Công nghệ

"5G Viettel nhiều lợi thế cạnh tranh toàn cầu"

Tại Hội nghị Di động thế giới (MWC) 2023 diễn ra từ 27/2 đến 2/3, Tập đoàn Viettel và Qualcomm đã công bố nghiên cứu, sản xuất thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G sử dụng chipset ASIC theo tiêu chuẩn Open RAN.

Ông Durga Malladi, Phó chủ tịch cấp cao, kiêm Tổng giám đốc 5G, cho biết hợp tác 5G giữa Qualcomm và Viettel trong việc phát triển các giải pháp theo chuẩn Open RAN sẽ giúp các nhà mạng trên thế giới triển khai mạng 5G dễ dàng hơn.

Ông Durga Malladi, Tổng giám đốc 5G Qualcomm. Ảnh: Viettel

Ông Durga Malladi, Phó chủ tịch cấp cao kiêm Tổng giám đốc 5G Qualcomm. Ảnh: Viettel

- Viettel và Qualcomm công bố hợp tác sản xuất thành công trạm phát sóng 5G tại MWC. Ông có chia sẻ gì về thành tựu này?

- Đây là trạm phát sóng 5G đầu tiên trên thế giới sử dụng chip ASIC của Qualcomm theo chuẩn Open RAN. Sự hợp tác giữa 2 bên trong việc phát triển các giải pháp theo chuẩn Open RAN sẽ giúp các nhà mạng trên thế giới triển khai mạng 5G dễ dàng hơn cũng như người dùng có được những trải nghiệm mới.

Thông qua đó, Qualcomm mong muốn góp phần phổ cập nền kinh tế số, tạo ra cách mạng trong nhiều ngành nghề, đem đến trải nghiệm hoàn toàn mới. Qualcomm Technonologies thúc đẩy quá trình tiến hóa xã hội bằng việc tạo ra một thế giới mà ở đó, mọi người và vạn vật được đều được kết nối với nhau.

Ông Tào Đức Thắng, Tổng giám đốc Viettel (phải) và ông Durga Malladi tại Hội nghị Di động thế giới. Ảnh: Viettel

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel (phải) và ông Durga Malladi tại Hội nghị Di động thế giới vừa diễn ra tại Tây Ban Nha. Ảnh: Viettel

- Đánh giá của ông tiềm năng của sản phẩm 5G này?

- Nhu cầu từ các nhà mạng trên khắp thế giới đối với sản phẩm tuân theo tiêu chuẩn Open RAN rất lớn, bởi giải pháp này giúp họ triển khai mạng lưới một cách dễ dàng và tốn ít chi phí hơn.

Viettel có kinh nghiệm vừa là nhà sản xuất vừa là nhà mạng, là công ty hàng đầu trong lĩnh vực giải pháp hạ tầng 5G, còn Qualcomm là chuyên gia về công nghệ 5G. Hai bên có cùng tầm nhìn trong việc phổ cập hóa công nghệ 5G. Sự kết hợp đó sẽ tạo ra những giải pháp private network, giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu suất vận hành công việc.

- Ông nghĩ gì về tham vọng thương mại hóa các sản phẩm 5G trên quy mô lớn của Viettel?

- Viettel có một danh mục đầy đủ các giải pháp, tạo nên một mạng 5G hoàn chỉnh, từ Khối vô tuyến, Khối xử lý dữ liệu, Mạng lõi, Hệ thống tính cước, Gateways... Các giải pháp này đã được triển khai thực tế và đang phục vụ hàng triệu người dùng rồi.

Ngoài ra, giải pháp mà Viettel và Qualcomm đồng phát triển có ưu thế về giá thành hợp lý cũng như hiệu năng cao. Với các lợi thế đo, tôi thấy không có lý do gì mà Viettel không thể thành công trong việc đưa giải pháp của mình đến với các nhà mạng và các doanh nghiệp trên thế giới ở quy mô lớn.

Viettel đã là một nhà mạng toàn cầu. Với tư cách là một nhà sản xuất thiết bị 5G, tập đoàn cũng đã tạo dựng được một vị thế tốt. Tôi tin tưởng Viettel sẽ thành công trong tương lai. Qualcomm sẽ mang đến những công nghệ tốt nhất để đồng hành cùng đối tác trong hành trình này.

Khu vực trưng bày các thiết bị 5G của Viettel tại Hội nghị Di động thế giới. Ảnh: Viettel

Khu vực trưng bày các thiết bị 5G của Viettel tại Hội nghị Di động thế giới. Ảnh: Viettel

- Điều gì khiến hai bên duy trì sự hợp tác suốt 15 năm qua?

- Ban đầu chúng tôi hợp tác với Viettel ở các dự án thiết kế và tối ưu mạng lưới. Sau đó Viettel trở thành một trong những đối tác nghiên cứu sản xuất thiết bị (licensee) đầu tiên của Qualcomm ở Đông Nam Á và mở rộng sang các dự án nghiên cứu chế tạo như: USB 3G, Thiết bị WiFi, Thiết bị IoT, Điện thoại thông minh, Camera trí tuệ nhân tạo 5G, và bây giờ là Trạm phát sóng 5G. Độ phức tạp về mặt công nghệ ngày càng tăng đối với các sản phẩm kể trên.

Hiện Viettel đã có một danh mục đa dạng các sản phẩm công nghệ cao sẵn sàng để thương mại hóa và đi vào thực tiễn. Sau 15 năm hợp tác, Viettel đã có một vị thế hoàn toàn khác trên thị trường công nghệ.

- Đâu là lợi thế để các nhà mạng Việt tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, thưa ông?

- Triển khai được hạ tầng 5G tốt không phải là điều dễ dàng đối với các nhà mạng và các nhà sản xuất thiết bị. Ngày càng khó để đạt được sự cân bằng giữa các yếu tố: dung lượng lớn, độ trễ thấp, giá thành hợp lý.

Để nâng cao tính cạnh tranh và trở thành một nhà cung cấp tên tuổi trên thế giới, Viettel cần không ngừng cải tiến sản phẩm của mình và tập trung vào các yếu tố then chốt: hiệu năng cao (high performance), tuân theo chuẩn Open RAN, mức tiêu thụ năng lượng thấp, ảo hóa và thiết kế từ gốc trên cloud (virtualized, cloud-native). Dự án hợp tác giữa Viettel và Qualcomm cũng sẽ tập trung vào các yếu tốt then chốt kể trên.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm