Kinh doanh

Một quốc gia Đông Nam Á bỏ cả trợ cấp giá trứng gà, thả nổi theo thị trường

Tóm tắt:
  • Malaysia sẽ loại bỏ hoàn toàn trợ cấp giá trứng gà, giảm dần từ 5 cent/ngày 1/5 đến 0 từ 1/8.
  • Trứng được xem là “siêu thực phẩm”, giàu dinh dưỡng, nhưng ở Malaysia giá tăng do nguồn cung khan hiếm.
  • Chính phủ chi khoảng 1,2 tỷ RM mỗi năm trợ cấp trứng, động thái này nhằm tái cơ cấu chi tiêu công.
  • Loại bỏ trợ cấp dự kiến làm giá trứng tăng khoảng 3 cent mỗi quả, ảnh hưởng lớn đến người thu nhập thấp.
  • Nhiều chuyên gia và nhà bán lẻ cho rằng thị trường ổn định, loại bỏ trợ cấp giúp ngành chăn nuôi bền vững hơn.

Trứng gia cầm chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nên được gọi là “siêu thực phẩm”. Ở nước ta, mỗi năm sản xuất gần 20 tỷ quả trứng gia cầm và được bày bán trên thị trường với giá rẻ như rau.

Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, trứng lại là mặt hàng đắt đỏ, giá tăng phi mã. Tại Mỹ, theo báo cáo mới nhất từ Cục Thống kê Lao động quốc gia này, giá trứng tháng 2 năm nay đã đạt 5,9 USD/tá (12 quả), phá vỡ kỷ lục trước đó là 4,95 USD/tá.

Đà tăng này khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành sử dụng nhiều trứng, tiếp tục đối mặt với chi phí cao, trong bối cảnh nhu cầu thường tăng mạnh trước các dịp lễ.

trung gia cam 1.jpg
Ở Việt Nam, trứng gia cầm có giá rất rẻ. Ảnh: Tâm An

Hay tại Malaysia, những năm vừa qua, giá loại “siêu thực phẩm” này lại tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm. Do đó, cuối năm 2022, quốc gia này phải đưa ra chính sách trợ cấp và áp giá trần với trứng gà nhằm kìm hãm đà tăng, ổn định thị trường.

Hiện tại, các nhà sản xuất trứng nhận được khoản trợ cấp 10 cent cho 1 quả trứng gia cầm, khiến Chính phủ quốc gia này phải chi khoảng 100 triệu RM mỗi tháng, tương đương 1,2 tỷ RM/năm (khoảng 363 triệu đô la Singapore).

Thế nhưng, tờ Straits Times mới đây đưa tin, Chính phủ Malaysia sẽ loại bỏ hoàn toàn trợ cấp trứng gà. Khoản thanh toán cho các nhà sản xuất trứng sẽ được giảm dần theo giai đoạn, bắt đầu với việc giảm còn 5 cent từ ngày 1/5. Sau đó, khoản trợ cấp này sẽ bị loại bỏ hoàn toàn và kiểm soát giá từ ngày 1/8 năm nay.

Malaysia hiện áp giá trần cho trứng gà, dao động từ 38-42 cent/quả (khoảng 2.312-2.555 đồng/quả), tùy thuộc vào loại và chất lượng. Các nhà phân tích ước tính, giá trứng sẽ tăng khoảng 3 cent/quả, khi trợ cấp và kiểm soát giá bị loại bỏ.

Theo Bộ Nông nghiệp và An ninh Lương thực Malaysia, quyết định này được đưa ra sau khi cân nhắc kỹ lưỡng về sự ổn định của thị trường.

Điều này đã được chứng minh trong dịp lễ Hari Raya Aidilfitri gần đây, khi nguồn cung trứng vẫn đủ với giá bán cạnh tranh. Bộ này nhấn mạnh, một loại trứng đặc biệt sẽ được cung cấp với chi phí hợp lý.

Hơn nữa, động thái loại bỏ trợ cấp trứng còn gắn liền với kế hoạch cải tổ chi tiêu công và củng cố nền tài chính quốc gia.

trung ga
Malaysia sẽ tiết kiệm được khoảng 1,2 tỷ RM/năm từ việc bỏ trợ cấp hoàn toàn giá trứng gà. Ảnh: HAZLIN HASSAN

Trước quyết định này, các nhà phân tích cảnh báo sẽ tạo ra tác động tâm lý, ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng, những người vốn đã phải vật lộn với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

Giáo sư nghiên cứu châu Á James Chin của Đại học Tasmania nói với tờ Straits Times: “Việc loại bỏ trợ cấp trứng không phải là một quyết định hợp lý về mặt chính trị vì người Malaysia ăn rất nhiều trứng”. Thay vào đó, Chính phủ có thể giảm trợ cấp xuống còn 2,5 cent/trứng, bởi rất nhiều người nghèo coi trứng là nguồn protein chính.

Malaysia đã thực hiện trợ cấp và áp giá trần cho thịt gà và trứng vào tháng 2/2022, trong nỗ lực ổn định giá cả, vốn đã tăng vọt do thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, Chính phủ Malaysia đã ngừng trợ cấp và kiểm soát giá đối với thịt gà từ tháng 11/2023.

Giáo sư James Chin nói: “Chính quyền nên nhắm vào các khoản trợ cấp lớn hơn. Trợ cấp trứng là không đáng kể nếu xét trong tổng thể chi tiêu công”. Ông cảnh báo, giá trứng đang tăng ở các quốc gia khác như Úc và Mỹ.

Một số nhà phân tích dự đoán việc loại bỏ trợ cấp sẽ đẩy giá trứng tăng. Từ đó, sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, vì trứng là nguồn protein rẻ nhất hiện nay.

Hiện, các nhà bán lẻ lại rất hoan nghênh động thái này của Chính phủ. Giám đốc điều hành siêu thị Mydin, ông Ameer Ali Mydin, cho rằng, việc cho phép thị trường quyết định giá cả có thể dẫn đến một ngành chăn nuôi gia cầm bền vững hơn.

“Trong thời gian nguồn cung dư thừa, đây là thời điểm tốt để loại bỏ kiểm soát giá và trợ cấp trứng, vì trên thị trường đang có rất nhiều trứng”, ông nói. Đồng thời nhấn mạnh, các xu hướng cho thấy nguồn cung ổn định và giá cả đang giảm.

Nhà kinh tế trưởng Mohd Afzanizam Abdul Rashid của Ngân hàng Muamalat Malaysia cũng đồng tình, giá trứng trung bình đã giảm tới 13% trong tháng 2 vừa qua. Điều này mở ra cơ hội cho Chính phủ loại bỏ các khoản trợ cấp với mặt hàng này.

Các tin khác

Cổ phiếu Novaland tăng trần

Cổ phiếu Novaland (NVL) hôm nay tăng hết biên độ lên 12.250 đồng, vùng giá cao nhất 8 tháng, khi nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng gom hàng.

Miền Bắc nắng nóng kéo dài

Hôm nay (5/5), miền Bắc bước vào đợt nắng nóng kéo dài nhưng không gay gắt. Khu vực miền Trung đón nắng nóng diện rộng, gay gắt. Tây Nguyên, Nam Bộ ngày nắng, có nơi nắng nóng, chiều tối có mưa dông.

Ăn ít vào buổi tối có tốt không?

Tôi có thói quen ăn ít vào buổi tối, nhưng nhiều thông tin nói rằng bữa tối cũng rất quan trọng, vậy việc ăn ít đem lại lợi ích hay hại sức khỏe? (Đức, 38 tuổi, Hà Nội).

Giá vàng giảm mạnh

Sáng nay (2/5), giá vàng trong nước giảm mạnh. Vàng miếng SJC có nơi giảm còn 118,5 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn về 114,5 triệu đồng/lượng.

4 ngân hàng chuyển giao bắt buộc giờ ra sao?

Nhiều năm qua, thông tin về kết quả kinh doanh của các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt không được công khai. Kể từ sau chuyển giao bắt buộc, những thông tin về sức khoẻ các ngân hàng này đang dần được hé lộ.