợi ích chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia Mỹ".

Inspur từng suýt bị Mỹ cấm vận thương mại từ 2020 vì "có liên quan đến quân đội Trung Quốc", nhưng sau đó được loại khỏi danh sách.

Inspur là nhà sản xuất máy chủ lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: Inspur

Inspur là nhà sản xuất máy chủ lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: Inspur

Có trụ sở đặt tại Sơn Đông, Inspur là nhà cung cấp máy chủ AI chính cho hãng dịch vụ tìm kiếm Baidu, cũng như đang hợp tác chiến lược với Alibaba Cloud và Tencent Holdings. Sản phẩm của họ cũng hiện diện trong nhiều hạ tầng quan trọng của Trung Quốc như nhà mạng China Mobile và những doanh nghiệp nhà nước khác.

Theo SCMP, động thái mới của Mỹ sẽ khiến Inspur ngày càng khó khăn trong việc tìm nguồn linh kiện từ các đối tác. Trong tương lai, lệnh cấm có thể cản trở nghiêm trọng sự phát triển sức mạnh máy tính, đặc biệt là về nghiên cứu AI - công nghệ đang được nhiều doanh nghiệp Trung Quốc theo đuổi.

Xiang Ligang, người sáng lập cổng thông tin viễn thông CCTime, đánh giá lệnh trừng phạt là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Mỹ muốn tiếp tục giáng một đòn đau vào sức mạnh điện toán của Trung Quốc. "Inspur là công ty máy chủ quan trọng đối với Trung Quốc. Mỹ đang cố gắng chặn sự gia tăng sức mạnh điện toán tại đây", Ligang nói với SCMP.

Trung Quốc nâng mức tự chủ bán dẫn

Trong khi đó, theo Tân Hoa Xã, trong một hội nghị chuyên đề với các lãnh đạo doanh nghiệp ngày 2/3 tại Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Liu He nhấn mạnh Trung Quốc duy trì cách tiếp cận "toàn quốc gia" đối với ngành công nghiệp bán dẫn.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ngày 17/1. Ảnh: EPA-EFE

Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ngày 17/1. Ảnh: EPA-EFE

Ông He cho biết ngành bán dẫn có mối liên quan cốt lõi với các hệ thống công nghiệp hiện đại, có ý nghĩa quan trọng với an ninh quốc gia và tiến trình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc. Chính phủ sẽ đặt ra các mục tiêu phát triển thiết thực cho ngành và giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn.

Về thu hút nhân tài, ông He khẳng định nước này sẽ đối xử bình đẳng với các chuyên gia nước ngoài như trong nước. Đến 2024, ngành bán dẫn Trung Quốc sẽ cần khoảng 800.000 nhân lực.

Theo SCMP, dù không nhắc đến các lệnh cấm, phát biểu của ông He cho thấy Trung Quốc đang bày tỏ mối lo ngại trước động thái siết chặt từ Mỹ - hành động mà họ tin là nhằm ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực chip.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm