Xu hướng giảm điểm tiếp tục được duy trì trong phiên đầu tuần, kéo dài chuỗi giảm điểm của VN-Index lên 5 phiên liên tiếp. Sau khi chạm vùng 1.020, chỉ số đã trở nên cân bằng khi xuất hiện lực cầu giá thấp, diễn biến này cũng giúp VN-Index hồi phục trong hai phiên ngày 28/2 và 1/3.
Tuy nhiên nhịp hồi phục đã suy yếu khi chỉ số tiến sát ngưỡng 1.040 do tâm lý ngại mua giá cao của nhà đầu tư. VN-Index sau đó lùi về chốt tuần tại 1.024,77, giảm 14,79 điểm, tương đương giảm 1,42% so với tuần trước.
Thanh khoản trên toàn thị trường bình quân chỉ đạt 8.723 tỷ đồng/phiên, giảm 32,4% so với tuần trước. Đây cũng là mức thanh khoản thấp nhất (theo tuần) kể từ tháng 11/2020.
Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng đến VN-Index gọi tên các đại diện từ nhóm bất động sản (VHM, VRE, VIC), thực phẩm & đồ uống (MSN, VNM), ngân hàng (CTG, BID, HDB, TCB) và du lịch & giải trí (VJC). Điều này cho thấy trong tuần áp lực bán có dấu hiệu lan tỏa trên diện rộng. Chiều tăng điểm, dẫn đầu là 3 mã VCB, HVN và SAB nhưng tổng mức ảnh hưởng chỉ 1,4 điểm.
Trong tuần qua, khối ngoại bán ròng 5/5 phiên trên HOSE với tổng giá trị đạt gần 1.200 tỷ đồng. VHM, HPG và SSI là 3 cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với giá trị lần lượt 179,2 tỷ đồng, 168 tỷ đồng và 163,1 tỷ đồng. Trong khi đó chiều mua ròng dẫn đầu là VNM và MBB với giá trị lần lượt 109,2 tỷ đồng và 60,1 tỷ đồng.
Tại HNX, khối ngoại duy trì mua ròng hơn 40 tỷ đồng, qua đó đẩy quy mô gom ròng từ đầu năm lên hơn 690 tỷ đồng.
Về giá trị cụ thể, cổ phiếu IDC tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại với quy mô mua ròng đạt hơn 15,8 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động giải ngân tìm đến một số cổ phiếu như TNG (15,7 tỷ đồng), HUT (2,4 tỷ đồng), PVI (1,8 tỷ đồng), PLC (1,6 tỷ đồng), ...
Tại chiều bán ròng, giao dịch rút vốn tập trung ở cổ phiếu NVB dẫn đầu danh mục rút vốn với quy mô hơn 2,1 tỷ đồng. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng bán ròng dưới 1 tỷ đồng các mã VCS, IVS, THD, INN, ...
Thị trường UPCoM chứng kiến giao dịch của khối ngoại nghiêng nhẹ về bên mua với giá trị vào ròng đạt gần 87 tỷ đồng.
Tại chiều mua, cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi và MML của Masan MEATLife dẫn đầu danh mục rót ròng với quy mô 2,3 tỷ đồng. Danh mục giải ngân của khối ngoại còn có các đại diện như BSR (1,6 tỷ đồng), PHP (1,3 tỷ đồng), QTP (1,2) tỷ đồng), ...
Ở phía ngược lại, khối ngoại chủ yếu bán ròng hơn 10,7 tỷ đồng cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, danh mục rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài còn có sự góp mặt của VTP (4,3 tỷ đồng), ACV (4,3 tỷ đồng), SIP (0,4 tỷ đồng), CST (0,3 tỷ đồng), ...
Nhìn chung, thị trường trong nước khép lại tuần giảm thứ hai liên tiếp với mức thanh khoản thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2020.
Dòng tiền nội bắt đáy tỏ ra khá thận trọng trong khi khối ngoại vẫn duy trì mạch bán ròng sang tuần thứ ba liên tiếp. Lần lượt các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ được dòng tiền ưu tiên nhưng không quá một phiên như đầu tư công, sản xuất điện, dầu khí, thép, …
Theo nhóm phân tích của Chứng khoán MB (MBS), bối cảnh trong nước hiện không có thông tin hỗ trợ trong khi dòng tiền ngoại nhiều khả năng vẫn còn tiếp tục bán ròng, xu hướng bán ròng đang diễn ra không chỉ ở thị trường Việt Nam mà ở cả nhiều thị trường Đông Nam Á và Bắc Á.
Về kỹ thuật, VN-Index có thể kiểm tra ngưỡng tâm lý 1.000 điểm khi thanh khoản tiếp tục xuống thấp hơn và người bán phải hạ giá để tìm kiếm lực cầu mua dài hạn.