Thị trường chứng khoán tiếp tục có tuần giao dịch ảm đạm khi áp lực bán chiếm ưu thế, 3/5 phiên đóng cửa trong sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu bán lẻ, bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề, VHM, VIC, MWG, MSN là những mã tác động tiêu cực nhất đến thị trường khiến chỉ số giảm về sát mốc 1.060 điểm.
Thanh khoản sụt giảm mạnh cho thấy dòng tiền vẫn chưa thật sự trở lại với thị trường, giá trị giao dịch trung bình trên cả ba sàn chỉ đạt 11.000 tỷ đồng/phiên. Trong bối cảnh đó, đà mua ròng của khối ngoại vẫn là điểm sáng, tuy sự sụt giảm đáng kể với giá trị mua ròng khoảng 879 tỷ đồng.
Vậy diễn biến thị trường tuần tới sẽ thế nào? Chúng tôi đã trao đổi với một số chuyên gia tài chính về góc nhìn trong tuần giao dịch tới.
VN-Index sẽ kiểm định hỗ trợ quanh vùng giá 1.040 – 1.050
Ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Diễn biến điều chỉnh của thị trường tuần qua không quá bất thường bởi một số yếu tố như lực mua ròng từ khối ngoại đã có xu hướng giảm tốc, sau khoảng 3 tháng khối này mua ròng với quy mô lớn. Trong khi đó, dòng tiền khối nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa thực sự mặn mà khi kết quả kinh doanh quý 4 của các doanh nghiệp được công bố nghiêng nhiều về kết quả kém khả quan. Điều này cũng giải thích phần nào hiện tượng thanh khoản trung bình suy giảm trong tuần qua.
Nhìn về diễn biến thị trường kể từ tháng 11 tới nay, dòng tiền tập trung chính vào khối ngoại, với quy mô mua ròng bình quân từ 500-600 tỷ đồng/phiên. Với một lượng tiền lớn tham gia thị trường, áp lực chốt lời từ khối này sẽ có xu hướng tăng lên, thể hiện một phần trong tuần qua. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý 4 của các doanh nghiệp nghiêng nhiều về kém khả quan đã đưa mặt bằng định giá P/E thị trường lên mức cao hơn, dẫn tới dòng tiền ngoại khối có xu hướng đảo chiều.
Song hành với quy mô mua ròng lớn, chỉ số đã có thời điểm vượt mốc 1.100 điểm chỉ trong gần 3 tháng và nhiều cổ phiếu đã tăng khoảng 30-50% kể từ vùng đáy này. Do đó, việc bán cổ phiếu của các NĐT nước ngoài cũng có thể giúp thị trường cân bằng lại cung – cầu.
Sự hồi phục của thị trường trong thời gian ngắn vừa qua đã đưa mặt bằng định giá tăng nhanh từ mức dưới 10 lần P/E lên mức gần 12 lần P/E, gần mốc trung bình định giá P/E thị trường trong 1 năm qua. Nếu so với mức P/E lịch sử, định giá của thị trường hiện vẫn đang ở mức trung bình thấp hơn 1 lần độ lệch chuẩn.
Cần lưu ý nếu bóc tách nhóm ngân hàng chiếm khoảng 30% vốn hóa thị trường thì mức P/E các nhóm còn lại không phải quá hấp dẫn nếu so với trung bình lịch sử và so với mặt bằng huy động lãi suất hiện nay.
Về kịch bản thị trường tuần tới, với những tín hiệu kém khả quan hiện tại kết hợp với dòng tiền suy yếu đặc biệt là khối ngoại khi khối này giảm quy mô mua ròng trong các phiên gần đây, ông Khoa cho rằng VN-Index sẽ sớm về kiểm định hỗ trợ MA100 quanh vùng giá 1.040 – 1.050 trong các phiên đầu tuần sau. Nếu chỉ số đánh mất mốc này, không ngoại trừ khả năng chỉ số cần phải kiểm định lại mốc hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm trong thời gian tới.
Với rủi ro điều chỉnh được dự báo sẽ tiếp diễn trong tuần tới, vị chuyên gia Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng quan sát diễn biến thị trường. Trong trường hợp chỉ số tìm được điểm cân bằng mới, có thể giải ngân thăm dò một số cổ phiếu đầu ngành thuộc các nhóm như:
(1) Nhóm dầu khí khi giá dầu thế giới đang có xu hướng tăng đặc biệt sau khi Nga tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày từ tháng 3 tới.
(2) Nhóm điện khi gần đây có nhiều thông tin tích cực về giá điện. Đây cũng là nhóm ngành có tính phòng thủ và có tỷ lệ chi trả cổ tức đều đặn.
(3) Nhóm thủy sản với giá cá tra xuất khẩu tăng cao sau Tết. Ngoài ra, thủy sản cũng là một trong số nhóm ngành xuất khẩu được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa hậu chính sách Zero-Covid khi các nhà xuất khẩu trong nước có thể tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường này.
Hành động “bắt dao” ở các nhịp rơi đầu tiên là không phù hợp
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc khối Phân tích Chứng khoán DSC
Về ngắn hạn, thị trường chứng kiến áp lực bán chủ động cuối phiên trong 2 ngày gần nhất, xóa bỏ hoàn toàn vận động tích lũy cân bằng ngắn hạn. Áp lực bán vẫn đang chiếm ưu thế và chưa có tín hiệu đảo chiều nào đáng tin cậy. Diễn biến rung lắc còn kéo dài sang tuần sau, do xu hướng điều chỉnh trùng khớp với thời điểm đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là VN30F2302. Tuy nhiên nhà đầu tư nên chủ yếu hành động dựa trên phản ứng của giá của cổ phiếu và chỉ số, không nên dựa vào các dự báo.
Đối với nhà đầu tư dài hạn, ông Đạt khuyến nghị nên chờ đợi vùng giá dưới 1.000 điểm trước khi có các vị thế thăm dò. Giá giảm sâu đôi khi kích hoạt các cơ hội mua giá rẻ, tuy nhiên các hành động “bắt dao” ở các nhịp rơi đầu tiên là không phù hợp . Mức P/E gần 12 lần cũng chưa thực sự hấp dẫn để mua gom quyết liệt, nếu so sánh với các vùng đáy định giá trong quá khứ.
Trong khi đó, với đại đa số nhà đầu tư có xu hướng lướt sóng ngắn hạn, hành động phù hợp lúc này là chờ đợi điểm mua khi VN-Index chặn đứng quán tính giảm điểm. Trước bối cảnh liên thị trường và nội bộ, thị trường Việt Nam vẫn còn đủ dư địa cho một nhịp tăng tiếp diễn (dù có thể là nhịp tăng ngắn và rủi ro cao).
Đánh giá về đà giảm tốc mua ròng của khối ngoại, ông Đạt đưa ra 2 lý do chính. Một là, giá trị mua ròng của khối tổ chức nước ngoài và tương quan với VN-Index. Nhóm ngoại ưu tiên mua gom khi thị trường điều chỉnh sâu về vùng 1.000 điểm và đang có chiều hướng chững lại khi Index hồi phục.
Hai là, sự phục hồi của thị trường Trung Quốc. Dù là thị trường khổng lồ với nền kinh tế trong chu kỳ hồi phục, cùng xu hướng mở cửa nền kinh tế trở lại với mức lãi suất thấp, nhưng định giá của thị trường Trung Quốc tương đối rẻ. PE của Shanghai Stock Exchange đang ở khoảng 2 lần, Hang Seng là 8 lần. Thị trường Việt Nam đang rẻ so với khu vực Đông Nam Á, nhưng không rẻ nếu so với Trung Quốc, và có thể gặp áp lực cạnh tranh nguồn vốn nếu tiếp tục tăng trưởng định giá.
Tuy nhiên, vị chuyên gia DSC cho rằng chỉ 2 phiên dừng mua ròng không phản ánh sự thay đổi của nhóm nhà đầu tư lớn như khối ngoại. Nhà đầu tư cần bình tĩnh quan sát xu hướng vận động dòng tiền dài hạn hơn. Đồng thời trong trường hợp chỉ số kéo dài đà giảm về vùng hỗ trợ 1.000 điểm, thị trường Việt Nam nhiều khả năng sẽ hấp dẫn dòng tiền ngoại trở lại.
Theo chuyên gia, LNST các DN trong năm 2023 sẽ có chiều hướng suy giảm. Trường hợp suy giảm 30% có thể đẩy mức PE của VN-Index lên khu vực đắt từ 17-18 lần.
Bên cạnh việc quan tâm đến định giá, nhà đầu tư dài hạn nên tập trung vào các cổ phiếu/doanh nghiệp đảm bảo tiêu chí dòng tiền tốt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất cao và thanh khoản thấp như hiện nay.
Một số tiêu chí tham khảo bao gồm: (1) Dòng tiền tốt (Tiêu chí chính): Dòng tiền SXKD / Doanh thu > 10% (2) Doanh nghiệp vốn hóa: LNST 2022 > 1.000 tỷ (3) Định giá rẻ: PE < 10 (định giá rẻ) (4) Tỷ lệ nợ thấp (giảm thiểu áp lực nợ): Nợ/TTS < 0.5.
Lực cầu bắt đáy có thể xuất hiện quanh vùng hỗ trợ 1.040 điểm
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VNDIRECT
Tiếp nối đà điều chỉnh từ tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến tuần giảm điểm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, mặc dù đã có phiên tăng điểm khá tốt ngay đầu tuần, chỉ số VN-Index đã phải hứng chịu phiên phủ định ngay sau đó với mức giảm 2,2% cùng nến đỏ đặc và thanh khoản vượt lên trên trung bình 20 ngày.
Đánh giá về nguyên nhân của nhịp điều chỉnh trong tuần qua, chuyên gia nhận định rằng dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân vẫn đang chờ đợi vùng định giá hấp dẫn hơn để giải ngân sau khi KQKD quý 4/22 đưa ra kém hơn nhiều so với thị trường kỳ vọng. Tính từ đỉnh thiết lập hồi cuối tháng 1, chỉ số VN-Index đã giảm khoảng 5,6%, nhiều cổ phiếu lớn đã điều chỉnh trên 10% và thậm chí là 20% kể từ đỉnh.
Trong tuần tới, chỉ số có thể kiểm định vùng hỗ trợ mạnh quanh 1.040 điểm. Vị chuyên gia đến từ VNDirect cho rằng lực cầu bắt đáy có thể xuất hiện tại vùng này, giúp VN-Index có nhịp phục hồi kỹ thuật. Tuy vậy, trong bối cảnh dòng tiền yếu, khó có thể kỳ vọng nhịp phục hồi này đi xa được.
Kịch bản tích cực là chỉ số sẽ tiếp tục tích lũy xoay quanh vùng 1.040-1.080 điểm. Do đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục cổ phiếu ở mức vừa phải và hạn chế tối đa sử dụng margin ở thời điểm hiện tại. Đồng thời, ông Hinh khuyến nghị chỉ giải ngân thăm dò khi VN-Index về quanh những vùng hỗ trợ mạnh và ưu tiên những cổ phiếu đã có sẵn trong danh mục.