Chứng khoán

Tuần 27/2 – 3/3: NĐT cá nhân mua ròng hơn 1.700 tỷ đồng, tâm điểm nhóm bất động sản và bộ ba ‘bank, chứng, thép’

VN-Index trải qua một tuần giao dịch tranh chấp quanh vùng điểm 1.020, chỉ số liên tục rung lắc với thanh khoản sụt giảm. Tâm lý giằng co giữa phe mua và phe bán được thể hiện rõ ràng qua việc thanh khoản bán chủ động liên tiếp xuất hiện trở lại ngay khi VN-Index hồi phục.

Về diễn biến cụ thể, VN-Index giảm điểm mạnh vào phiên đầu tuần dưới áp lực bán ở tất cả các nhóm ngành, trong đó có nhiều bluechip thuộc rổ VN30 tác động tiêu cực đến thị trường.

Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy dần xuất hiện ngay khi VN-Index giảm xuống vùng hỗ trợ quanh 1.020 giúp chỉ số chung bật nảy vào phiên ngày 1/3. Kết tuần, VN-Index giảm 14,79 điểm, tương đương giảm 1,42% so với tuần trước xuống 1.024,77 điểm.

Theo thống kê, trong tuần vừa qua, cổ phiếu dầu khí diễn biến tích cực nhất khi vẫn giữ được sắc xanh hơn 2% với nhiều cổ phiếu mã tăng như PLX, PVD, PVS. Ở chiều ngược lại, áp lực lớn đè nặng lên nhóm cổ phiếu bán lẻ đã khiến nhóm này giảm gần 5%.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Cổ phiếu bất động sản được mua vào mạnh nhất

Tuy mua ròng về giá trị, giao dịch mua ròng của NĐT cá nhân chỉ diễn ra tại 8/18 nhóm ngành. Cổ phiếu bất động sản được mua ròng 489 tỷ đồng, là giá trị lớn nhất trong tuần, tuy nhiên quy mô đã giảm 22% so với tuần trước đó.

Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng quay lại mua ròng các đại diện thuộc nhóm ngân hàng (294 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (237 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (139 tỷ đồng), …

Nhóm cổ phiếu tài nguyên cơ bản có tỷ trọng giao dịch tăng lên 12,27% toàn thị trường, cao nhất trong vòng 10 tuần liên tiếp, chỉ số giá ngành giảm 1,16% trong tuần. Điều này cho thấy nhóm này có lực bán ra. Tính từ đầu năm, nhóm này tăng 5,72% nhưng trong vòng một năm giảm 48,9% và là nhóm giảm mạnh thứ ba toàn thị trường.

Chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm tài nguyên cơ bản giảm trong tuần, chỉ số giá giảm cho thấy có lực bán ra. Chỉ số dòng tiền của nhóm tài nguyên cơ bản trong tuần tăng cho thấy so với thị trường chung lực bán ra của nhóm này mạnh hơn.

Chiếm ưu thế hơn về số lượng, giao dịch bên bán không có nhiều điểm nhấn khi không có ngành nào bị rút ròng trên 100 tỷ đồng. Trong đó, họ dầu khí bị rút ròng mạnh nhất gần 41 tỷ đồng.

Áp lực bán đến từ NĐT cá nhân cũng duy trì tại nhóm xây dựng & vật liệu (36 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (21 tỷ đồng), công nghệ thông tin (12 tỷ đồng), bảo hiểm (10 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

HPG, VHM và ACB dẫn đầu chiều mua ròng

Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, HPG là cổ phiếu duy nhất ghi nhận giá trị giao dịch ròng trên 200 tỷ đồng. Dẫn đầu, cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát được mua ròng mạnh 240,1 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh sàn HOSE.

Theo sau, lực mua các cá nhân tìm đến VHM của Vinhomes với giá trị 195,6 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT cá nhân gần như đối ứng với lực xả của khối ngoại.

Dòng tiền các cá nhân trong nước cũng tìm đến các đại diện của nhóm tài chính ngân hàng là ACB (190,2 tỷ đồng), SSI (155,8 tỷ đồng), VND (77,5 tỷ đồng), VCB (70,9 tỷ đồng), …

Theo sau, nhóm này mua ròng nhẹ hơn các cổ phiếu KDC, HAH, …

 Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tại chiều bán ròng, giao dịch vẫn tập trung mạnh nhất ở VNM với 123,7 tỷ đồng. Tuy lực xả đã suy yếu so với tuần trước đó, cổ phiếu của Vinamilk vẫn là mã duy nhất bị xả ròng trên 100 tỷ đồng.

Trong báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán ACB, các nhà phân tích dự phóng VNM tiếp tục tăng trưởng một chữ số trong năm 2023. Biên lợi nhuận dự kiến sẽ cải thiện nhờ giá nguyên liệu sữa có xu hướng giảm, tuy nhiên thời điểm ghi nhận sự cải thiện này có thể là từ quý III/2023.

ACBS dự phóng doanh thu thuần của VNM trong 2023 là 61.850 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2022 và lợi nhuận sau thuế là 9.350 tỷ đồng, tăng 9%.

Kế tiếp, các cá nhân trong nước có động thái chốt lời 617 tỷ đồng cổ phiếu BID trong bối cảnh mã này giữ giá khá tốt bất chấp nhịp điều chỉnh vừa qua của thị trường. Tuần qua, BID tăng nhẹ gần 3% lên 45.900 đồng/cp và là trụ đỡ tích cực nhất đóng vai trò giữ nhịp cho thị trường.

Cùng chiều, các cá nhân rút vốn ròng khỏi một số đại diện ngành thép như HSG (56,8 tỷ đồng), NKG (42 tỷ đồng), …

Cùng chuyên mục

Đọc thêm