Doanh nghiệp

Một doanh nghiệp Việt đã ký được hợp đồng lớn, đủ cho hơn 1.000 lao động làm việc đến năm 2028

Công ty Đóng tàu Hạ Long nhận được những hợp đồng khủng

Cách đây ít ngày, Công ty Đóng tàu Hạ Long tổ chức Lễ hạ thủy tàu dịch vụ điện gió CSOV 8720-YN552205, tiếp tục đánh dấu sự phát triển vượt bậc của đơn vị trong lĩnh vực đóng mới tàu.

Tàu dịch vụ điện gió CSOV 8720-YN552205 có chiều dài toàn bộ tàu 88,6m; chiều rộng thiết kế 19,7m; chiều cao từ máy lên boong chính 8m; chiều cao từ đáy đến điểm cao nhất của tàu 43,1m; mức nước thiết kế 5,3m; tổng dung tích tàu (GT) 6.700 GT; trọng tải toàn phần 2.000 tấn.

Đây là loại tàu dịch vụ hỗ trợ ngành công nghiệp điện gió xa bờ và là dòng tàu với hệ thống phức tạp, đòi hỏi trình độ và kỹ năng cao trong thi công.

Đây cũng là tàu đầu tiên được hạ thủy trong số 14 tàu dịch vụ điện gió (trị giá mỗi tàu 250 tỷ đồng) mà Công ty ký hợp đồng với Tập đoàn Damen (Hà Lan).

Một doanh nghiệp Việt đã ký được hợp đồng lớn, đủ cho hơn 1.000 lao động làm việc đến năm 2028- Ảnh 1.

Ảnh: Công ty Đóng tàu Hạ Long.

Ông Alexander Saverys, Tổng giám đốc điều hành Công ty CMB.Tech (chủ tàu) cho biết, tàu được trang bị tất cả các công nghệ hiện đại nhất, động cơ hydrogen. "Đây là tàu được trang bị công nghệ hiện đại nhất trong đội tàu và dẫn đầu trong giảm thiểu carbon trong lĩnh vực vận tải biển", ông Alexander Saverys nói.

Cùng với các hợp đồng đóng tàu dịch vụ điện gió, Công ty xúc tiến đàm phán ký hợp đồng đóng mới 2 tàu chở khách du lịch xuất khẩu 120M-03, 120M-04, với giá trị mỗi tàu khoảng 130 tỷ đồng; đàm phán hợp đồng các tàu chở khách du lịch, tàu chở dầu 4000T-8000T.

Dự kiến, giai đoạn 2024 - 2026, công ty thi công đóng mới 20 tàu, trong đó 1 tàu 24.500T, 2 tàu hàng 45.000T, 8 tàu dịch vụ điện gió, 2 tàu du thuyền 120m, 6 sản phẩm khác. Những hợp đồng này sẽ đảm bảo trong năm 2024, giá trị sản xuất của Công ty đạt trên 727 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp Việt đã ký được hợp đồng lớn, đủ cho hơn 1.000 lao động làm việc đến năm 2028- Ảnh 2.

Tàu dịch vụ điện gió CSOV 8720-YN552205. Ảnh: Minh Đức

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty Đóng tàu Hạ Long, cho biết, thay vì đóng những con tàu nhỏ, giờ đây, công ty đã hạ thủy thành công nhiều con tàu lớn lên đến vài chục nghìn tấn.

Đơn vị đã và đang tiếp tục phát triển, đổi mới không ngừng để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất về chất lượng, an toàn và hiệu quả, đáp ứng ngành công nghiệp năng lượng điện gió toàn cầu cũng như nhằm khẳng định mạnh mẽ vị thế của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Với đơn hàng của Damen, cũng như các hợp đồng đã ký với các khách hàng trong, ngoài nước, Công ty có đủ việc làm đến năm 2028 cho hơn 1.000 công nhân.

Tiềm năng của ngành vận tải biển

Cùng với việc phát triển ngành đóng tàu, vận tải biển của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian gần đây cũng được đầu tư lớn do nhu cầu vận chuyển bằng đường biển ngày một tăng cao.

Thông tin từ Cổng thông tin tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong 2 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp vận tải biển được ghi tên vào đội tàu biển tư nhân có uy tín trên cả nước.

Đầu tiên phải kể đến Công ty TNHH vận tải Việt Thuận. Doanh nghiệp này đã chủ động đầu tư đội tàu biển với các phân khúc vận tải khác nhau từ 5.000 - 80.000 tấn, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về chuỗi cung ứng từ kho bãi đến nhà máy của một số hộ tiêu thụ nguyên liệu như nhiệt điện Vĩnh Tân, Tập đoàn thép Hòa Phát.

Ngoài ra, Việt Thuận còn có 17 tàu biển trọng tải từ trên 10.000 - 76.000 DWT, chạy tuyến quốc tế như: Indonesia, Trung Quốc, Philippines... và các tuyến nội địa trong nước (Quảng Ninh, Dung Quất, Vũng Áng, Duyên Hải, Vĩnh Tân, Cần Thơ...). Công ty còn có đội phương tiện thủy nội địa với 48 phương tiện hoạt động nội địa. Hiện tại, Việt Thuận có tổng trọng tải đội tàu và phương tiện thủy xấp xỉ 1 triệu tấn, sản lượng vận chuyển hàng năm đạt hàng chục triệu tấn và là doanh nghiệp số 1 ngành vận tải đường thủy nội địa tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.

Trong khi đó, Công ty TNHH Hải Nam, hiện có 12 tàu biển với 6 tàu biển có trọng tải từ 31.000 - 53.000 DWT chạy tuyến quốc tế - Châu Á và 6 tàu biển có trọng tải đến 29.000 DWT chạy tuyến nội địa cùng nhiều phương tiện thủy nội địa khác.

Một doanh nghiệp Việt đã ký được hợp đồng lớn, đủ cho hơn 1.000 lao động làm việc đến năm 2028- Ảnh 3.

Ngành vận tải biển Việt Nam đang được đánh giá là nước đạt mức tăng mạnh nhất trong khu vực từ chiếm tỷ trọng 6% (2016) lên đến 13% (2022).

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ngành vận tải biển của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hưởng lợi từ việc chuyển dịch nguồn cung. Khi thị trường nhập khẩu Châu Âu, Bắc Mỹ chuyển dịch từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi.

Trong báo cáo phân tích tháng 10, Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá các hãng tàu lớn đang xem Việt Nam là điểm đến quan trọng mang đến tiềm năng lớn cho nhóm ngành này. APM Terminals (Maersk) và TiL (MSC) là những công ty vận hành cảng biển hàng đầu thế giới đang bày tỏ mong mong muốn tìm hiểu các cơ hội đầu tư để xây dựng các cảng biển container nước sâu lớn, hiện đại cũng như các dự án logistics chiến lược tại Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm