Chứng khoán

Một năm sau làn sóng giải chấp: Chủ tịch Phát Đạt tung nghìn tỷ M&A, giới chủ Novaland chưa thoát vòng xoáy

Một năm nhìn lại làn sóng giải chấp tài khoản chứng khoán của ông chủ Phát Đạt và Novaland. Đồ họa: HL.

Thông tin công bố mới đây, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) lên kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của CTCP Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt (PDI) sang cho Công ty TNHH Phát Đạt Holdings. Theo giới thiệu, PDI đang phát triển 3 Khu công nghiệp (KCN) Cao Lãnh I-II-III ở Đồng Tháp có tổng quy mô gần 3.000 ha và KCN đô thị Dịch vụ Phát Đạt – Dung Quất.

Cụ thể về thương vụ, Phát Đạt chuyển nhượng toàn bộ 99,8 triệu cổ phần, chiếm 99,8% vốn điều lệ của PDI cho Phát Đạt Holdings với giá chuyển nhượng không thấp hơn 130% mệnh giá, tương đương 1.287 tỷ đồng.

Phát Đạt Holdings là tổ chức ông Nguyễn Văn Đạt làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm người đại diện pháp luật. 

Thương vụ công ty riêng của ông Nguyễn Văn Đạt chi ra số tiền nghìn tỷ để mua lại mảng khu công nghiệp của Phát Đạt đánh dấu một năm dậy lên làn sóng giải chấp cổ phần của các ông chủ địa ốc. Trong tháng 11 và 12 năm ngoái, khi cổ phiếu giảm sàn 17 phiên, công ty chứng khoán lớn nhỏ ra thông báo bán giải chấp cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Đạt và Công ty TNHH Phát Đạt Holdings.

Cụ thể, từ ngày 7/11/2022 đến 17/11/2022, hai cổ đông lớn nhất của Phát Đạt bị bán giải chấp gần 14,6 triệu cp. Áp lực tiếp tục gia tăng lên gần 42,3 triệu cp trong khoảng thời gian 22/11 – 21/12/2022.

 Diễn biến một số cổ phiếu bất động sản sau một năm. Nguồn: TradingView.

Trước khi bị giải chấp cổ phiếu, ông Nguyễn Văn Đạt sở hữu 332,15 triệu cp, tương đương 49,45% vốn Phát Đạt, ghi nhận tại ngày 30/6/2022. Lượng cổ phiếu PDR do Phát Đạt Holdings nắm giữ là 73,60 triệu cp, tương ứng 10,96% vốn. Việc nắm giữ hơn 60% vốn PDR thông qua sở hữu trực tiếp và gián tiếp qua Phát Đạt Holdings giúp ông Nguyễn Văn Đạt có khối tài sản giá trị trên 1 tỷ USD vào giữa năm 2021 khi cổ phiếu tăng mạnh. 

Cập nhật mới nhất tại ngày 30/6/2023, tỷ lệ sở hữu của ông Nguyễn Văn Đạt giảm còn 42,17%, còn Phát Đạt Holdings giảm còn 10,7%.

Kể từ đầu năm nay, giá cổ phiếu PDR hồi phục đáng kể, có thời điểm gấp đôi từ đáy nhưng tài sản của ông Đạt chỉ bằng 40% so với mức đỉnh.

Cũng nằm trong vòng xoáy giải chấp từ hàng chục công ty chứng khoán một năm trở về trước, nhưng tình cảnh của gia đình ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Novaland khác biệt với ông chủ Phát Đạt.

Tròn một năm làn sóng giải chấp diễn ra, cổ phiếu NVL vẫn đang lình xình ở vùng đáy 12.000 - 14.000 đồng/cp. Các công ty chứng khoán vẫn ra thông báo giải chấp lượng lớn cổ phiếu NVL của đơn vị có liên quan đến ông Bùi Thành Nhơn. Lệnh bán giải chấp cổ phần thuộc sở hữu của ông Bùi Thành Nhơn và vợ là bà Cao Thị Ngọc Sương có phần thưa hơn thời điểm cuối năm 2022 và quý đầu năm 2023.

Sau làn sóng giải chấp, tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Bùi Thành Nhơn tại Novaland giảm từ hơn 60,8% giữa năm 2022 xuống còn gần 43% đầu tháng 9. Ngoài bà Bùi Cao Ngọc Quỳnh mua vào, những cá nhân và tổ chức còn lại đều giảm sở hữu tại Novaland. Cổ phiếu từng mất 2/3 giá trị với chuỗi giảm sàn 17 phiên, cộng với số lượng cổ phần suy giảm, ông Bùi Thành Nhơn không còn trong danh sách tỷ phú USD của Forbes.

Tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Bùi Thành Nhơn tại Novaland. Nguồn: LH tổng hợp. 

Nguồn cơn của việc chưa thể chấm dứt làn sóng giải chấp tài khoản của cổ đông lớn Novaland là NovaGroup và Diamond Properties xuất phát từ việc Novaland không thể thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu khi đến hạn hoặc gia hạn các lô trái phiếu. 

Sau ba tháng trầm lắng, trong thông báo mới đây nhất, Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết sẽ giải chấp  theo chỉ định của trái chủ.

Điểm tích cực nhất sau một năm là báo cáo tài chính của Novaland và Phát Đạt đều đã cho thấy áp lực nợ giảm sau nỗ lực đàm phán, tái cơ cấu nợ, thanh lý tài sản, bán các dự án. Nhiều lô trái phiếu gần đến hạn đã được hai nhà phát triển bất động sản này mua lại.

Tính đến cuối tháng 9, tổng nợ vay của Novaland là 58.944 tỷ đồng, trong đó riêng dư nợ trái phiếu là hơn 40.000 tỷ đồng. Với Phát Đạt, tổng nợ vay giảm còn 3.366 tỷ đồng, danh mục không còn trái phiếu dài hạn, 980 tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn vào tháng 12 năm nay và tháng 3/2024. Nếu hoàn trả nợ gốc trái phiếu, hàng chục triệu cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của các cổ đông sẽ được giải tỏa phong tỏa.

Còn với Novaland, nhiều lô trái phiếu đã đến hạn nhưng không thể trả, dẫn đến quyết định như vừa được BSC đưa ra. Khi Novaland và những trái chủ chưa thể tìm được tiếng nói chung trong việc gia hạn các khoản nợ, lệnh giải chấp tài sản đảm bảo từ các tổ chức quản lý sẽ chưa thể đến hồi kết.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 (Vietnam Investment Forum 2024) sẽ được tổ chức vào ngày 9/11 tại TP HCM

Quy tụ những nhân vật có sức ảnh hưởng trong giới tài chính Việt Nam đến từ các quỹ đầu tư, doanh nghiệp niêm yết, cố vấn tài chính từ các ngân hàng, công ty chứng khoán đầu ngành.

Cùng thảo luận về những chủ đề nóng nhất, trọng tâm nhất xoay quanh bức tranh kinh tế 2024, triển vọng kinh doanh các ngành.

Và một cuộc trình diễn độc đáo của số liệu và công nghệ hỗ trợ đầu tư. Với sự xuất hiện của công cụ phân tích dòng lệnh (Order Flow) đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Đây là phương pháp tiên tiến nhất trên thế giới chủ yếu là được các quỹ tại Anh, Mỹ và các tổ chức trading chuyên nghiệp ứng dụng và hiện chưa phổ biến cho số đông nhà đầu tư.

Và theo dõi cuộc trình diễn độc đáo của số liệu và công nghệ hỗ trợ đầu tư với sự xuất hiện của công cụ phân tích dòng lệnh (Order Flow) đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Đây là phương pháp tiên tiến nhất trên thế giới chủ yếu là được các quỹ tại Anh, Mỹ và các tổ chức trading chuyên nghiệp ứng dụng và hiện chưa phổ biến cho số đông nhà đầu tư.

Số lượng có hạn, đăng ký ngay tại đây.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm