Doanh nghiệp xăng dầu lo ngại việc rút phép 5 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nếu không được công bố sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới thị trường - Ảnh: N.HIỂN
Cụ thể, các doanh nghiệp bị xử phạt theo quyết định của Thanh tra Bộ Công thương gồm: Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM, Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Phương.
Hiện các quyết định xử phạt đã được gửi đến các doanh nghiệp qua đường bưu điện.
Song đến nay Bộ Công thương chưa công bố thông tin này, cũng như chưa thông tin trên trang Công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu như đã làm trước đó với 7 doanh nghiệp đầu mối đã bị tước phép.
Điều này khiến cho giới kinh doanh xăng dầu tỏ ra khá lo ngại việc tiếp tục rút phép các doanh nghiệp xăng dầu có thể làm ảnh hưởng tới cung cầu thị trường.
Tuổi Trẻ Online đã đặt câu hỏi với Bộ Công thương và hiện vẫn đang chờ câu trả lời chính thức.
Một đại diện có thẩm quyền xác nhận với Tuổi Trẻ Online việc tước giấy phép với 5 doanh nghiệp là kết quả của hoạt động thanh tra với 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được Bộ Công thương thực hiện từ hồi tháng 2-2022, do Tổng cục Quản lý thị trường và Thanh tra Bộ Công thương thực hiện.
Như vậy, sau khi các đoàn thanh tra của Tổng cục quản lý thị trường thông tin về quyết định xử phạt vi phạm với 7 doanh nghiệp đầu mối, trong đó có hình thức xử phạt là tước giấy phép, thì cơ quan thanh tra Bộ Công thương đã ra quyết định xử phạt với 5 doanh nghiệp này và yêu cầu nộp giấy phép về Bộ Công thương.
Như vậy, đến nay đã có 12 doanh nghiệp bị rút phép có thời hạn sau đợt thanh tra 33 đầu mối của Bộ Công thương.
Thông tin về việc xử phạt, tước giấy phép với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vẫn chưa được các cơ quan chức năng công bố khiến cho giới kinh doanh xăng dầu lo ngại có thể ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, trao đổi mua bán xăng dầu với những doanh nghiệp do có thể không được công nhận về tính pháp lý trong các giao dịch mua bán xăng dầu.
Việc rút giấy phép của các doanh nghiệp nếu như không được thông tin rộng rãi sẽ khiến doanh nghiệp lo ngại không có thời gian để chuẩn bị nguồn hàng thay thế, cũng có thể tiếp tục làm ảnh hưởng đến cung cầu trên thị trường, trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu vừa qua đang bị thiếu hụt cục bộ.
Trên thực tế với 7 doanh nghiệp đầu mối trước đó bị tước giấy phép, Bộ Công thương cũng chỉ thông tin, cập nhật trên trang Công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu do bộ này quản lý. Việc cập nhật thông tin này thực hiện chậm hơn so với quyết định xử phạt được các đoàn thanh tra đưa ra trước đó.
Theo quy định của hoạt động thanh tra và công bố thông tin, quyết định xử phạt vi phạm hành chính là nội dung không công bố trên phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, Bộ Công thương sẽ là công bố các thông tin khi được người có thẩm quyền phê duyệt.
Do vậy, khi kết thúc hoạt động thanh tra các đoàn thanh tra sẽ có báo cáo tổng hợp với Bộ Công thương và bộ này sẽ thực hiện công bố, công khai kết luận thanh tra tổng thể theo quy định trong thời gian tới.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho biết doanh nghiệp này mới nghe thông tin “sẽ bị tước giấy phép”, song chưa nhận được văn bản chính thức.
Hiện doanh nghiệp lo lắng việc tạm tước giấy phép này có thể có thời hạn 1 tháng, song sẽ không chỉ tạm dừng nhập khẩu mà có cả khâu kinh doanh. Theo vị này, nếu ngưng kinh doanh thì hệ thống này sẽ rất khó khăn bởi số lượng xăng dầu mà doanh nghiệp này cung cấp cho thị trường phía Nam, đặc biệt là TP.HCM và các tỉnh lân cận rất lớn.
“Nếu ngừng kinh doanh sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường bởi không chỉ doanh nghiệp chúng tôi mà 4 doanh nghiệp còn lại cũng có thị phần lớn ở khu vực phía Nam”, vị lãnh đạo này cho biết.
N.HIỂN