Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Hô hấp châu Âu nhấn mạnh đến yếu tố tiếp xúc môi trường thiên nhiên sẽ mang đến những lợi ích về sức khỏe thể chất, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Các nhà khoa học tại Đại học Porto (Bồ Đào Nha) tiến hành đo chức năng phổi trên 3.278 trẻ sơ sinh trong nước. Xét nghiệm này có thể cho biết phổi đang hoạt động như thế nào và giúp chẩn đoán các tình trạng như hen suyễn. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng sử dụng dữ liệu vệ tinh, bản đồ để đánh giá mức độ của thảm thực vật xung quanh nơi sinh sống của những trẻ em tham gia thử nghiệm. Mốc thời gian của nghiên cứu kéo dài từ khi các bé được sinh ra cho đến khi chúng lên 4, 7 và 10 tuổi. Kết quả cho thấy, những đứa trẻ được tiếp xúc với thảm thực vật gần nhà trong vòng 10 năm đầu đời có chức năng phổi tốt hơn.
Diogo Queiroz Almeida - tác giả nghiên cứu cho biết: "Việc sống trong môi trường gần gũi với thiên nhiên tốt cho chức năng phổi, có thể làm giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe thể chất, có tác động tích cực đến hệ vi sinh vật trong cơ thể của trẻ".
Trước đây, một nghiên cứu từ Na Uy cũng cho thấy những đứa trẻ được tiếp cận với không gian xanh gần nhà sẽ ít gặp các vấn đề về hô hấp như hen suyễn và thở khò khè. Ngược lại, trẻ tiếp xúc với không khí ô nhiễm dễ gặp các vấn đề về hô hấp hơn khi trưởng thành.
Theo TS Marielle Pijnenburg - Chủ tịch Hội nhi khoa của Hiệp hội Hô hấp châu Âu, thời thơ ấu là cột mốc quan trọng để phổi tăng trưởng, phát triển. Do đó, môi trường sống và lượng không khí mà trẻ hít thở mỗi ngày có thể hưởng đến chức năng phổi của các em trong suốt phần đời còn lại. Từ các nghiên cứu trên, chúng ta càng nên nhận thức về tầm quan trọng của môi trường sống cho trẻ bằng các hành động như đảm bảo nơi ở gần công viên, khu vườn, có không gian xanh,... Những điều này sẽ giúp cải thiện sức khỏe phổi của bé, hạn chế các nguy cơ bệnh tật trong tương lai.
Việc tăng cường không gian xanh mang lại nhiều lợi ích sức khỏe đáng kể, bao gồm:
Giảm nguy cơ rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ em: Theo các nhà khoa học, việc tiếp xúc nhiều hơn với thiên nhiên và không gian xanh có thể giúp giảm các triệu chứng của tình trạng rối loạn tăng động giảm chú ý. Bởi căng thẳng chính là nguyên nhân làm trầm trọng thêm triệu chứng ở những người bị ADHD.
Tốt cho não bộ: Một nghiên cứu do Payam Dadvand thuộc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ Môi trường ở Barcelona (Tây Ban Nha) cho thấy, trẻ em sẽ gia tăng sự chú ý, trí nhớ khi chúng tiếp xúc nhiều với cây xanh.
Nhanh hồi phục: Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, đặt cây trong phòng hồi sức của bệnh viện hoặc cho bệnh nhân tiếp xúc nhiều với khu vườn trong khuôn viên bệnh viện có thể giúp họ nhanh hồi phục hơn so với những người ở trong môi trường vô trùng, ít có thói quen đi dạo.
Sống lâu hơn: Không gian xanh cũng tốt cho việc giảm hiệu ứng đảo nhiệt ở các thành phố lớn và hạn chế các tác hại của tình trạng ô nhiễm không khí. Theo các nhà khoa học, sống gần môi trường xanh rất tốt cho quá trình hấp thụ carbon. Do đó, việc tăng không gian xanh trong thành phố có thể làm giảm đáng kể số ca tử vong cho cộng đồng.
(Theo US News, Science Daily, Verywell Family)