"Mua lại trái phiếu trước hạn là dấu hiệu tích cực cho vấn đề thanh khoản"
Theo báo cáo chuyên đề trái phiếu của FiinGroup cho biết 10 tháng đầu năm giá trị mua lại trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 143.440 tỷ đồng, tăng 41,9% so với cùng kỳ năm 2021, tập trung vào các trái phiếu cận đáo hạn.
Các công ty bất động sản và tổ chức tín dụng có số lượng mua lại TPDN nhiều nhất lần lượt chiếm 21,1% và 63,6% giá trị mua lại từ đầu năm (tương ứng 30.265 tỷ đồng và 91.228 tỷ đồng). Trong đó, nhóm bất động sản chứng kiến hoạt động mua lại đột biến vào tháng 6-7 khi ghi nhận giá trị 12.425 tỷ đồng, tương đương 42% tổng giá trị phát hành trong 10 tháng đầu năm.
FiinGroup đánh giá việc mua lại trái phiếu tạo áp lực dòng tiền lên doanh nghiệp, nhưng đây là dấu hiệu tích cực cho vấn đề thanh khoản hiện nay, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính và giảm thiểu gánh nặng nợ vay trong bối cảnh lãi suất tăng cao.
Mặt khác, hoạt động mua lại tăng lên đột ngột trong thời gian ngắn cũng đang tạo ra áp lực không nhỏ. Thị trường bất động sản trong 10 tháng đầu năm chứng kiến mức thanh khoản thấp khiến hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp tăng mạnh, làm giảm dòng tiền của các đơn vị này.
Thực tế, có một số doanh nghiệp không chủ động mua lại TPDN mà bị nhà đầu tư yêu cầu tất toán trước hạn do e ngại các thông tin tiêu cực lan truyền.
Hoạt động mua lại trái phiếu tiếp tục sôi động trong tháng 11
Đến ngày 6/12, theo thông tin công bố từ chuyên trang trái phiếu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ước tính có hơn 14.392 tỷ đồng trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn.
Các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng tiếp tục ghi nhận hoạt động mua lại trước hạn trái phiếu sôi nổi trong tháng 11.
CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (Mã: AGG), ngày 11/11 mua lại 240,5 tỷ đồng của lô trái phiếu 300 tỷ đồng được phát hành cuối năm 2021, kỳ hạn 12 tháng. Trước đó, từ tháng 6 đến tháng 9, An Gia cũng đã hoàn tất mua lại toàn bộ lô trái phiếu 600 tỷ đồng, kỳ hạn 35 tháng, phát hành vào tháng 6/2021.
Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (Mã: DIG) mua lại một phần của hai lô trái phiếu DIGH2124002 và DIGH2124003, tổng giá trị trái phiếu mua lại 1.600 tỷ đồng. Hai lô trái phiếu được phát hành cuối năm 2021 có kỳ hạn 36 tháng và tổng giá trị phát hành 2.500 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) vào ngày 22/11 đã mua lại 124 tỷ đồng của lô trái phiếu phát hành cuối tháng 12/2021. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, mệnh giá phát hành 1 tỷ đồng/trái phiếu và tổng giá trị phát hành 500 tỷ đồng.
CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) công bố hoàn tất mua lại toàn bộ 150 tỷ đồng trái phiếu PDRH2123009 phát hành vào cuối năm 2021. Ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng Giám đốc Phát Đạt cũng cho biết trong tương lai, khi thu xếp được dòng tiền, công ty cũng có thể cân nhắc mua lại trái phiếu trước hạn.
Mới đây, vào ngày 2/12, Phát Đạt cũng thông tin kết quả mua lại 189 tỷ đồng của lô trái phiếu PDRH2123007 phát hành đầu tháng 12/2021, kỳ hạn 2 năm và có tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 475 tỷ đồng.
CTCP Bất động sản Thế kỷ (Cenland) đã mua lại toàn bộ 500 tỷ đồng trái phiếu CREB2124001 vào ngày 25/11. Lô trái phiếu được phát hành vào tháng 3/2021, kỳ hạn 3 năm với mệnh giá phát hành là 100.000 đồng/trái phiếu.
Từ đầu tháng 11, CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (Mã: IDJ) và CTCP Địa ốc Sacom (Samland) là hai doanh nghiệp có nhiều đợt mua lại TPDN song giá trị nhỏ. Cụ thể, IDJ đã thực hiện 31 đợt mua lại với tổng giá trị trái phiếu mua lại gần 22 tỷ đồng, các lô trái phiếu này được phát hành vào năm 2020 với kỳ hạn 3 năm, tổng giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 249 tỷ đồng. Samland tiến hành 9 đợt mua lại với giá trị mua lại hơn 34 tỷ đồng cho các lô trái phiếu phát hành vào năm 2021, kỳ hạn 2 năm và tổng giá trị phát hành gần 238 tỷ đồng.
Ngoài nhóm bất động sản thì các doanh nghiệp khác cũng ghi nhận giá trị mua lại TPDN trước hạn lớn trong tháng 11.
Hai đơn vị thuộc Tập đoàn Xuân Thiện là CTCP Xuân Thiện Thuận Bắc và CTCP Xuân Thiện Ninh Thuận lần lượt mua lại 1.005 tỷ đồng và 1.670 tỷ đồng trái phiếu trước hạn của các lô trái phiếu có kỳ hạn từ 3 đến 10 năm được phát hành vào năm 2020.
CTCP Du lịch Thung Lũng Nữ Hoàng đã mua lại 399 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 15/11. Các lô trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, được phát hành vào năm 2018 và 2019, tổng giá trị phát hành 4.000 tỷ đồng.
CTCP Phát triển Golf Thiên Đường chủ đầu tư dự án sân golf Paradise Hà Nam mua lại trước hạn 951 tỷ đồng của lô trái phiếu phát hành năm 2020. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 10 năm, mệnh giá là 10 triệu đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành là 2.681 tỷ đồng.
Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý Smart Invest thông báo mua lại toàn bộ 376,8 tỷ đồng của lô trái phiếu phát hành cuối tháng 12 năm ngoái với kỳ hạn 10 năm.
Công ty TNHH Ti Ki, quản lý sàn thương mại điện tử Tiki, cũng mua lại 101 tỷ đồng trái phiếu TIKCH2123001 được phát hành tháng 3 năm ngoái với tổng giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng. Từ tháng 9/2021, doanh nghiệp đã tiền hành nhiều đợt mua lại trước hạn cho lô trái phiếu này.
Ngoài ra, CTCP Tập đoàn Gelex (Mã: GEX) thông báo kế hoạch mua lại 408 tỷ đồng trái phiếu của các mã TP.GEX.2021.01, GEXH2124002 và BONDGEX/2020.02. Các lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, phát hành từ năm 2020-2021, có tổng giá trị phát hành 1.500 tỷ đồng. Thời điểm thực hiện mua lại dự kiến từ cuối tháng 11 đến cuối tháng 12/2022.
CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) thông báo mua lại toàn bộ 18 lô trái phiếu có tổng giá trị phát hành 1.710 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự kiến vào ngày 12/12. Hạn cuối để chủ sở hữu trái phiếu đăng ký bán lại là ngày 1/12.