Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - vừa có văn bản kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho nhiều căn hộ tái định cư trong dự án nhà ở thương mại nhưng chưa được cấp sổ.
Nguồn cơn xuất phát từ giai đoạn 4/2023-8/2024, UBND TPHCM quy định điều tiết 10% quỹ đất ở hoặc 20% quỹ nhà ở tại các dự án kinh doanh nhà để bán lại giá vốn cho thành phố. Đến năm 2005, UBND TPHCM có công văn bỏ việc điều tiết này.
Đồng thời, thành phố quy định với dự án đã có quyết định giao đất sau ngày 23/4/2003 thì các chủ đầu tư dự án dành 10% quỹ đất ở hoặc 20% quỹ nhà ở để bán lại cho UBND TP theo phương thức và giá mua như mua nhà tái định cư. Doanh nghiệp có thể bán lại quỹ nhà ở, đất ở cho thành phố theo tỷ lệ nêu trên tại các dự án khác có tiến độ đầu tư nhanh hơn dự án được điều tiết.
Sau công văn trên, các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đã bán tất cả các sản phẩm nhà ở, căn hộ, nền nhà cho khách hàng, bao gồm phần diện tích 10% quỹ đất ở hoặc 20% quỹ nhà ở.
Nhưng từ năm 2005 đến nay, khách hàng mua các sản phẩm đó đều chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng).

Nhiều căn hộ tái định cư trong dự án nhà ở thương mại nhưng chưa được cấp sổ tại TPHCM, HoREA đề nghị gỡ vướng (Ảnh: TDC).
Theo ông Châu, nhiều khách hàng không thực hiện được các quyền của chủ sở hữu nhà ở, đất ở khi mua sản phẩm trong diện được điều tiết trên. Ông nêu ví dụ Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng và Kinh doanh Nhà Dương Hồng đã triển khai, kinh doanh dự án Khu nhà ở 9B4 - 9B8 tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.
Dự án đã được giao đất năm 2004, hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, hoàn thiện 100% hạ tầng, đã bán toàn bộ 254 căn. Tuy nhiên, 25 căn tương ứng 10% quỹ nhà ở thu nhập thấp chưa được cấp sổ hồng dù đã bàn giao 20 năm, gây ảnh hưởng quyền lợi người dân.
Trường hợp khác là dự án RivaPark 504 Nguyễn Tất Thành, quận 4 do Công ty cổ phần Địa ốc Việt (Vietcomreal) làm chủ đầu tư cũng đã bán 150 căn hộ trong tổng số 320 căn hộ cho khách hàng. Trong đó, 150 căn hộ này ban đầu để phục vụ nhu cầu tái định cư của quận 4.
Nhưng sau đó, quận 4 đã có văn bản xác nhận không có nhu cầu mua lại 150 căn hộ này để phục vụ nhu cầu tái định cư. Một số trường hợp tương tự như dự án Khu nhà ở Tiến Hùng (Ehome3), quận Bình Tân (200 căn hộ), dự án Chung cư Phương Việt, quận 8 (244 căn hộ).
Hiệp hội cho biết TPHCM có khoảng 17 dự án nhà ở thương mại có vướng mắc từ việc thành phố không mua lại quỹ nhà trong dự án để phục vụ tái định cư. Hệ quả là nhiều khách hàng đã mua loại nhà, nền nhà này, đến nay vẫn chưa được cấp sổ hồng.
Ông Châu đánh giá rất cần thiết và cấp bách phải sớm giải quyết cấp sổ hồng để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người mua nhà.
Ông cũng nhận thấy vướng mắc pháp lý này thuộc thẩm quyền xử lý của UBND TPHCM, cũng đã xác định rõ các tiêu chí để phân loại và xử lý vướng mắc các dự án nhà ở thương mại từ năm 2024.
Từ đó, thành phố có thể giải quyết việc cấp sổ cho các khách đã mua căn hộ thuộc diện dự kiến phục vụ tái định cư trong dự án nhà ở thương mại mà dự án đó đã có đầy đủ pháp lý; có nguồn gốc rõ ràng; đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Vì vậy, ông Châu kiến nghị UBND TPHCM xem xét chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn Công ty Dương Hồng thực hiện thủ tục để được cấp sổ hồng cho 25 khách hàng còn lại của dự án Khu nhà ở 9B4 - 9B8. Đồng thời, thành phố xem xét chỉ đạo hướng dẫn các trường hợp tương tự như dự án công ty Dương Hồng để thực hiện thủ tục cấp sổ hồng cho khách hàng.
Thời gian qua, công tác gỡ vướng mắc các dự án đã được TPHCM đẩy mạnh triển khai. Theo báo cáo của Tổ công tác gỡ vướng (tổ công tác 5013), nửa đầu năm, thành phố đã tháo gỡ vướng mắc cho 97/142 dự án, với tổng số 71.418 căn hộ, nhà, thửa đất, officetel và hơn 888 sản phẩm bất động sản khác được cấp sổ hồng cho cư dân.