Doanh thu, lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng trong nửa đầu năm
Năm 2021, ngành gỗ lập kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu khi đạt 14,5 tỷ USD mặc dù chịu tác động bởi đại dịch COVID-19. Bước sang những tháng đầu năm 2022, ngành hàng tiếp tục tăng trưởng nhẹ trên nền kỷ lục của cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương hơn 53% mục tiêu xuất khẩu năm nay là 16 tỷ USD.
Thị trường tiêu thụ thuận lợi giúp kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp trong ngành tích cực.
Trong số đó, dẫn đầu về doanh thu là CTCP Gỗ An Cường (Mã: ACG) với doanh thu thuần gần 1.060 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, lãi sau thuế đạt 159 tỷ đồng, tăng 16%.
Theo doanh nghiệp, do dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, công ty đã thúc đẩy mạnh hoạt động bán hàng để tăng doanh thu. Ngoài ra, lợi nhuận hoạt động tài chính tăng do lợi nhuận thu được từ các khoản đầu tư.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, ACG ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1.900 tỷ đồng và gần 279 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 12% và 17,7% so với nửa đầu năm ngoái.
Năm 2022, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu 4.242 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 550 tỷ đồng. Theo đó, ACG đã thực hiện gần 45% mục tiêu doanh thu và gần 51% kế hoạch lợi nhuận năm.
Đứng ở vị trí thứ hai là CTCP Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (Mã: SAV) với doanh thu quý II đạt 292,3 tỷ đồng, tăng 20% và lợi nhuận sau thuế gấp gần 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước lên 24,3 tỷ đồng,.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần đạt 566,4 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 46,4 tỷ đồng và 37,2 tỷ đồng, cùng gấp 1,8 lần so với 6 tháng đầu năm 2021.
Năm nay, Savimex đặt mục tiêu doanh thu 1.080 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 56 tỷ đồng. Kết thúc nửa đầu năm, doanh nghiệp thực hiện hơn 52% kế hoạch doanh thu và gần 83% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.
Hai công ty gỗ khác là Công Ty Cổ Phần Chế Biến Gỗ Thuận An (Mã: GTA) và Công ty CP Chế biến Gỗ Đức Thành (Mã: GDT) ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận kém hơn. Trong đó, Gỗ Thuận An ghi nhận gần 183 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 10% so cùng kỳ, lãi sau thuế quý II tăng nhẹ 2% so cùng kỳ, đạt gần 6 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần gần 321 tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 11 tỷ đồng, tăng 7%.
Công ty đặt ra kế hoạch kinh doanh năm 2022 với chỉ tiêu tổng doanh thu đạt 569,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 17,2 tỷ đồng. Như vậy, GTA đã thực hiện được 56% mục tiêu doanh thu và 65% chỉ tiêu lãi sau thuế sau nửa đầu năm.
Tương tự, Gỗ Đức Thành cũng là doanh nghiệp có mức tăng trưởng hai con số với doanh thu quý II đạt 130,6 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 23,2 tỷ đồng, tăng 20,4%.
Lũy kế nửa năm 2022, GDT ghi nhận doanh thu đạt 239 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 44,6 tỷ đồng, tăng 19,8%.
Năm 2022, Gỗ Đức Thành đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 500 tỷ đồng và 94,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, 6 tháng đầu năm GDT thực hiện được 47,8% kế hoạch doanh thu và 47,3% mục tiêu lợi nhuận.
'Bão giá' vẫn mạnh, lạm phát tăng cao tiếp tục đè nặng lên doanh nghiệp
Trong khi nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng thì cũng có một số doanh nghiệp chịu cảnh lãi giảm mặc dù doanh thu vẫn thuộc nhóm tăng trưởng tích cực.
Có thể kể đến như Công ty CP Gỗ MDF VRG Quảng Trị (Mã: MDF) với doanh thu thuần quý II đạt 363,4 tỷ, tăng 24% nhưng lãi thu về chỉ 20,8 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.
Lũy kế nửa năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu đạt 680,4 tỷ, tăng 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 24,2 tỷ, giảm 49% so với cùng kỳ 2021.
Theo giải trình của công ty, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất gỗ MDF của công ty 6 tháng đầu năm tăng 2,67 lần, axit citric, ure tăng hơn 2 lần... so với cùng kỳ. Đơn cử như cùng số lượng mua vào ure với chi phí 40 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái thì năm nay phải bỏ ra 80 tỷ đồng... Điều này khiến chi phí đầu vào tăng lên theo tỷ lệ tăng tương ứng.
Thực tế, đánh giá về tác động của việc chi phí tăng cao đến hoạt động của doanh nghiệp, trong báo cáo mới đây, công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect đã dự báo rằng biên lợi nhuận gộp của các công ty gỗ và nội thất trong năm 2022 sẽ bị ảnh hưởng do nguồn cung thiếu hụt sẽ tiếp tục đẩy giá gỗ nguyên liệu tăng cao vào năm 2022.
VnDirect dự báo năm nay, biên lợi nhuận gộp của các công ty gỗ và nội thất sẽ tiếp tục giảm 0,4-0,6 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển container đã tăng từ 1.500 USD/container 40ft (chặng Thượng Hải-Los Angeles) vào tháng 7/2019 lên gần 8.852 USD/container 40ft vào ngày tháng 3/2022, tăng gấp 6 lần trong vòng 5 năm.
Mặc dù chi phí vận chuyển có dấu hiệu hạ nhiệt vào ngày tháng 4/2022, giảm 10% so với tháng trước đó, VnDirect vẫn dự báo rằng chi phí logistics sẽ vẫn ở mức cao, xấp xỉ 7.000 USD/container 40ft vào năm 2022 do mức giá dầu cao hiện nay.
“Chi phí logistics cao có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của các công ty gỗ và nội thất trong năm 2022”, VnDirect nêu quan điểm.
Ở góc độ ngành hàng, VnEconomy dẫn lời ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), cho biết phần lớn các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ đã nhận được kín đơn đặt hàng đến quý III/2022, thậm chí hết năm.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã sản xuất cầm chừng, chậm giao hàng, vì giá gỗ nguyên liệu từ đầu năm đến nay tăng rất mạnh, trong khi các hợp đồng đầu ra đã ký kết đều đã chốt giá bán.
Giá vận chuyển tàu biển vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí còn leo thang do khủng hoảng bởi xung đột giữa Nga và Ukraine. Với tình hình hiện nay, nếu sản xuất và giao hàng theo đúng hợp đồng đã ký kết, nhiều doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ. Vấn đề này khiến các doanh nghiệp phải tính toán lại.
Không chỉ gánh nặng chi phí, vấn đề lạm phát cũng đang là nỗi lo của doanh nghiệp ngành gỗ khi ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cho biết từ tháng 6, bắt đầu có dấu hiệu thiếu đơn hàng xuất khẩu do lạm phát cao tại các thị trường nhập khẩu, nhất là thị trường Mỹ.
Mỹ chiếm tới 60% trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam nên tình trạng lạm phát quá cao ở thị trường này đang tác động không nhỏ tới ngành gỗ khi mà nhiều nhà nhập khẩu ở Mỹ đã giảm mua đồ gỗ. Không chỉ Mỹ, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang một số thị trường lớn khác như EU, Hàn Quốc… cũng bắt đầu có dấu hiệu khó khăn do lạm phát.
Trước tình hình này, các chuyên gia đều thận trọng trong việc đưa ra nhận định về tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm nay. Tuy nhiên, nhờ trị giá xuất khẩu trong nửa đầu năm đã ở mức cao nên nhiều khả năng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm vẫn có thể ở mức tương đương với năm 2021 hoặc cao hơn một chút.