“Chờ đợi”… Đó là tâm trạng chung của hàng nghìn bệnh nhân nặng tại các bệnh viện tuyến cuối. Nhiều người trong số họ đang ở lằn ranh của sự sống và cái chết, nhưng không biết đến bao giờ mới được đến lượt chữa trị bệnh khi mà hầu hết các bệnh viện công từ tuyến huyện, tỉnh đến trung ương đều rơi vào tình trạng thiếu thiết bị,...
Tình trạng vật tư, thiết bị y tế đắp chiếu trong kho; sinh phẩm y tế dồi dào trên thị trường trong và ngoài nước, nhưng hàng loạt bệnh viện lại đang thiếu khẩn cấp các thiết bị, hóa chất, vật tư phục vụ công tác khám chữa bệnh. Hàng loạt công trình, dự án ì ạch, chậm tiến độ tại các địa phương nhiều năm nay không xử lý được trong khi nguồn lực về vốn, tài nguyên không thiếu... đang gây ra hệ luỵ vô cùng lớn ở nhiều lĩnh vực, dẫn tới sự trì trệ, vướng mắc, cản trở sự phát triển chung.
Đâu là nguyên nhân của tình trạng này và cần có những giải pháp để tháo gỡ ? Trả lời những câu hỏi này, nhóm phóng viên Ban Thời sự, VOV đã thực hiện Loạt bài “Thuốc nào trị bệnh sợ sai? VOV.VN đăng phần 1 của loạt bài có nhan đề: “ CHỜ CƠ CHẾ - ĐỢI THÔNG TƯ ”.
Người bệnh chờ đợi ở Bệnh viện Việt Đức
“Tôi ở tỉnh Điện Biên xuống bệnh viện Việt Đức, Hà Nội được 12 ngày rồi mà chưa được mổ, bác sĩ nói chờ.
Giờ phải chờ mới được mổ. Người bệnh đã bị đau đớn rồi, nhưng cứ chờ đợi tâm lý còn nặng nề hơn. Mong muốn bệnh viện có thêm trang thiết bị để phục vụ người dân.
Bộ Y tế làm sao có vật tư, trang thiết bị y tế cho nhanh để điều trị cho người bệnh. Chúng tôi là nông dân khó khăn khỏi phải chờ đợi. Càng chờ đợi bao nhiêu chúng tôi càng xót ruột bấy nhiêu”.
“Chờ đợi”… Đó là tâm trạng chung của hàng nghìn bệnh nhân nặng tại các bệnh viện tuyến cuối. Nhiều người trong số họ đang ở lằn ranh của sự sống và cái chết, nhưng không biết đến bao giờ mới được đến lượt chữa trị bệnh khi mà hầu hết các bệnh viện công từ tuyến huyện, tỉnh đến trung ương đều rơi vào tình trạng thiếu hóa chất xét nghiệm, thiếu thiết bị, vật tư y tế và thuốc điều trị bệnh. Thậm chí tại các bệnh viện tuyến cuối đang thiếu cả những vật tư y tế rất phổ thông như kim luồn, ống thông... cho tới những loại máy móc thiết bị đặc chủng, chuyên biệt.
Nghịch lý ở chỗ, những loại vật tư này luôn có sẵn ở bất kỳ cửa hàng thiết bị y tế nào bên ngoài cổng bệnh viện. Còn những loại thiết bị đặc chủng như hệ thống Gamma knife, máy Pet CT cộng hưởng từ, xạ phẫu, robot... hàng trăm tỷ đồng trong khi không có để sử dụng phục vụ bệnh nhân thì lại đang “đắp chiếu” hàng năm nay trong các kho của các bệnh viện từ Bắc vào Nam.
PGS.TS Đào Xuân Cơ. Ảnh: Báo Tuổi trẻ
PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chua xót: “Chưa bao giờ rơi vào tình cảnh như bây giờ. Các thiết bị phục vụ cho công tác chẩn đoán, đặc biệt là thiết bị phục vụ trong công tác chẩn đoán hình ảnh, các máy chụp chiếu siêu âm thiếu trầm trọng. Bởi vì trước đây thì toàn bộ những thiết bị này phần lớn là máy liên doanh liên kết. Khi các hợp đồng liên doanh, liên kết hết hạn cũng song song với đó là Thông tư liên doanh, liên kết hiện tại đã bãi bỏ. Hiện tại thì không có một thông tư, nghị định nào hướng dẫn việc này. Do vậy, chúng tôi không có cơ sở pháp lý để tái ký hợp đồng”.
GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức xót xa:"Phương án thứ nhất mua máy để làm. Nhưng một máy xét nghiệm trị giá nhiều chục tỷ đồng sẽ đi kèm với những hóa chất, chỉ có hóa chất của hãng đấy mới sử dụng cho máy đấy được nên khi đấu thầu để mua hóa chất sử dụng cho máy thì rơi vào tình trạng chỉ có một hóa chất. Tức là rơi vào tình trạng chỉ định thầu, vi phạm pháp luật, không thể làm theo phương án ấy được. Phương án thứ hai là thuê máy cũng y như phương án trước vì hóa chất cũng đi theo máy, không thể mua hóa chất khác được và lại rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật nếu như chỉ có một hóa chất. Phương án thứ ba là liên doanh, liên kết để có thể sử dụng hóa chất nhưng không có quy định nào của pháp luật về chuyện này".
GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức. (Ảnh Báo Chính phủ)
Chẳng may ốm đau phải vào bệnh viện, người bệnh chỉ biết trông chờ vào bệnh viện, nhưng bệnh viện lại sợ vi phạm pháp luật nên không dám đấu thầu, không dám tiếp tục liên doanh liên kết, án binh bất động chờ cơ chế- đợi thông tư. Rồi khi vật tư y tế đã cạn kiệt, hàng loạt bệnh viện cùng lên tiếng kêu cứu. Ngay ngày đầu tiên của tháng 3, Bệnh viện tuyến cuối Việt Đức (tại Hà Nội) buộc phải quyết định ngừng mổ phiên, hạn chế tối đa các xét nghiệm cho bệnh nhân không cấp cứu. Bệnh viện Chợ Rẫy, tại thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ tạm ngừng hoạt động.
Sợ sai không dám làm, cùng tâm lý chờ cơ chế, đợi thông tư không chỉ có trong ngành y, mà phổ biến ở nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị, giống như một sợi dây vô hình trói buộc khiến nhiều nơi không thể xử lý được những tồn tại, bất cập đang diễn ra. Có nơi chỉ lập dự án, rồi triển khai một cách hình thức, chủ yếu để nhận phần, quây giữ đất cho cỏ mọc. Cũng có địa phương mạnh tay thu hồi vài dự án, nhưng không giải quyết được những vấn đề liên quan như đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân vùng bị ảnh hưởng. Kỳ vọng ban đầu là thu hút những nhà đầu tư có năng lực, tạo công ăn việc làm, làm thay đổi bộ mặt, đánh thức tiềm năng lợi thế của địa phương không những không đạt được mà còn trở thành phiền lụy, vướng mắc cho dân. Nhiều người bức xúc trước hàng loạt dự án nghìn tỷ bỏ hoang, ì ạch, chậm tiến độ gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên của đất nước.
Huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh
Ông Nguyễn Văn Giáp, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố Song Yên, thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ: “Dân đồng tình với tỉnh, huyện, phát triển kinh tế nhưng các tập đoàn cứ về rào rứa chứ không làm. Dân thì trong khu vực quy hoạch, tỉnh huyện không cho làm nhà, cơi nới vì ảnh hưởng sau này giải phóng mặt bằng dự án. Dân thì đồng tình nhưng không có dự án nào làm đúng cả, dân rất buồn.”
Là địa phương có hơn 240 dự án chậm triển khai, ông Võ Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nguyên nhân căn cơ nhất hiện nay là vướng vào những thủ tục pháp lý chồng chéo, tổng hợp nhiều nguyên nhân, từ giao đất, thuê đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhiều yếu tố lắm. Dẫn đến trong quá trình hiện nay tham mưu thì phải chặt chẽ, mình không thể làm tùy tiện để làm sai khác được. Việc cải cách hành chính mình làm không nhanh thì cũng ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà mình làm tùy tiện, ẩu, thì lại phải chịu trách nhiệm.”
Tâm lý sợ sai, e ngại “chịu trách nhiệm” và những cái “khó trong quy định của pháp luật” khiến việc tưởng chừng như đơn giản là thu hồi những dự án tồn đọng, chậm triển khai, thực hiện đấu thầu để giao lại cho các nhà đầu tư có đủ năng lực thì không phải địa phương nào cũng làm được.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Báo cáo giám sát của Quốc hội nêu thực trạng hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Năm 2020 là 1 nghìn 867 dự án, năm 2021 là 1 nghìn 962 dự án, trong đó hầu hết là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm. Còn tình trạng công trình, dự án không đưa đất vào sử dụng từ 1-2 năm diễn ra phổ biến, cá biệt có dự án bỏ hoang đến 15 năm. Đáng chú ý, trong 7 địa phương thuộc diện giám sát của Quốc hội, số công trình, dự án phải tuyên bố hủy bỏ sau 3 năm không triển khai lên tới 1 nghìn 739 công trình, dự án, với tổng diện tích đất trên 12 nghìn ha.
Sợ sai đang là một "căn bệnh" trầm kha, khó chữa của các cấp, các ngành và các địa phương, cơ quan, đơn vị. Căn bệnh phổ biến này đã trói buộc tư duy đột phá, sáng tạo, trở thành vật cản khiến nhiều cán bộ lãnh đạo không dám đương đầu với khó khăn. Tâm lý đó còn lấn át cả sự tự tin, quyết đoán vốn là những tố chất của người lãnh đạo, khiến ngày càng dần vắng bóng những cá nhân quyết liệt, “dám nghĩ”, “dám làm”, “dám chịu trách nhiệm”.
Điều đáng nói là tâm lý này đang gây ra tình trạng trì trệ hệ thống, ách tắc nguy hại, gây lãng phí lớn, kéo lùi các mục tiêu an sinh xã hội và phát triển kinh tế của đất nước. Vì sao có căn bệnh đáng sợ này, độc giả đón đọc phần 2 của loạt bài với nhan đề: “Không làm để bảo toàn cá nhân”./.