Lợi nhuận tăng vọt trong 6 tháng đầu năm
Mới đây, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) đã công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận trước thuế quý II đạt hơn 1.000 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước. Trước đó, trong quý I, ngân hàng cũng ghi nhận tăng trưởng đột biến lợi nhuận với 809 tỷ đồng, gấp 3,7 lần cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Eximbank lãi trước thuế hơn 1.900 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ và cao hơn 60% so với lợi nhuận cả năm trước của ngân hàng. Với mức lợi nhuận này, Eximbank đã thực hiện được 76% kế hoạch năm (2.500 tỷ đồng).
Nếu giữ được "phong độ" này trong nửa cuối năm 2022, Eximbank có thể quay trở lại con số lợi nhuận của thời kỳ hoàng kim năm 2011 của mình trước khi lao đao với các cuộc khủng hoảng về nợ xấu và nhân sự.
Đi sâu hơn vào cơ cấu lợi nhuận, số liệu trên báo cáo tài chính của ngân hàng cho thấy sự tăng trưởng khá đồng đều ở các mảng hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong quý II cũng như trong nửa đầu năm 2022.
Trong hai quý đầu năm, thu nhập lãi thuần, nguồn thu nhập chính của ngân hàng, ghi nhận tăng trưởng cao gần 48% so với cùng kỳ mang về 2.662 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ, từ 103 tỷ đồng lên 398 tỷ đồng.
Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 272,2 tỷ đồng, tăng 37,8% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng mạnh 343% tỷ đồng so với cùng kỳ, từ 30 tỷ đồng lên 133,4 tỷ đồng.
Riêng trong quý II, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ ghi nhận tăng trưởng mạnh hơn 46% vàlãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng đột biến mang về gần 90 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 7,4 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ
Tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của khách hàng đạt 174.582 tỷ đồng, tăng 5,3% so với đầu năm. Trong đó cho vay khách hàng tăng 8,6%, đạt 124.528 tỷ đồng, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng ở mức 1.656 tỷ đồng, tăng 21,2% so với đầu năm. Huy động vốn khách hàng tăng nhẹ 3%, đạt 141.494 tỷ đồng.
Cùng với tăng trưởng cho vay, số dư nợ xấu của ngân hàng cũng tăng 4,3% so với đầu năm, ở mức 2.344 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn ở mức 1.852 tỷ đồng, chiếm 79% nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,96% ở đầu năm xuống còn 1,88% tính đến hết quý II/2022.
Sự khởi sắc từ hoạt động kinh doanh của Eximbank diễn ra trong bối cảnh ngân hàng đã có sự thay đổi về mặt nhân sự cấp cao, cuộc chiến "vương quyền" nhiều năm dường như đã có thể lắng xuống. Bà Lương Thị Cẩm Tú hiện nắm giữ ghế nóng Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng.
Vào cuối tháng 5, đại hội đồng cổ đông thường niên của Eximbank đã có thể tổ chức sau lần 1 bất thành.
Cho biết tại đại hội trước những xáo trộn thượng tầng trong thời gian qua, Chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú khẳng định: "Không có bất kỳ nhóm lợi ích gì liên quan đến hoạt động riêng chi phối hoạt động Eximbank. HĐQT nhiệm kỳ VII trên tình thần phát triển cho Eximbank tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông".
Ngân hàng cũng dự kiến sẽ tăng vốn thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận để lại của 5 năm từ năm 2017 đến năm 2021.
Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 245 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức tỷ lệ 20%, cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu EIB sẽ nhận thêm 2 cổ phiếu mới. Việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến thực hiện trong năm 2022 sau khi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.