Theo CNN, các sự kiện công nghệ những năm gần đây luôn diễn ra nhàm chán. Các lãnh đạo xuất hiện trên sân khấu để trình diễn những ý tưởng mới, nhưng hầu hết vẫn chỉ nằm trong phòng thí nghiệm thay vì được thương mại hóa. Tiếp đó, họ giới thiệu sản phẩm thế hệ tiếp theo, mô tả một vài cải tiến nhỏ về phần cứng và phần mềm như thể chúng đột phá, khác biệt hoàn toàn so với bản tiền nhiệm.
Tuy nhiên, điều này đã thay đổi hoàn toàn trong một tuần qua. Các hãng công nghệ lớn đã phô diễn những bước tiến để tăng trải nghiệm sử dụng Internet của người dùng. Những thay đổi đó được hậu thuẫn bởi AI, cho phép máy tính đưa ra những phản hồi phức tạp và giống một cuộc trao đổi giữa người với người hơn.
Microsoft hôm 7/2 công bố nâng cấp công cụ tìm kiếm Bing bằng cách tận dụng năng lực của ChatGPT. Phiên bản mới không chỉ đưa ra danh sách kết quả tìm kiếm như truyền thống, mà còn trò chuyện, trả lời câu hỏi của người dùng. Một số nguồn tin cho biết Microsoft sẽ tổ chức một sự kiện nữa vào tháng sau để công bố tính năng tương tự cho bộ sản phẩm Office.
Một ngày sau, Google cũng tuyên bố đưa Bard - công nghệ AI giống ChatGPT - vào công cụ tìm kiếm để tương tác với người dùng trong thời gian tới.
Tại Trung Quốc, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba khẳng định viện nghiên cứu Damo Academy của họ đang xây dựng công cụ tương tự ChatGPT. Hãng tìm kiếm Baidu cũng sẽ hoàn thành thử nghiệm Ernie Bot - mô hình chatbot AI mà công ty đã nghiên cứu từ năm 2019 - vào tháng 3 tới.
Những năm qua, các thiết bị công nghệ chỉ được nâng cấp từng bước nhỏ. Viễn cảnh kết nối 5G vẫn chưa thành hiện thực. Các mạng xã hội sao chép lẫn nhau. CNN nhận định, loạt công bố về AI giống như luồng gió mới cho lĩnh vực công nghệ toàn cầu.
Một số chuyên gia so sánh ChatGPT với sự ra đời của iPhone. Smartphone đã có mặt từ đầu thập niên 2000 và phát triển một cách từ tốn. Tuy nhiên, iPhone xuất hiện năm 2007 đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc chơi. Apple không phải hãng tiên phong, nhưng lại khiến các tên tuổi đi trước như BlackBerry, Nokia, Motorola... phải hụt hơi khi bám đuổi.
Tương tự, OpenAI, startup phát triển ChatGPT, mới được thành lập cách đây 7 năm. "ChatGPT đang bùng nổ trên thị trường, nhưng là sản phẩm của quá trình phát triển dài lâu", Bern Elliott, nhà phân tích tại Gartner, nhận xét.
Công nghệ AI đã được trang bị phía sau nhiều tiện ích mà mọi người sử dụng nhiều năm qua, như các nội dung đề xuất trên mạng xã hội, trợ lý âm thanh và nhận diện khuôn mặt. Tuy nhiên, sự xuất hiện của ChatGPT cuối năm 2022 đã phô diễn sức mạnh của AI trước hàng triệu người theo cách thú vị và dễ hiểu.
ChatGPT đã thu hút sự chú ý và thúc đẩy các tập đoàn lớn triển khai những hệ thống tương tự, nhưng cũng đi kèm nguy cơ về tính chính xác và tác động đến cuộc sống của nhiều người. Một số người lo ngại ChatGPT gây gián đoạn nhiều lĩnh vực, khiến giới nghệ sĩ, giáo viên, lập trình viên và nhà báo thất nghiệp. Số khác tỏ ra lạc quan, nhận định ChatGPT giúp xử lý những công việc lặp đi lặp lại với hiệu quả cao hơn hoặc giúp người lao động tập trung cho những nhiệm vụ phức tạp.
Một số chuyên gia cũng so sánh sự chuyển dịch sang AI với giai đoạn đầu của máy tính số, khi các nhà khoa học và giáo viên lo nó sẽ hạn chế khả năng làm toán của học sinh. "Công nghệ mới luôn đi kèm rủi ro mới. Xã hội cần xử lý vấn đề này, bằng cách giáo dục công chúng về cách sử dụng đúng đắn và đề ra chính sách hợp lý. Sẽ cần những bộ hướng dẫn", Elliott nói.
Theo ông, AI vẫn trong giai đoạn sơ khai, nhưng tuần qua cho thấy khởi đầu của phương thức làm việc mới, giống với cách iPhone thay đổi cách liên lạc và tính toán từ năm 2007.
(theo CNN)