Thời sự

Một tỉnh phía Nam Hà Nội đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hàng đầu cả nước năm 2030

Sáng 28/5, tại tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định 218/QĐ-TTg ngày 4/3 của Thủ tướng Chính phủ, Ninh Bình đặt mục tiêu trở thành một trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại hàng đầu cả nước và cơ bản hình thành đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, Ninh Bình còn đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Quy hoạch đặt mục tiêu cụ thể là đến năm 2030, Ninh Bình là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Đến năm 2035, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Đồng thời là một trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại; một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tỉnh phía nam Vùng Đồng bằng sông Hồng.

Để đạt mục tiêu này, tỉnh Ninh Bình xác định 4 ngành kinh tế trụ cột gồm: Lấy du lịch, công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế di sản làm mũi nhọn; Lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm động lực thúc đẩy một số ngành công nghiệp công nghệ cao;  Lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; Lấy nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ.

Các hành lang phát triển gồm hành lang Bắc - Nam; 3 hành lang Đông – Tây, hành lang ven biển. Quy hoạch cũng xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, động lực, đưa tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP).

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Ninh Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế, là tỉnh nằm ở cực Nam đồng bằng sông Hồng, có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng - an ninh; điểm giao cắt giữa ba vùng (Vùng Đồng bằng sông Hồng - Vùng rừng núi Tây Bắc và Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ).

Ninh Bình cũng là một trong ba trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô lớn, hiện đại của đất nước; 1 trung tâm chế biến rau quả hàng đầu Việt Nam.

Dịch vụ của tỉnh phát triển mạnh mẽ, với du lịch trở thành điểm sáng, nhiều năm liền giữ vững vị trí trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu và 10 tỉnh thu hút lượng khách cao nhất cả nước, đang dần trở thành trung tâm du lịch của quốc gia và quốc tế.

Thời gian qua, tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2023, kinh tế tỉnh duy trì phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7,27%, đứng thứ 8 trong Vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 22 toàn quốc; quý I/2024 tiếp tục tăng ở mức 8,02%. Từ năm 2022 tỉnh Ninh Bình thực hiện tự chủ về ngân sách (năm 2023 xếp 26/63, ước đạt 16.144 tỷ đồng); xuất khẩu xếp 23/63.

Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỉ trọng hơn 80% trong cơ cấu kinh tế. Công nghiệp thực sự đã trở thành động lực trong tăng trưởng. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và bền vững của tỉnh. Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nâng cấp, nhất là hạ tầng giao thông.

Thủ tướng nhấn mạnh, để thực hiện Quy hoạch, tỉnh Ninh Bình cần chú trọng, tập trung thực hiện "một trọng tâm, hai quyết tâm, ba động lực".

"Một trọng tâm" là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thực hiện quy hoạch, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá, trong đó nguồn lực quan trọng nhất vẫn là con người, phát huy tối đa tính tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử, văn hoá hào hùng của vùng đất Cố đô Hoa Lư.

"Hai quyết tâm" gồm: Quyết tâm đầu tư, phát triển yếu tố con người, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để đi lên từ "bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển" của mình, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; Quyết tâm phát huy vai trò kết nối của 3 vùng (Vùng Đồng bằng sông Hồng - Vùng rừng núi Tây Bắc và Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ) về kinh tế, giao thông, hạ tầng, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi…

"Ba động lực" gồm: Phát triển hạ tầng chiến lược; Phát triển công nghiệp và dịch vụ, trong đó có công nghiệp ô tô, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản; Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm