Long An vừa tổ chức Hội nghị kết nối giao thương với các doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực; tìm hiểu thị trường tiêu thụ hàng hóa cũng như tìm kiếm cơ hội cơ hội đầu tư, hợp tác thương mại, phân phối sản phẩm...
Các doanh nghiệp hai bên đã trao đổi, chia sẻ những thông tin, điều kiện, nhu cầu của nhau để tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác lâu dài; mở ra cơ hội tiêu thụ một số mặt hàng nông sản tại quốc gia Đông Á.
Thanh long và chanh là hai loại cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cây thanh long có diện tích trồng hơn 11.000 hecta, chủ yếu ở huyện Châu Thành, cho sản lượng hơn 300.000 tấn nhưng chủ yếu xuất đi thị trường Trung Quốc (70-80%). Thời gian qua, loại nông sản này mất giá khiến nông dân lao đao. Tỉnh cũng đang tích cực tìm đầu ra cho cây bằng cách khuyến khích nhà nông trồng cây theo phương pháp hữu cơ, áp dụng công nghệ vào sản xuất để đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính. Với cây chanh, diện tích vùng trồng cũng khoảng 11.000 hecta, tập trung chủ yếu ở Bến Lức. Nhiều năm qua, loại cây trồng này mang lại lợi nhuận ổn định và đang chuyển hướng kết hợp công nghệ cao trong chăm sóc.
Sở Công thương Long An cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Market Bright và Ủy ban hỗ trợ kinh tế Việt - Hàn để đầu tư dự án thành lập Trung tâm lưu thông phân phối hàng hóa.
Theo UBND tỉnh, dòng vốn FDI từ Hàn Quốc vào địa phương, liên tục tăng qua các năm. Các dự án hiện hữu của Hàn Quốc tại Long An cũng liên tục mở rộng về quy mô dự án và tăng vốn đầu tư. Hiện nay, Hàn Quốc là quốc gia đứng thứ hai trong gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư địa phương này với tổng vốn đăng ký trên 870 triệu USD. Thời gian qua, địa phương Tây Nam Bộ tổ chức nhiều đoàn lãnh đạo đến thăm, làm việc và xúc tiến đầu tư tại các tỉnh, thành phố của Hàn Quốc. Kết quả, tỉnh đã có kết nối hợp tác với các địa phương như Jeollabuk-do, ký kết các thỏa thuận hợp tác chuyên đề và biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với tỉnh Chungcheongnam – do.
Ngoài Hàn Quốc, Long An cũng chủ động tìm kiếm các thị trường mới, trong đó có Nhật Bản. Từ 4/9 đến 10/9, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đoàn lãnh đạo tỉnh có chuyến làm việc, xúc tiến đầu tư và kết nối địa phương tại Nhật Bản. Đoàn sẽ tổ chức nhiều hoạt động như hội thảo giới thiệu nguồn nhân lực và đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hội nghị xúc tiến đầu tư; tham gia diễn đàn môi trường đầu tư Việt Nam tại Kanagawa.
Trước đó, ngày 23/8, UBND tỉnh Long An đã tổ chức Hội nghị thúc đẩy hợp tác đầu tư và đối thoại DN Nhật Bản năm 2022. Đại diện của Việt Nam bày tỏ mong muốn hợp tác với các địa phương Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về hợp tác kinh tế song phương. Tỉnh chào mời cộng đồng nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm, chọn thực hiện dự án đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh, sản xuất.
Để thúc đẩy hợp tác toàn diện với quốc gia Đông Á, tỉnh cũng tập trung vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Địa phương này đã ký kết ghi nhớ hợp tác với các đơn vị trong nước để việc đào tạo nhân lực có tay nghề cao theo tiêu chuẩn Nhật Bản và cung ứng nguồn nhân lực.
Trên địa bàn Long An có 131 dự án đến từ các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động với vốn đầu tư khoảng 479 triệu USD. Các dự án này tập trung phần lớn tại các địa phương trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh, như: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc và TP Tân An.