Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự thảo Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đang được Bộ lấy ý kiến của các bộ, ngành và địa phương có mục tiêu đến năm 2050, cả nước có 184 cảng cá, đáp ứng bốc dỡ tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 2,983 triệu tấn/năm và 160 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
Riêng đến năm 2030, cả nước có 176 cảng cá gồm 37 cảng cá loại I, 90 cảng cá loại II, 49 cảng cá loại III, đáp ứng bốc dỡ tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 2.960.000 tấn/năm và 160 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (gồm 30 khu cấp vùng, 130 khu cấp tỉnh), đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 90.600 tàu cá.
Trong thời kỳ 2021-2030, sẽ có các dự án quan trọng Quốc gia là xây dựng 5 cảng cá loại I là cảng cá động lực trong các Trung tâm nghề cá lớn gồm: cảng cá Bạch Đằng thuộc thành phố Hải Phòng; cảng cá Thọ Quang thuộc thành phố Đà Nẵng; cảng cá Bá Bạc thuộc tỉnh Khánh Hòa; cảng cá Gò Găng thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và cảng cá Tắc Cậu thuộc tỉnh Kiên Giang. Đồng thời, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần thiết yếu các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão khác.
Hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thuộc hệ thống kết cấu hạ tầng thủy sản, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững ngành thủy sản, đặc biệt lĩnh vực khai thác thủy sản.
Những năm qua, hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đã từng bước phát triển cả về số lượng và quy mô, bước đầu đáp ứng được mục tiêu phát triển theo quy hoạch được duyệt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Qua đó, góp phần hội nhập kinh tế quốc tế, chống đánh bắt bất hợp pháp (IUU) khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam và giúp nghề cá Việt Nam có cơ hội thuận lợi thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA); tạo dựng được vị thế, mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành thủy sản tăng kim ngạch xuất khẩu trong nền kinh tế Việt Nam.
Đến nay, cả nước có 92/125 cảng cá đã được đầu tư, nâng cấp; trong đó mới có 68 cảng cá được công bố mở cảng (gồm 3 cảng cá loại I, 54 cảng cá loại II và 11 cảng cá loại III).
Các cảng cá còn lại đang trong quá trình xây dựng hoặc hiện tại chưa đủ điều kiện thực hiện việc công bố mở cảng theo quy định của Luật Thủy sản 2017 với quy mô 9.298 lượt tàu/ngày, tổng công suất lượng hàng thủy sản qua cảng thiết kế khoảng 1,8 triệu tấn/năm.
Cùng với đó có 83/146 khu neo đậu tránh trú bão tàu cá được đầu tư, nâng cấp, trong đó mới có 74 khu neo đậu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố (gồm có 57 khu neo đậu cấp tỉnh và 17 khu neo đậu cấp vùng) với sức chứa khoảng 50.885 tàu cá.
Với mục tiêu phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng thủy sản, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần đầu tư phục vụ hoạt động khai thác thủy sản hiệu quả, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Phát triển hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá sẽ phải xuất phát từ nguồn lợi thủy sản, sản lượng thủy sản cho phép khai thác ở từng ngư trường; phù hợp với các chiến lược như: Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam… và các quy hoạch có liên quan, gắn với bảo vệ môi trường trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; đảm bảo hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự kiến, tổng nhu cầu sử dụng đất và mặt nước theo quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến 2030 khoảng 6.117 ha, bao gồm tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.038 ha và tổng nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 5.079 ha.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng thiết yếu của cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2030 dự kiến là 60.370 tỷ đồng được huy động chủ yếu từ nguồn ngân sách để tạo sức lan tỏa và thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Dự kiến, riêng giai đoạn 2021 - 2025 là 31.650 tỷ đồng và giai đoạn 2026 - 2030 là 28.720 tỷ đồng.