“Tôi cam kết trong thời gian làm việc tại công ty, nếu mang thai tôi sẽ tình nguyện từ chức cũng như từ chối mọi khoản bồi thường tài chính và không yêu cầu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào từ công ty.”
Đây là đoạn trích từ lá thư cam kết gây bão mạng xã hội Trung Quốc. Qua xác nhận của các phóng viên, lá đơn này có thật nhưng công ty liên quan chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào. Hashtag về chủ đề #Công ty yêu cầu từ chức nếu mang thai# nhận được thảo luận sôi nổi. Trong đó, nhiều cư dân mạng đã chia sẻ bức xúc về tình trạng bất bình đẳng tại công sở:
- Ngay từ ngày đầu đi làm người ta đã nói với tôi là tôi sẽ không được giữ những vị trí quan trọng tại công ty vì tôi sẽ kết hôn và sớm hay muộn cũng sẽ sinh con.
- Không phải là lãnh đạo công ty cũng được mẹ sinh ra sao?
- Nếu để nam và nữ đều được nghỉ thai sản như nhau thì tình trạng này sẽ không diễn ra
Lá đơn cam kết gây bão MXH Trung Quốc
Các công ty phân trần
Luật pháp Trung Quốc quy định rõ lao động nữ nước này được hưởng tối thiểu 98 ngày nghỉ thai sản. Đặc biệt, các doanh nghiệp không được phép giảm lương, chấm dứt hợp đồng lao động hay phân biệt đối xử với lao động nữ bởi vì họ mang thai, sinh con hoặc cho con bú. Tuy nhiên trên thực tế, những quyền lợi này của nữ giới lại thường xuyên bị vi phạm.
Một cán bộ nhân sự tại tỉnh Chiết Giang cho biết mức lương trung bình của một nhân viên văn phòng nữ tại tỉnh là khoảng 10.000 NDT (khoảng 34 triệu VNĐ). Theo luật nghỉ thai sản của tỉnh, nhân viên nữ được nghỉ thai sản 5 tháng và được chi trả tối thiểu 5.000 NDT/tháng. Kèm theo đó là những chi phí trả cho các lao động thay thế. Đối với người sinh con thứ 2, thứ 3 thời gian nghỉ thai sản thậm chí còn tăng lên. Chính vì vây, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách lách luật.
Theo thống kê trong số hơn 3 triệu tranh chấp về lao động tại Trung Quốc, có hơn 10.000 trường hợp liên quan đến mang thai. Trước đó, vào năm 2019, một trường đại học ở Trung Quốc cũng bị phản đối dữ dội vì đề nghị kỷ luật, cắt giảm 6 tháng lương và hoãn đánh giá học hàm 2 năm nếu giảng viên nữ không thông báo về việc mình mang thai.
Liệu tình trạng này có thể chấm dứt?
Thực tế mặc dù bị phân biệt đối xử, có rất ít lao động nữ đứng lên đòi lại quyền lợi cho mình. Một phần vì việc kiện tụng kéo dài và tốn kém, chưa kể việc đưa ra bằng chứng bị phân biệt đối xử rất khó khăn. Cùng với đó, những cuộc kiện tụng như thế này cũng khiến lao động nữ khó xin được việc mới.
Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh thấp tại thành thị
Hiện Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh thấp, đặc biệt ở thành thị. Việc hạn chế cơ hội của lao động nữ khi mang thai lại càng làm trầm trọng hơn tình hình. Theo các chuyên gia, đây là một vấn đề lớn, cần sự phối hợp của cả các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân. Một số giải pháp được đề xuất bao gồm đưa chi phí lao động thay thế vào bảo hiểm thai sản để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp hay cho phép vợ hoặc chồng đều được nghỉ thai sản để chăm con…